Căn cứ Đồng Dù ở cửa ngõ phía Tây Bắc Sài Gòn được ví như "cánh cửa thép" trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà bộ đội ta phải chọc thủng để thọc sâu vào nội đô Sài Gòn. Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 (nay là Quân đoàn 34) là một trong những đơn vị lãnh nhiệm vụ này.
Để có được đất nước thống nhất hôm nay, cả dân tộc Việt Nam đã phải trả giá bằng biết bao máu xương, bằng sự hy sinh của hàng triệu người con ưu tú, trong đó có hàng vạn người con trên đất nước Việt Nam đã hóa thân vào đất mẹ, biến mảnh đất này thành vùng đất thiêng liêng, thành điểm tựa của lòng yêu nước và khát vọng hoà bình bất diệt.
Cách đây tròn 50 năm, với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, bằng ý chí thép, lòng quả cảm và sức mạnh vô song của một dân tộc anh hùng, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ chế độ thực dân kiểu mới do Mỹ dựng lên ở miền Nam Việt Nam.
Đồng Dù là căn cứ hỗn hợp quy mô lớn có vị trí rất quan trọng, nằm trên trục Đường số 1, án ngữ phía Tây Bắc Sài Gòn. Đây vốn là hang ổ của Sư đoàn 25 ngụy được xây dựng từ lâu, có hình bầu dục, chu vi gần 8.500m, xung quanh là vùng đất trắng bằng phẳng, trống trải hoang tàn. Xung quanh căn cứ, địch bố trí một hệ thống hàng rào từ 8 đến 10 lớp (mái nhà, bãi mạ, lò xo, bùng nhùng...) và gài mìn dày đặc. Sau hàng rào là 2 lớp tường đất kiên cố có các lô cốt, ụ súng, hào giao thông nối liền các phân khu. Bên trong căn cứ rộng 8km2, chia thành từng ô bàn cờ, có đường cơ động cho xe tăng, xe bọc thép và có cả 1 sân bay hạng vừa, máy bay vận tải C.130 và các loại máy bay chiến đấu có thể hạ cánh được. Hệ thống thông tin liên lạc trong căn cứ và liên lạc với mọi nơi cần thiết, được thiết kế một cách hoàn hảo. Do đó, để tiến vào nội đô giải phóng Sài Gòn điều kiện tiên quyết là phải đập tan “cánh cửa thép” này.
Hồi ức về trận đánh có ý nghĩa lịch sử này, Thượng tá Phạm Hải Hậu - Tiểu đoàn 25 vận tải, Sư đoàn 320 cho biết: Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong chiến dịch Tây Nguyên, ngày 08 tháng 4 năm 1975, Bộ Tư lệnh QĐ3 lệnh cho Sư đoàn 320, hành quân thần tốc từ Phú Yên ngược đường số 7, theo đường 14 qua Buôn Mê Thuật - Đức Lập - Bù Đăng vào Chơn Thành nhận nhiệm vụ mới.
Sau 7 ngày, đêm hành quân liên tục, vượt qua 500km đến đêm 14/4/1975, toàn bộ Sư đoàn đã vào vị trí tập kết tại Chơn Thành (Bình Phước), một cách bí mật và an toàn.
Ngày 15/4/1975, Sư đoàn chính thức nhận nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3. Sư đoàn 320 được giao nhiệm vụ tập trung lực lượng đánh chiếm căn cứ Đồng Dù – Củ Chi, mở cửa cho lực lượng cơ động đột kích cơ giới mạnh của Quân đoàn đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham mưu Ngụy, sau đó làm dự bị của Quân đoàn tiến công vào nội thành Sài Gòn. Ngày 29/4/1975 bắt đầu tổ chức đánh chiếm.
Sau khi nhận nhiệm vụ then chốt quyết định đến thành bại của cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất non sông, đêm 23 tháng 4, Sư đoàn được lệnh vượt sông Sài Gòn, hành quân xuống Nam Bến Súc. Đến ngày 25 tháng 4, toàn bộ đội hình Sư đoàn đã qua sông Sài Gòn vào vị trí tập kết an toàn và bắt đầu làm mọi công tác chuẩn bị, triển khai phương án tác chiến đã được phê chuẩn.
Hồi tưởng lại trận đánh khốc liệt đầy cam go, Thượng tá Phạm Hải Hậu kể: “17 giờ ngày 26 tháng 4, Chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức mở màn. Từ 4 hướng, 5 cánh quân lớn của ta dũng mạnh đồng loạt tiến công vào tuyến phòng thủ ngoại vi Sài Gòn. Sau 2 ngày đêm chiến đấu, quân ta đã phá vỡ các khu vực phòng thủ vòng ngoài của địch, cắt đứt Đường số 4, tăng cường vây ép Sài Gòn trên các hướng.
Chiều 28 tháng 4, Sư đoàn làm lễ xuất quân bên bờ sông Sài Gòn. Lá cờ quang vinh mang 8 chữ vàng truyền thống “Đoàn kết - Nghiêm túc - Dũng cảm - Chiến thắng” tung bay trong nắng gió Củ Chi. Chính ủy Sư đoàn Bùi Huy Bổng cảm động khi trao lá cờ quang vinh ấy cho Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 48 - đơn vị đảm nhiệm hướng đột kích chủ yếu của Trung đoàn 48 trong trận Đồng Dù. 17 giờ ngày 28 tháng 4, các đơn vị tham gia chiến đấu được lệnh chuẩn bị hành quân vào chiếm lĩnh”.
Để bảo đảm cho chiến thắng, chấp hành nghiêm mệnh lệnh chiến đấu, Sư đoàn đã xây dựng phương án tác chiến tiêu diệt căn cứ Đồng Dù, mở cửa cho 1 hướng của Chiến dịch tiến công vào Sài Gòn hết sức công phu, tỉ mỉ và khẩn trương. Bộ Tư lệnh Sư đoàn ngày đêm theo dõi mọi công việc chuẩn bị cho trận đánh.
5 giờ 30 phút ngày 29 tháng 4, Sư đoàn 320 được lệnh nổ súng tiến công căn cứ Đồng Dù. Pháo binh Sư đoàn đồng loạt bắn vào căn cứ Đồng Dù, kéo dài trong suốt 2 giờ liền. Trong tiếng gầm của pháo cối, xe tăng và pháo phòng không cơ động vào tuyến xuất phát xung phong, bộ binh trên các hướng nổ mìn định hướng và đánh bộc phá liên tục mở bung nhiều lớp hàng rào. Sau 30 phút pháo kích, địch phát hiện được hướng cửa mở của ta và phản ứng mạnh. Chúng điều động bộ binh, xe tăng ra bịt lấp các cửa mở, đồng thời dùng máy bay, pháo cối có cả đạn hóa học đánh vào đội hình tiến công của Sư đoàn. Trên các hướng tiến công chủ yếu, các đơn vị của Sư đoàn 320 tập trung lực lượng, hỏa lực, anh dũng chiến đấu, quyết tâm giành thắng lợi cuối cùng.
Đáng chú ý, ở trận đánh ngày 29 này, qua đài trinh sát kỹ thuật, quân ta nắm bắt được tin tên Lý Tòng Bá ra lệnh cho Trung đoàn 46 Ngụy ở Trảng Bàng, Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 50 ở Xóm Mới và 1 chi đội xe tăng ở Củ Chi đi ứng cứu cho Đồng Dù. Trước tình hình diễn biến chiến đấu ở Đồng Dù và âm mưu mới của địch, Bộ Tư lệnh Sư đoàn quyết định tập trung lực lượng trên hướng chủ yếu và lệnh cho Trung đoàn 48 đưa Tiểu đoàn 2 cùng 8 xe tăng vào hướng Tiểu đoàn 1 tiến công thọc sâu tiêu diệt sở chỉ huy Sư đoàn 25 Ngụy rồi phát triển sang các hướng Tiểu đoàn 3 và Trung đoàn 9. Đồng thời nhanh chóng tổ chức lại đội hình Trung đoàn 9 tiếp tục đột phá, sử dụng Tiểu đoàn 4 và Tiểu đoàn 16 phòng không ngăn chặn quân địch chi viện, Thượng tá Hậu nhớ lại.
Đến 11 giờ ngày 29 tháng 4, Sư đoàn làm chủ hoàn toàn căn cứ Đồng Dù. Lá cờ quyết chiến quyết thắng của Đoàn Đồng Bằng phất phới tung bay tại trung tâm chỉ huy Sư đoàn 25 Ngụy, báo hiệu trận đánh đã toàn thắng. Góp phần mở toang cửa ngõ Sài Gòn và mở đường cho thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh vào trưa ngày 30/4/1975.
Chiến thắng Đồng Dù – Củ Chi có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là trận đánh lớn cuối cùng của Sư đoàn 320 trước khi tiến vào giải phóng Sài Gòn. Sau đó, Sư đoàn 320 phát triển sang Hóc Môn, Bình Chánh; phối hợp với các đơn vị của Quân đoàn 1 đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 ngụy, căn cứ Ra đa thám không Phú Lâm và nhiều mục tiêu quan trọng khác, góp phần làm nên Chiến thắng mùa xuân 1975.
Ngày 30/4 năm đó đã trở thành một mốc son lịch sử chói lọi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta - đó là ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc - Nam sum họp một nhà, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc.
Không những thế, đây còn là chiến thắng của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, của khát vọng hoà bình, độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, đồng thời là một sự kiện mang tầm vóc quốc tế lớn lao và ý nghĩa thời đại sâu sắc.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức bi tráng ấy, những đau thương, những hy sinh thầm lặng mà cao cả ấy vẫn mãi trường tồn. Chiến thắng 30/4 đã trở thành biểu tượng sáng ngời của niềm tin sắt đá và khát vọng cháy bỏng: khát vọng độc lập, thống nhất, hoà bình và phát triển…