Sức Khỏe

Tài xế đột quỵ khi đang lái xe, phát hiện và xử trí như thế nào?

Chí Tâm 04/09/2023 - 21:40

Liên tiếp 2 tài xế xe ôtô khách chạy tuyến Bình Thuận - TP.HCM khi đang lái xe thì có dấu hiệu bị đột quỵ và tử vong trên đường. Các bác sĩ cảnh báo đối tượng có nguy cơ đột quỵ cao và cách phòng ngừa.

Thời gian gần đây đã ghi nhận nhiều trường hợp tài xế lái xe đường dài bị đột quỵ và không qua khỏi.

Mới nhất, camera hành trình của nhà xe Vinh Hoa ghi lại cảnh tài xế N.T.B. đang lái xe chở khách từ TP.HCM đến thị xã La Gi (tỉnh Bình Thuận) thì bị đột quỵ vào sáng 2/9. Dù vậy anh vẫn cố gắng dừng xe an toàn, không gây tai nạn cho những người khác.

dot-quye.jpeg
Tài xế B. có dấu hiệu đột quỵ, gục xuống vô lăng khi đang lái xe. Ảnh cắt từ camera

Khi xảy ra sự việc, hành khách trên xe không biết cách sơ cứu nên đã gọi cấp cứu, sau đó đưa tài xế vào một bệnh viện tại quận 5. Tối 3/9, cơ quan chức năng thị xã La Gi xác nhận tài xế đã qua đời và được đưa về thị xã La Gi an táng.

Ngày 4/9, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, cơn co giật cục bộ nửa người trái chứng tỏ bệnh nhân đã bị tổn thương nghiêm trọng bán cầu não bên phải. Nhiều khả năng bệnh nhân tử vong nhanh có thể do đột quỵ xuất huyết não lượng lớn, gây thoát vị não. Với đột quỵ thiếu máu não, dù tắc động mạch lớn, để gây tử vong sẽ cần nhiều thời gian hơn. Ngoài ra, tỷ lệ gây cơn co giật của xuất huyết não cũng cao hơn đột quỵ thiếu máu não.

Theo bác sĩ Thắng, trường hợp đột quỵ xuất huyết não, 90% nguyên nhân là cao huyết áp. Loại đột quỵ này hiện chưa có nhiều cách điều trị hiệu quả, dễ tử vong và tàn phế. Người dân phòng ngừa bằng cách uống thuốc kiểm soát huyết áp lâu dài, liên tục, không chủ quan tự ý dùng thuốc vì thấy sức khỏe bình thường.

"Đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai, vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Tuy vậy, đột quỵ xảy ra với những tài xế chuyên nghiệp là điều cần quan tâm vì có thể ảnh hưởng sinh mạng nhiều người như cùng trên xe, đang giao thông trên đường", bác sĩ phân tích.

Sau các vụ việc trên, các chuyên gia y tế khuyến cáo, những người điều khiển phương tiện giao thông nói chung, các tài xế lái xe chuyên chở khách (nhất là những tuyến đường dài) nói riêng, bên cạnh việc kiểm tra thị lực, thính lực, phải kiểm tra sức khỏe định kỳ các bệnh lý nền như: cao huyết áp, tiểu đường, tiền sử co giật… Cơ quan chức năng cũng cần yêu cầu chủ các phương tiện phải thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra năng lực, sức khỏe của tài xế, hạn chế giao phương tiện cho những người có các bệnh lý nền… để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Ngoài ra, các chuyên gia y tế còn hướng dẫn các động tác sơ cứu, hỗ trợ tài xế và những người có dấu hiệu bị đột quỵ. Song song việc gọi cấp cứu 115, cần nhanh chóng kiểm tra xem người bệnh còn đang thở hay không.

Nếu không thấy nhịp thở, hãy thực hiện hô hấp nhân tạo; nới lỏng quần áo, cà vạt, khăn cổ, thắt lưng... nếu người đột quỵ khó thở; thực hiện xoa bóp tim ngoài lồng ngực nếu ngưng tim.

Người bên cạnh cần dùng khăn tay quấn vào ngón tay trỏ để lấy sạch đờm, dãi trong miệng người bệnh, để người bệnh nằm nghiêng…

Ngoài ra tuyệt đối không đưa bất cứ gì vật gì khác vào miệng người bệnh. Sau đó phải thật sự bình tĩnh, tìm người người hỗ trợ di chuyển người bệnh đến cơ sở y tế…

dot-1uy1.jpeg
4 dấu hiệu nhận biết một người bị đột quỵ.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tài xế đột quỵ khi đang lái xe, phát hiện và xử trí như thế nào?