Ngăn chặn rửa tiền

Bảo Dân| 06/06/2019 09:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Phòng, chống rửa tiền trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay là rất cần thiết và cấp bách.

Việc này đòi hỏi các cơ quan chức năng, các cấp, các ngành cần phối hợp chặt chẽ với nhau để ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ việc có liên quan đến rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Các chuyên gia chỉ ra rằng, thói quen sử dụng tiền mặt của người  dân và việc không bắt buộc chứng minh nguồn gốc dòng tiền là nguyên nhân chính khiến Việt Nam trở thành mục tiêu của tội phạm rửa tiền. Ngoài ra, việc không kiểm soát được lượng kiều hối về nước cũng trở thành cơ hội rửa tiền. Việt Nam được đánh giá là một trong TOP 10 nước có lượng kiều hối gửi về nhiều nhất thế giới. Theo thống kê, có năm đã đạt mốc 18 tỷ USD.

Mặc dù đã có Luật Phòng, chống rửa tiền nhưng văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống rửa tiền còn sơ hở, chưa rõ ràng; nhiều quy định chưa được cụ thể hóa; hoạt động của các cơ quan pháp luật chưa phát huy được năng lực và thẩm quyền của mình, làm cho bọn tội phạm lách luật để thực hiện rửa tiền ở Việt Nam.

Các tổ chức tài chính và đặc biệt là các ngân hàng thương mại do chạy theo lợi nhuận nên coi nhẹ công tác phòng chống rửa tiền, thiếu sự chú ý đến danh sách cảnh báo, danh sách đen, danh sách cấm vận quốc tế; những báo cáo, giao dịch có giá trị lớn, giao dịch đáng ngờ.

Ngoài ra, chế tài xử phạt đối với cá nhân và các tổ chức tài chính không đạt yêu cầu răn đe.

Theo Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Ngọc, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về phòng, chống rửa tiền, thời gian qua, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan trong và ngoài ngành tổ chức, hướng dẫn giám sát việc triển khai các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền đối với hệ thống ngân hàng.

Các chuyên gia nhấn mạnh, hoạt động rửa tiền là một trong những hoạt động xuyên biên giới, có thể gây tổn hại xuyên quốc gia. Đặc biệt, trong bối cảnh các giao dịch quốc tế ngày càng đa dạng, cùng với sự phát triển công nghệ mới, công nghệ đột phá tạo ra nhiều thách thức đối với các NH Việt Nam trong việc tuân thủ các yêu cầu của pháp luật về phòng, chống rửa tiền ở hiện tại và tương lai. Muốn quản lý, rà soát được giao dịch của khách hàng trong “danh sách đen”, phải có hệ thống công nghệ hiện đại mới tránh mọi rủi ro có thể xảy ra.

Các chuyên gia nước ngoài lưu ý, ngân hàng đáp ứng các nghĩa vụ về nhận biết khách hàng theo yêu cầu pháp lý sẽ tạo ra thách thức cho các ngân hàng trong quá trình tiếp nhận khách hàng. Việc triển khai phương pháp tiếp nhận khách hàng: Tăng cường kiểm soát để ngăn chặn và phát hiện việc sử dụng hồ sơ giả mạo; chất lượng xử lý dữ liệu trong quy trình tiếp nhận khách hàng; giảm đáng kể yêu cầu nộp hồ sơ bằng cách thủ công…

Theo Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về xử lý tội rửa tiền có nhiều điểm mới, làm sáng tỏ thêm quy định về tội rửa tiền như: hướng dẫn về tội phạm nguồn, địa vị pháp lý… Trong đó, nếu Bộ luật Hình sự cho phép xử lý tội phạm trong lãnh thổ Việt Nam thì Nghị quyết cho phép xử lý tội phạm này cả ngoài lãnh thổ - tức là những trường hợp người nước ngoài phạm tội ở nước ngoài và mang tiền vào Việt Nam để rửa cũng bị xử lý.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn rửa tiền