Hai bệnh nhân vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng rối loạn ý thức, méo miệng, liệt nửa người, bác sĩ phát hiện họ đã bỏ một loại thuốc rất quan trọng.
Trường hợp đầu tiên, ông N.V.D. (87 tuổi, ở TP Việt Trì, Phú Thọ) nhập viện trong tình trạng rối loạn ý thức, nói khó, méo miệng, liệt nửa người trái, được gia đình phát hiện dấu hiệu đột quỵ thời điểm 2 giờ trước đó - xuất hiện đột ngột trong lúc đang tắm.
Người bệnh có tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp, rung nhĩ, đang điều trị chống đông máu theo chỉ định của bác sĩ nhưng đã tạm dừng thuốc chống đông một thời gian.
Tại Khoa Cấp cứu và Điều trị tích cực thuộc Trung tâm Đột qụy, các bác sĩ đã thăm khám và chỉ định thực hiện các cận lâm sàng, trong đó có chụp CT Cắt lớp vi tính.
Kết quả hình ảnh mạch máu não cho thấy: vị trí tắc động mạch não giữa bên phải. Từ đó các bác sĩ đưa ra chẩn đoán, bệnh nhân bị đột quỵ nhồi máu não cấp do tắc động mạch não giữa giờ thứ 2, có tăng huyết áp - đái tháo đường - rung nhĩ.
Ngay lập tức, bệnh nhân được chỉ định cấp cứu can thiệp tái thông mạch máu não.
Trường hợp thứ 2 là bà D.T.N. (42 tuổi) có tiền sử hẹp van tim, đã tự dừng thuốc chống đông sau một thời gian điều trị.
Người bệnh nhập viện trong tình trạng rối loạn ý thức, nói ngọng, liệt mặt, rối loạn vận nhãn mắt trái, liệt nửa người phải. Kết quả thăm khám và chỉ định cận lâm sàng giúp các bác sĩ đưa ra chẩn đoán đột quỵ nhồi máu não.
Người bệnh được chỉ định sử dụng thuốc tiêu huyết khối (làm tan cục máu đông) nhưng do thể trạng không cải thiện nên chỉ định cấp cứu can thiệp mạch não là giải pháp tối ưu.
15 phút sau khi kết thúc can thiệp, tình trạng liệt được cải thiện, vận động gần như bình thường. 5 ngày tiếp đó, bệnh nhân được theo dõi và điều trị, sức khỏe hồi phục tốt, hết liệt, hết nói khó, tự đi lại và giao tiếp bình thường.
Theo các bác sĩ, thuốc chống đông máu có tác dụng ngăn chặn sự hình thành huyết khối. Thuốc được chỉ định trong phòng ngừa và điều trị các bệnh lý như đột quỵ rung tâm nhĩ, huyết khối tĩnh mạch sâu, tắc mạch phổi…
Tuy nhiên, các thuốc chống đông máu đều là những thuốc kê đơn, người bệnh không được tự ý sử dụng mà phải được sự chỉ định và theo dõi chặt chẽ của các bác sĩ chuyên khoa.
Khi đã được bác sĩ điều trị kê đơn thuốc chống đông, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối phác đồ điều trị, không tự ý dừng thuốc chống đông, tăng hay giảm liều thuốc; bởi, tự ý bỏ không uống thuốc có thể dẫn đến hiện tượng hình thành cục máu đông và gây tắc mạch toàn thân.