Những ngày gần đây, dư luận đang bàn tán sôi nổi trước đề nghị tách Luật Giao thông đường bộ làm 2 luật là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Chúng ta hẳn vẫn nhớ câu chuyện “tách, nhập” các đơn vị hành chính xảy ra vào những năm 1970, nước ta đã sáp nhập nhiều tỉnh thành vào nhau, tạo ra một số địa danh mới. Những quyết định mang nặng tính hành chính và cơ học đã bộc lộ hạn chế nhiều mặt về kinh tế - xã hội, nên những năm sau, toàn bộ các tỉnh sáp nhập trước đó đều tách ra như cũ. Trong đó có tỉnh phải tách đến mấy lần, như Hà Nam Ninh năm 1991 tách thành 2 tỉnh Nam Hà và Ninh Bình, tiếp đến năm 1996 tỉnh Nam Hà lại tách thành 2 tỉnh là Nam Định và Hà Nam... gây ra không ít hệ lụy cho người dân và đời sống xã hội.
Ngày hôm nay, không phải là các đơn vị hành chính mà là các Luật cũng được đề nghị... “tách”. Ý kiến tách Luật giao thông đường bộ làm 2 luật không chỉ gây ra tranh cãi sôi nổi trên cả nghị trường mà cả cộng đồng và người dân.
Tại Kỳ họp Quốc hội thứ 10 vừa qua, trước ý kiến của ngành Công an cho rằng, vấn đề tách luật như trên là chuyện “hết sức bình thường”, nhằm làm cho luật càng ngày càng đi vào cuộc sống, nếu được thông qua cũng không tăng nhiều về biên chế, chi phí và thủ tục hành chính... Thì đa số các ĐBQH đều cho rằng, nếu tách luật ra để hai bộ quản lý nhà nước thì sẽ dẫn đến sự chồng chéo, bất cập, gia tăng thủ tục hành chính, phá vỡ tính logic, đồng bộ trong hệ thống Luật. Nói rộng ra là phá vỡ quy chuẩn, nền tảng thống nhất của cả hệ thống pháp luật và sẽ tạo ra tiền đề nguy hiểm cho công tác xây dựng pháp luật theo kiểu “tùy ý sửa luật”.
Và khi tách luật rồi, để ngành Công an quản lý đào tạo lái xe thì còn giống như "vừa đá bóng vừa thổi còi", rất dễ phát sinh thêm sai phạm, tiêu cực.
Chẳng phải nói nhiều cũng dễ dàng nhận thấy, đối với người dân, sẽ tiện lợi hơn cho họ rất nhiều nếu họ chỉ dùng một bộ luật về giao thông đường bộ với đủ các yếu tố cấu thành, hơn là phải tham khảo hai bộ luật mỗi khi cần thiết. Còn đối với các cơ quan bảo vệ và thi hành pháp luật, thì một bộ luật về giao thông đường bộ với đủ các yếu tố cấu thành cũng đã là quá đủ để thực thi chức trách. Do đó Nhà nước không nên “vẽ rắn thêm chân” để làm rắc rối thêm một điều đã quá phức tạp như Luật giao thông đường bộ hiện hành.
Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Công ty Luật Intercode cho rằng, luật luôn đi sau hiện tượng xã hội, nếu thấy Luật giao thông đường bộ không còn phù hợp một phần hay toàn bộ, thì Chính phủ có thể yêu cầu cơ quan soạn thảo bổ sung, sửa đổi thậm chí huỷ bỏ để thay thế bằng một Luật hoàn toàn mới. Không nên thông qua hai đạo luật để rồi việc thực thi đi vào khó khăn, bế tắc.
Cũng thật may mắn khi kết thúc Kỳ họp thứ 10, 62,79% ĐBQH đã bấm nút không đồng ý tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật!
Câu chuyện tách hay không tách sẽ còn được tiếp tục xem xét lấy ý kiến, song cho dù cứ giữ nguyên hay tách Luật Giao thông đường bộ, thì vẫn cần phải có các giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Đồng thời không thể thiếu được yếu tố quyết định để đảm bảo an toàn giao thông, đó và là phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức của người tham gia giao thông và cả người quản lý giao thông.
Bởi cho dù chúng ta có một, hoặc vài bộ luật về giao thông đi nữa, nhưng nếu người tham gia và quản lý giao thông không có ý thức chấp hành đúng luật, thiếu nhận thức về văn hóa giao thông, văn minh đô thị... thì các vụ việc vi phạm Luật giao thông đường bộ vẫn cứ mãi tiếp diễn, và việc bảo đảm an toàn giao thông vẫn chỉ là mong muốn xa vời.