Xã hội

Những 'sắc màu' đậm nét ở Báo Công lý

Huy Anh 19/09/2023 - 12:51

Thấm thoát đã 22 năm xây dựng và phát triển, Báo Công lý ngày càng lớn mạnh, đa dạng. Cùng với những chuyên mục, những loại hình tuyên truyền đáp ứng yêu cầu phát triển của báo chí hiện đại thì vẫn còn đó những chuyên mục “ruột” với ưu điểm nổi trội được coi là “sắc màu” đậm nét của Báo Công lý trường tồn cùng thời gian. Và đến giờ, những cây bút vẫn tiếp tục miệt mài để mang đến cho độc giả bức tranh muôn màu của đất nước, con người Việt.

Phác thảo những mảnh ghép về… tội phạm

Mỗi khi có những phiên tòa xử đại án hoặc nhân vật nổi tiếng… báo giới đồng loạt đưa tin, thậm chí “thâm canh” rất kỹ và sẽ lắng xuống luôn khi kết thúc. Với Báo Công lý, việc phản ánh công tác xét xử là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng để cùng báo giới tuyên truyền những vụ án lớn. Các phóng viên của Báo Công lý vẫn âm thầm bám trụ chốn pháp đình, theo sát dù chỉ là những phiên tòa nhỏ… để ghi lại những khoảng khắc mà công lý được thực thi.

Cùng với đó, “lăng kính” phóng viên thông qua chuyên mục Ký sự Pháp đình của Báo đã ghi lại những khoảng khắc rất nghiêm khắc nhưng cũng nhân văn chốn pháp đình, những hành động biết ơn trước phán quyết thấu tình đạt lý của Hội đồng xét xử, đồng thời rung lên những hồi chuông cảnh tỉnh trước thủ đoạn của tội phạm...

Hàng chục năm qua, chuyên mục Ký sự Pháp đình của Báo Công lý đều đặn đưa đến người đọc nhiều thông tin, từ bi kịch tan cửa nát nhà của những con nghiện, đến nỗi ân hận của những kẻ trót mang lòng tham, sự ích kỷ hay đơn giản chỉ là sự nóng giận, mông muội, để rồi chuốc nỗi đau cho chính mình và người thân…

Cùng với đó, những bài Ký sự pháp đình đã góp phần lột tả những thủ đoạn xấu xa, hành vi trái pháp luật với thủ đoạn tinh vi, hèn hạ. Lăng kính Báo Công lý “chiếu” cả vào góc khuất của những con người mới hôm nào ra rả rao giảng những lời giáo huấn… thì trước vành móng ngựa lại trơ trẽn, "hắt" lỗi cho người khác và tìm mọi cách hòng quanh co chối tội.

Có thể kể ra đây hàng trăm Ký sự Pháp đình mà Báo Công lý đã từng đăng tải. Ở mỗi tác phẩm, phóng viên luôn cố gắng để khắc họa một cách rõ nét nhất về vụ án cũng như thân phận mỗi con người. Ví như ống kính phóng viên ghi lại khoảng khắc khi đứng trước bục khai báo, bị cáo Mai Ngọc Anh rất ân hận chỉ vì ly rượu mà “huynh đệ tương tàn”, cuộc đời đi vào ngõ cụt, hối cải thì đã muộn. Bị cáo đã “xuống tay” với chính người anh của mình trong lúc uống rượu chỉ vì chuyện không đáng có. Câu chuyện được ghi lại như một sự cảnh tỉnh cho những người khác…

Với thủ đoạn mới rất tinh vi, Nguyễn Thị Thành khiến nhiều nạn nhân sập bẫy lừa, “dâng” cho Thành số tiền đặc biệt lớn, mất trắng hơn 19 tỷ đồng để rồi chỉ nhận lại lời hứa hão và... bài học cảnh giác đầy chua xót. Thành “nổ” với người cho vay là mình chuyên làm đáo hạn ngân hàng, mức tiền lãi rất cao, từ 5.000 đồng/triệu/ngày đến 7.000 đồng/1 triệu/ngày. Khi vay được tiền, Thành thường trả trước một số tiền để thể hiện mình chơi “có tầm”, khiến các chủ nợ tin tưởng, rót tiền cho Thành như nước. Do khó khăn nên Thành “giật gấu vá vai” kiểu vay nhưng chỉ trả tiền lãi, nợ tiền gốc hoặc năn nỉ chủ nợ nhập tiền lãi vào gốc. Mặc dù bế tắc nhưng Thành không dừng lại, vắt tay lên trán nghĩ cách chiếm đoạt thêm tiền nhiều người...

