62,79% ĐBQH không đồng ý tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật

Mai Thoa| 17/11/2020 14:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Phần xin ý kiến sáng nay (17/11) về đề nghị tách Luật Giao thông Đường bộ thành hai luật và chuyển thẩm quyền quản lý sát hạch lái xe sang Bộ Công an, đa số các đại biểu không đồng tình.

202011161444260146_kqa-2-.jpg

Kết quả: 302 đại biểu không đồng ý (62,79%) việc tách nội dung bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong Luật Giao thông Đường bộ hiện hành để ban hành luật riêng;

321 đại biểu không đồng ý (66,74%) với đề xuất của Chính phủ trong việc thay đổi thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an.

Về thời điểm thông qua luật, 251 đại biểu (52,18%) đồng tình chuyển cho Quốc hội khóa sau, tại kỳ họp thứ hai (dự kiến cuối năm 2021) xem xét.

Trước đó, ngày 16/11, Quốc hội lần lượt thảo luận tại hội trường về hai dự thảo luật này, đại đa số ý kiến không đồng tình với đề xuất của Chính phủ về việc tách thành hai luật và chuyển thẩm quyền quản lý lĩnh vực sát hạch lái xe sang Bộ Công an.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn ĐBQH Đà Nẵng) cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc tách thành hai luật, luật vì “không hợp lý” và chưa đúng tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương.

Theo ĐB, nếu tách thành hai luật sẽ tạo nhiều hệ lụy, đó là: Kỷ cương phép nước khó được tuân thủ; dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; làm ảnh hưởng đến đạo đức xã hội. Quy định hiện hành, ngành giao thông vận tải được pháp luật giao chủ trì quản lý nhà nước về các lĩnh vực giao thông vận tải từ đường thuỷ, đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không, với 5 mục tiêu “không thể tách rời” là: an toàn, thông suốt, thuận tiện, kinh tế và thân thiện với môi trường.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, đánh giá, thực tiễn công tác quản lý đào tạo, cấp giấy phép lái xe đang được Bộ Giao thông Vận tải thực hiện tốt, thuận tiện, nhiều người dân ủng hộ, quốc tế công nhận. Việt Nam đã gia nhập công ước Vienna và giấp phép lái xe có giá trị sử dụng ở 85 quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên công ước này.

Hiện nay trật tự an toàn xã hội còn phức tạp, tội phạm ma túy, trộm cắp, băng nhóm số đề... vẫn là vấn đề nhức nhối của xã hội, chưa được kiềm chế một cách hiệu quả, do vậy lực lượng công an theo chức năng nhiệm vụ của mình giải quyết tốt các vấn đề nêu trên, "không cần nhận thêm nhiệm vụ khác".

Trước đó, khi thảo luận tại tổ về dự thảo luật này, nhiều ĐB cũng đã không đồng tình với việc tách thành hai dự án luật với hai bộ quản lý là Bộ Công an và Bộ GTVT.

Các ĐB cũng cho rằng cần xem lại tính hợp pháp, hợp lý của việc đưa ra dự thảo luật và đề nghị Quốc hội lấy ý kiến có nên tách luật hay không, sau đó mới tiến hành các bước tiếp theo.

Trước ý kiến của các đại biểu, cuối giờ chiều qua 16/11, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an cho biết, Chính phủ đã được UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội đồng ý đề xuất xây dựng dự luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Nếu Quốc hội đồng ý ban hành luật này và giao trách nhiệm cho Bộ Công an thì sẽ không tăng biên chế, không tăng chi phí, thủ tục hành chính và không lãng phí; tất cả thủ tục vẫn theo các quy định từ trước đến nay đã có.

Bộ trưởng cũng khẳng định đây không phải tách luật. Quá trình làm luật cùng với sự phát triển chung của mọi mặt xã hội thì càng ngày càng đi vào cụ thể, càng quy định vào chi tiết, nhất là liên quan đến quyền con người, quyền công dân thì được cụ thể hóa.

Kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho hay, UBTVQH sẽ tổng hợp, xin ý kiến đại biểu về các vấn đề lớn của cả hai dự án Luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
62,79% ĐBQH không đồng ý tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật