Xã hội

Tác nghiệp giữa tâm lũ

Gia Ân - Hoàng Minh 25/09/2023 - 08:39

Những trận lũ quét kinh hoàng diễn ra ở vùng miền núi phía Tây xứ Nghệ đã cuốn trôi biết bao phận người, của cải và tài sản... Thế nhưng, giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết đó, những phóng viên, nhà báo vẫn lao vào tâm lũ để tác nghiệp, kịp thời chuyển tải đến bạn đọc những bức hình sắc nét, chân thực và tổng hợp những thiệt hại chính xác nhất để người dân sớm được động viên, giúp đỡ và cứu trợ kịp thời.

Lũ kinh hoàng nơi “chảo lửa, túi mưa”

Mặc dù những đau thương, thiệt hại và tổn thất nặng nề do cơn lũ quét xảy ra trong đêm 1/10, rạng sáng ngày 2/10/2022 tại thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ thuộc huyện miền núi Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã phần nào được thời gian xoa dịu và khắc phục. Thế nhưng, những ký ức kinh hoàng vẫn chưa thể xóa nhòa trong tâm trí của mỗi người dân nơi đây.

anh-2(2).jpg
Thiệt hại nặng nề do cơn lũ quét gây ra tại thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ,­­ huyện Kỳ Sơn

Tại thời điểm đó, do hoàn lưu của cơn bão số 4 (bão Noru) gây mưa lớn, dẫn đến lũ lụt gây thiệt hại ở nhiều địa phương khu vực miền Trung, trong đó huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) là địa phương chịu hậu quả nghiêm trọng nhất. Trong đêm 1/10, rạng sáng ngày 2/10/2022, tại thị trấn Mường Xén, nước ồ ạt chảy xiết từ trên núi về, chỉ trong chốc lát đã cuốn trôi tất cả các thứ trên đường đi và dâng cao gây ngập lụt ở khối 1 thị trấn. Có nơi nước ngập sâu gần 1m, gây thiệt hại nặng nề về tài sản của người dân và các công sở.

''Nước lũ lên nhanh quá, lại về ban đêm nên không kịp trở tay, may người chạy được. Xe cộ trôi hết, còn cái khung nhà thôi'', một người dân sinh sống ở thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn thất thần cho biết.

Liên tục trong 2 ngày từ ngày 1-2/10/2022, tại nhiều xã và thị trấn Mường Xén của huyện Kỳ Sơn, người dân phải gồng mình chống chọi, khắc phục hậu quả của trận lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đồng thời lo ứng phó với mưa lớn, sạt lở đất có thể tiếp tục xảy ra bất cứ lúc nào.

Còn tại bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, trận lũ quét xảy ra trong đêm đã khiến nhiều ngôi nhà bị sập hoàn toàn, hàng chục ngôi nhà khác bị đất đá vùi lấp kín, nhiều tài sản có giá trị như ô tô, xe máy, tủ lạnh…bị cuốn trôi theo dòng nước lũ hoặc vùi trong lớp bùn đất dày cả mét.

Trận lũ quét ập đến bất ngờ khiến người dân hết sức bàng hoàng, trở tay không kịp. Lũ lớn khiến sạt lở, tắc đường rất nghiêm trọng tại nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch trên địa bàn, khiến việc tiếp cận để khắc phục lại càng khó khăn hơn.

Theo thống kê của UBND huyện Kỳ Sơn, toàn huyện có một cháu bé 4 tháng tuổi bị lũ cuốn trôi, 621 ngôi nhà của dân bị ảnh hưởng. Trong đó, 55 ngôi nhà bị đổ sập, lũ cuốn trôi hoàn toàn, 141 nhà bị hư hỏng nặng, 36 nhà buộc phải di dời không thể sinh sống do nguy cơ sạt lở đất. Trận lũ quét cũng đã cuốn trôi 2 ô tô 5 chỗ ngồi, làm ngập, vùi lấp 10 ô tô, 91 xe máy... Tổng thiệt hại về tài sản ước tính hơn 215 tỷ đồng. Với 1 huyện miền núi nghèo như Kỳ Sơn thì con số thiệt hại trên thật khủng khiếp và qua đó cũng đủ biết cơn lũ quét xảy ra nguy hiểm như thế nào.

Những bàn chân không ngại hiểm nguy

Do hoàn lưu của cơn bão số 4, nên từ ngày 28/9 đến ngày 2/10/2022, tổng lượng mưa phổ biến trên địa bàn tỉnh Nghệ An rất lớn từ 250- 500mm. Riêng huyện Quỳnh Lưu 672 mm, Thanh Chương 575 mm. Mưa lũ đã làm 7 người chết, trên 12.000 ngôi nhà bị ngập, 2.000 hộ dân phải sơ tán. Hơn 10.000 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại, 715 tấn muối bị hư hỏng. Thế nhưng, khi vừa nghe tin có lũ quét xảy ra ở địa bàn huyện miền núi Kỳ Sơn, các phóng viên, nhà báo công tác ở địa bàn Bắc miền Trung (chủ yếu đóng ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) đã lập tức lên đường. Ai ai cũng nóng lòng, muốn lên đường để đến ngay với bà con vùng biên giới Kỳ Sơn - nơi vừa phải hứng chịu trận lũ quét kinh hoàng.