Cũng liên quan đến vay mượn nhưng ở phiên tòa khác, phóng viên lại đề cập đến một khía cạnh nợ là giao dịch dân sự, khi xảy ra tranh chấp, các bên cần khởi kiện đến Tòa án để giải quyết theo quy định pháp luật. Thế nhưng, không ít trường hợp các chủ nợ lẫn con nợ lại dùng hung khí để giải quyết “ân oán”, khiến cả hai lâm cảnh “kẻ tù tội, người tàn phế”. Những lời ăn năn của các bị cáo là bài học đắt giá cho những ai đòi nợ theo kiểu côn đồ, vi phạm pháp luật...

Được “giải cứu”, nạn nhân chỉ ra đối tượng Hồ Thiên Ân cùng đồng bọn đã ra tay bắt trói để đòi nợ. Tòa án đưa Ân cùng một số đối tượng phạm tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” ra xét xử nhằm giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung…

Ở độ tuổi lục thập, khi đã ở gần cuối dốc bên kia cuộc đời, Vũ Thị Hoa với trĩu nặng tâm tư phải hầu tòa để trả giá cho hành vi giết chết người bạn đời. Những năm tháng còn lại của cuộc đời bà sẽ chỉ còn là chuỗi ngày day dứt, ám ảnh và ăn năn đến tột cùng...

Còn rất nhiều “câu chuyện” bi kịch, thủ đoạn gian trá… được Ký sự Pháp đình đăng tải trên Báo Công lý và sẽ tiếp tục đăng tải như một “sắc màu” rất riêng.

Và những bức họa muôn màu của cuộc sống

Một chuyên mục không thế thiếu và được coi là “ruột” của Báo Công lý, luôn có rất nhiều độc giả trong và ngoài hệ thống Tòa án đón đọc, đó là Phóng sự. Những con chữ, bức ảnh sống động trên Báo Công lý được “nặn” ra sau những bước chân không mỏi của phóng viên trên tất cả những nẻo đường Tổ quốc. Từ miền biên viễn phía Bắc, vượt dãy Trường Sơn với đủ các bản sắc văn hóa dân tộc Tây Nguyên, chạy dọc theo các con sông vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long … Tất cả được “kể” qua những câu chuyện sinh động gắn liền với những lễ hội, những nghệ nhân, những báu vật đặc trưng cho bản sắc, văn hóa từng vùng đất và cả những hủ tục nữa. Chẳng thể nào kể hết được những nhọc nhằn in hằn trên những trang viết của tác giả, chỉ xin điểm lại vài chốn dừng chân của những phóng viên Báo Công lý.

anh-4b.jpg
Các nghệ nhân Tây Nguyên biểu diễn cồng chiêng

Đó là những sắc màu rực rỡ được ghi qua “lời kể” rằng năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp Quốc khánh 2/9, cộng đồng các dân tộc trên khắp dải rừng Tây Bắc lại nô nức đổ về cao nguyên Mộc Châu, Sơn La để tham dự một trong những lễ hội lớn nhất trong năm - Lễ hội mừng Tết Độc lập. Và, cũng trong cái lễ hội sặc sỡ sắc màu đó còn diễn ra phiên chợ tình mang đậm bản sắc văn hóa vùng cao.

Hay như Lễ hội Hoa Ban - một lễ hội mang tính biểu tượng và diễn ra trên chính chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa. Qua ngòi bút đặc tả của các tác giả, người đọc phần nào mường tượng ra không khí tưng bừng ở Mường Trời vào mỗi dịp tháng ba. Khi đó, khắp lòng chảo Mường Thanh, từ những phường, những cụm dân cư nơi thành phố đến các bản làng mờ xa, khuất nẻo đều rực rỡ sắc ban rừng; đâu đâu cũng nghe thấy rộn rã tiếng trống, tiếng đàn hòa quện trong từng lời ca điệu múa...

Phóng sự trên Báo Công lý cũng giúp cho bạn đọc hiểu thêm về các làn điệu hát Xoan tồn tại suốt hơn 2.000 năm dâu bể. Tồn tại từ thời các vua Hùng dựng nước, loại hình nghệ thuật truyền thống này là di sản văn hóa vô giá không chỉ của người dân đất Tổ, mà còn của cả nhân loại. Vì vậy, tỉnh Phú Thọ đang nỗ lực phục hồi, gìn giữ, bảo tồn.

Phóng sự đưa người đọc đến với không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên trải dài ở 5 tỉnh: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng. Chủ nhân của loại hình văn hoá đặc sắc này là cư dân của 17 dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên như Êđê, Bana, M’nông, Xêđăng, Cơho, J’rai…

Ngược đỉnh Mã Pì Lèng hũng vĩ, phóng sự thể hiện phóng viên tìm đến Mèo Vạc (Hà Giang) trong một buổi chiều giá lạnh. Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đang rất khô hạn, những hồ treo quý giá nằm trên lưng núi cũng đã dần cạn nước, cả một vùng mênh mông xám xịt và khô cằn… Trên các sườn đồi, chân núi, những người nông dân nhỏ bé đang nhọc nhằn gùi từng can nước trên lưng. Đối với họ, đó là những giọt “vàng trắng” hiếm hoi và việc mong chờ một nguồn nước dồi dào vẫn luôn ngày đêm khắc khoải trong tâm trí.

“Kể” về hủ tục, tệ nạn… những bài phóng sự trên Công lý khá đa dạng, muôn vẻ. Từ chuyện xa xưa, người Mường ở Hòa Bình đã có quan niệm rằng, người chết vẫn là một thành viên trong gia đình, họ có “quyền lợi” chả khác gì người đang sống. Vì thế, khi trong gia đình có người nằm xuống thì chủ nhà đó phải đem của cải ra chia theo nguyên tắc “của nhà chia đôi, của đồng chia ba”. Phần của người chết sẽ được chôn theo cùng với quan tài... Rồi câu chuyện thương tâm của cô bé Thào Thị P. (SN 1997), dân tộc Mông ở xã Pa Cheo, Bát Xát, Lào Cai bị lừa bán sang bên kia biên giới từ lúc mới 14 tuổi, nhờ nỗ lực chạy trốn và may mắn, đã được đoàn tụ với gia đình sau hơn hai năm lưu lạc.

Phóng sự cũng “kể” cho người đọc về dân tộc Si La - một trong những dân tộc bé nhỏ nhất Việt Nam với số dân chưa đến 1.000 người. Câu chuyện đó kể rằng, do cuộc sống khắc nghiệt nơi núi cao, rừng thẳm đã có lúc đẩy “những người anh em nhỏ bé Si La” đến bờ vực suy thoái giống nòi. Thế nhưng, dưới sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chung tay của cộng đồng, cuộc sống của đồng bào đang ngày một tốt đẹp hơn….

Và, dẫu nhỏ bé, nhưng những “người anh em” ấy cũng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ an ninh Tổ quốc. Những giá trị văn hoá bao đời của họ được lưu giữ và phục dựng, dệt thêm gấm hoa cho bức tranh văn hoá đa sắc màu của đất nước. Họ mãi là một bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam…

Lặng lẽ bên rừng, phóng viên đi tìm hiểu về ẩn tục “thờ người sống” trên đỉnh Trường Sơn. Khi đường Hồ Chí Minh rải nhựa phẳng lỳ xẻ dọc dãy Trường Sơn cũng chính là lúc ánh sáng văn minh soi rọi khắp bản làng dọc biên giới phía Tây Tổ quốc. Thế nhưng, lẩn khuất đâu đây giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, vẫn còn đó những câu chuyện kỳ bí về các tập tục của đồng bào. Một trong những tập tục ly kỳ và bí ẩn nhất trong đời sống tâm linh của đồng bào chính là tục thờ linh hồn người sống của người Vân Kiều ở phía Tây các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.

Rồi qua ngòi bút của các tác giả Chuyên mục Phóng sự, người đọc hiểu được hành trình Mường Tè vượt lên gian khó. Bởi, cách đây từ khoảng 600 năm về trước, vùng đất cuối trời Tây Bắc này đã từng đi vào trong thơ của vị thánh quân Lê Lợi khi Ngài đem quân bình định nơi này. “Hư đạo nguy than tam bách khúc/Như kim chỉ tác thuận hưu khan” - dịch nghĩa: “Ai rằng thác réo ba trăm khúc/Thuyền thả xuôi dòng hết hiểm gian”. Lời của bậc tiền nhân năm xưa giờ ứng nghiệm với những con đường quanh co rợn ngợp để đến với các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lai Châu.

Phóng sự cũng đưa đến cho bạn đọc những hình ảnh các phu vàng tại hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi lăn lộn nơi rừng thiêng nước độc, cả ngày lẫn đêm phải chui vào các hầm khai thác sâu hàng trăm mét trong lòng đất, tiền công không cao, điều kiện ăn ở kham khổ. Thế nhưng, chỉ vì không thắng được ma lực của đồng tiền mà rất nhiều người đã và đang tiếp tục đánh đổi sức lực, đôi khi cả mạng sống của mình để tìm vàng.

Trên chuyến công tác về Mường Lát, phóng viên được nghe kể nhiều về một người đàn ông nghiện dám một mình “đội đá vá đường”, “khai sơn tạc lộ”. Câu chuyện ấy, ngỡ như chỉ tồn tại trong truyện cổ tích xa xưa, không ngờ lại là sự thật và là niềm tự hào của cộng đồng người Mông nơi biên viễn. Đó là Chá Va Súng (54 tuổi), ở bản Hua Pù, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá - Người giữ hồn cho các bản làng…

Từ Thanh Hóa, phóng viên lại lội dọc Trường Sơn, tìm gặp già làng Hồ Ai (76 tuổi), người dân tộc Bru - Vân Kiều ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Người đàn ông Bru - Vân Kiều ấy suốt mấy chục năm qua đã bỏ rất nhiều công sức để sưu tầm và truyền dạy lại cho lớp trẻ về cách chơi các nhạc cụ truyền thống, nhằm phục dựng và gìn giữ những nét văn hóa rất đặc trưng của dân tộc mình.

Khi đến Tây Nguyên, phóng viên lại kể cho độc giả nghe về câu chuyện về sự hồi sinh của một tộc người nơi biên ải. Đó là dân tộc Brâu ở thôn Đắk Mế xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Từ cuộc sống ăn hang ở lỗ nơi rừng thiêng nước độc, họ đã từng bước thoát khỏi cái đói, cái nghèo và ổn định cuộc sống.

Bước chân phóng viên lại quay về sóc Bom Bo nghe kể chuyện tộc người S’tiêng. Sống tập trung chủ yếu tại các huyện Bù Đăng, Bù Đốp, Hớn Quản, thị xã Bình Long, Phước Long, S’tiêng được xem là một trong những dân tộc có bề dày văn hóa ở tỉnh Bình Phước. Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm lịch sử, dân tộc này vẫn giữ được rất nhiều phong tục, tập quán đẹp của cha ông truyền lại.

Từ Tây Nguyên, men theo biên giới đất liền, phóng viên đưa người đọc đến với Châu Đốc, Tân Châu (An Giang), nơi dòng MeKong “nhập tịch” Việt Nam bằng 2 nhánh và được gọi với cái tên mới là sông Tiền, sông Hậu. Qua ngòi bút của tác giả, người ta biết được trước khi hắt mình ra biển Đông qua chín cửa, MeKong đã gặn chắt phù sa và các trầm tích văn hóa, khí phách của hàng trăm tộc người đã gặp trên suốt hành trình chảy dài hơn 4.200 kilomet ra sao và bồi đắp lên một vùng đồng bằng châu thổ rộng lớn trải suốt 12 tỉnh miền Tây Nam Bộ của Việt Nam thế nào.

Qua những thiên Phóng sự, người đọc cũng biết được từ hàng trăm, hàng ngàn năm trước, các lưu dân của Vương quốc Phù Nam đã men theo dòng chảy, lựa những giồng đất được bồi đắp bởi phù sa Mekong để lập nên các xóm làng trù mật. Họ được xem là những người có công đầu trong việc khai phá vùng châu thổ rộng lớn và nổi tiếng hoang vu quanh lưu vực của sông Tiền và sông Hậu xưa kia. Rồi tiếng lành đồn xa, các cư dân người Kinh, Hoa, Khome từ miền Trung dong thuyền vượt biển kéo vào, từ Tây Nguyên dạt xuống, thậm chí cả người Mông, người Mường phương bắc cũng không quản ngại xa xôi, vượt qua dặm dài thiên lý để quần tụ về “mảnh đất ấm” này sinh cơ lập nghiệp. Mỗi dân tộc ấy, dẫu là nhỏ bé, nhưng họ cũng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc đánh thức vùng đất hoang vu, biến bạt ngàn lau lách, mênh mông chàm đước thành bờ xôi ruộng mật...

Cùng với đó, chuyên mục Phóng sự còn làm bật những vất vả gian nan của cán bộ chiến sỹ biên phòng ngày đêm bám trụ nơi biên giới, hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc và không ít tác phẩm đã đạt giải về lĩnh vực này…

Thật khó, thật khó để đếm hết bước chân mà những phóng viên phụ trách mảng Phóng sự của báo đã đặt lên trên dặm dài Tổ quốc. Chỉ biết rằng, sau mỗi bước đi, một tác phẩm đã ra đời. Ở từng bài viết đó, người đọc thêm hiểu về những vùng đất ngái ngôi, xa xôi cách trở, và đặc biệt là thêm yêu những con người sinh sống trên dải đất hình chữ S này, dù họ là dân tộc nào, Thái, Mông hay Giao Chỉ...

Có thể nói, 22 năm qua đi và gần như chừng ấy năm, những chuyên mục “ruột” của tờ báo, từ Ký sự Pháp đình cho đến Phóng sự, luôn đứng vững, bền bỉ để cùng với những chuyên mục khác làm nên cái riêng của Báo Công lý. Và chắc chắn rằng, những người cầm bút của Báo Công lý hôm nay sẽ kế thừa và tiếp tục cố gắng để chuyển tải đến bạn đọc Báo Công lý những sắc màu cuộc sống rất Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những 'sắc màu' đậm nét ở Báo Công lý