350362350_792156602273682_2630239836417850191_n.jpg
Tại nơi tâm lũ quét, khung cảnh tan hoang đến kinh hãi

Vượt quãng đường xa hơn 300 km từ TP Vinh, qua bao vực cao, suối sâu, đường dốc trơn trượt, một số nơi còn bị tắc đường do đất đá sạt lở, nhóm phóng viên đầu tiên đã nhanh chóng có mặt tại vị trí xảy ra lũ quét là xã Tà Cạ và khối 1, thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn. Trời vùng biên về đêm càng thêm cô quạnh, lạnh lẽo, tại nơi tâm lũ quét, khung cảnh tan hoang đến kinh hãi. Hàng triệu mét khối bùn đất, đá, cuốn theo vô vàn bàn ghế, giường tủ, xe cộ, cây cối… đổ xuống các khu dân cư kéo dài tới hàng cây số.

Ở bản Cầu 8, xã Tà Cạ, một nửa quả đồi đổ ụp xuống khu dân cư làm tắc đoạn đường QL7A dài hơn 300m. Đặc biệt nguy hiểm là nước từ trong các khe suối vẫn chảy về ầm ầm như thác đổ. Trời vẫn mưa nặng hạt, hàng nghìn khối đất đá trên núi đã no nước, đang chờ trực sập xuống bất cứ lúc nào.

Nhìn cảnh tượng ấy, các phóng viên không cầm được lòng, ai cũng tự nhủ, phải cố gắng hết sức để giúp đỡ bà con, để sưởi ấm đúng nghĩa 2 từ “đồng bào”. Từ đây, những tấm ảnh, những video cảm xúc, chân thực, sinh động cùng những dòng chữ đầy tâm huyết được gửi về, đăng tải trên các báo, giúp mọi người dân trong và ngoài đất nước Việt Nam đều có thể nắm bắt được tình hình, những thiệt hại nặng nề do cơn lũ quét gây ra tại thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ huyện Kỳ Sơn.

Động lực để các anh em làm báo vượt qua mọi gian khó, hiểm nguy lúc này chính là những ánh mắt thất thần, cầu cứu của người dân đang trong cơn hoạn nạn. Khi mà số tài sản tích cóp cả đời của họ chỉ trong chốc lát đã bị cuốn theo dòng nước lũ. Có nhiều người giờ phải sống cảnh “màn trời, chiếu đất”, họ đang từng ngày, từng giờ mong ngóng, dõi theo sự cứu trợ, giúp đỡ của các ban ngành, đoàn thể và cá nhân.

Và thật ấm lòng hơn khi những tấm ảnh, video được đăng tải lên, ngay sau đó, là từng đoàn từng đoàn về cứu trợ giúp người dân vượt qua khó khăn, thiếu thốn và sớm ổn định cuộc sống… Chính điều này đã tiếp thêm sức mạnh cho các phóng viên, nhà báo ngày càng thêm yêu nghề và đam mê, cống hiến nhiều hơn. Đồng thời, các nhà báo, phóng viên còn kết nối với các tổ chức, đoàn thể, các nhà hảo tâm, trực tiếp về động viên hỗ trợ giúp đỡ bà con trong cơn hoạn nạn

Có những phóng viên trẻ, khi bão lụt đến họ vội khoác ba lô lên và đi làm nhiệm vụ, bỏ lại bố mẹ già, vợ trẻ, con thơ ở nhà tự vật lộn với dòng nước đang dâng lên từng ngày. Vẫn thấy thương, áy náy và có lỗi nhiều lắm, nhưng chỉ kịp dặn dò mọi người cẩn thận rồi đi làm. Những ngày này, các phóng viên có khi cơm còn chẳng kịp ăn, mà thực ra cũng chẳng có cơm mà ăn, khi may mắn thì nhờ úp được bát mỳ, lúc lại nhai lương khô để kịp làm bài gửi về Tòa soạn.

Các phóng viên hiện trường thực sự chính là những người lính thầm lặng trên mặt trận không tiếng súng để đem đến những thông tin nhanh nhất, chân thực nhất, đầy đủ nhất cho độc giả.

Vậy mới thấm thía cảnh phóng viên vào mùa lũ, sau những bản tin nóng hổi trên mặt báo là những giọt nước mắt mặn chát chảy ngược vào trong! Song, chúng tôi vẫn luôn tự hào và mãi nhiệt huyết với sự nghiệp “cầm bút” vẻ vang của mình, đồng thời mãi khắc ghi, thấm nhuần lời dạy của Bác để luôn giữ “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tác nghiệp giữa tâm lũ