Suy thoái kinh tế Hongkong: Có thể tệ hơn dự báo

Trâm Anh| 05/11/2019 13:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Kết thúc quý ba, nền kinh tế Hongkong, trung tâm tài chính châu Á, đã chính thức rơi vào đợt suy thoái đầu tiên trong vòng 10 năm.

Các nhà đầu tư bất động sản chuyển sang Đông Nam Á trong bối cảnh Hongkong bất ổn

Bị mất tinh thần bởi các cuộc biểu tình ngày càng dữ dội cũng như cuộc chiến thương mại Trung Quốc - Mỹ các nhà đầu tư Hồng Kông đang chuyển tiền mặt vào tài sản Đông Nam Á.

Hàng triệu người đã xuống đường trong bốn tháng biểu tình ủng hộ dân chủ ở thành phố miền nam Trung Quốc, cản trở du lịch, buộc các doanh nghiệp phải sa thải nhân viên và lĩnh vực bất động sản bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Cổ phiếu bất động sản tại một trong những thị trường nhà ở đắt nhất thế giới đã giảm mạnh kể từ tháng 6, với việc các nhà phát triển buộc phải giảm giá cho các dự án mới và cắt giảm giá thuê văn phòng.

Suy thoái kinh tế Hongkong: Có thể tệ hơn dự báo

Các nhà đầu tư bất động sản ở Hongkong chuyển hướng sang Đông Nam Á

Sau khi các cuộc biểu tình nổ ra, doanh nhân Hongkong Peter Ng đã mua một căn hộ chung cư trên đảo Penang của Malaysia - nơi có nhiều người Trung Quốc sinh sống và được người dân Hongkong ưa chuộng.

"Sự bất ổn là một chất xúc tác đối với tôi", nhà đầu tư thị trường chứng khoán và bất động sản 48 tuổi này nói. Peter Ng nói thêm rằng anh lo lắng về thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế Hongkong nếu tình trạng bất ổn vẫn còn. "Các nhà đầu tư sẽ luôn nhìn vào sự ổn định chính trị."

Và Derek Lee, một doanh nhân Hongkong sở hữu một căn hộ ở Penang, cho biết nhiều doanh nhân đang có ý định đầu tư vào thành phố bán tự trị này cũng đang xem xét chuyển hướng đầu tư vào bất động sản Đông Nam Á vì tình trạng bất ổn của Hongkong.

Thêm vào đó, Malaysia có một sức hấp dẫn là khả năng chi trả ở đó tương đối cao vì giá cả thấp hơn nhiều so với Hongkong.

Giám đốc điều hành Hari Krishnan của một công ty bất động sản Đông Nam Á ở Malaysia cho biết trang web của họ đã nhận được sự gia tăng 35% số lượt truy cập từ Hongkong.

Thị trường bất động sản của Hongkong là một trong những nơi có mức giá cao ngất trời, một phần do những người đại lục giàu có coi việc đầu tư vào bất động sản tại một thành phố thất bại trong nhiều năm để xây dựng căn hộ đủ để đáp ứng nhu cầu người dân là một khoản đầu tư an toàn. Nhưng giờ đây, họ đang chuyển hướng đầu tư sang trung tâm tài chính Singapore do các cuộc biểu tình và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Công ty tư vấn OrangeTee & Tie cho biết, đã có một bước nhảy vọt trong năm nay về doanh số bán căn hộ cao cấp ở thành phố do tăng số lượng người mua ở Trung Quốc đại lục.

Cùng với việc đánh vào nền kinh tế Trung Quốc, căng thẳng thương mại có thể khiến một số người Trung Quốc không đầu tư vào phương Tây và đẩy họ về phía Singapore, với dân tộc chủ yếu là người Hoa.

Singapore là quốc gia gần nhất về mặt văn hóa với Trung Quốc ngoài Hongkong vì thế họ cảm thấy thoải mái hơn với điều đó.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy đất nước ổn định, cai trị chặt chẽ này đang được hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng ở Hongkong - Goldman Sachs tuần trước ước tính có khoảng 4 tỷ đô la đã chảy ra khỏi Hongkong và tới Singapore vào mùa hè vừa rồi.

Các nhà phân tích cảnh báo có rất ít hy vọng thị trường bất động sản của Hongkong sẽ sớm được phục hồi. Giá cổ phiếu bất động sản Hồng Kông đã điều chỉnh khoảng 15 đến 25% kể từ tháng 7. Doanh số bán nhà vẫn tăng nhưng chỉ khi các nhà phát triển giảm giá, giá thuê văn phòng dự kiến sẽ giảm tới 5% và giá thuê cửa hàng cũng bị ảnh hưởng xấu.

Ngành du lịch và bán lẻ chịu ảnh hưởng nặng nề

Bên cạnh bất động sản, ngành du lịch là một trụ cột quan trọng của kinh tế Hongkong, cũng đang khốn đốn vì biểu tình. Trong quý 3, lượng du khách quốc tế thăm Hongkong giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bình quân, các khách sạn ở Hongkong thời gian này chỉ đạt tỷ lệ sử dụng phòng khoảng 2/3, giảm 28% so với cùng kỳ 2018.

Trong báo cáo kết quả kinh doanh công bố mới đây, InterContinental Hotels Group cho biết doanh thu bình quân mỗi phòng khách sạn của tập đoàn này ở Trung Quốc đại lục, Hongkong và Đài Loan giảm 36% trong quý 3, chủ yếu do bất ổn ở Hongkong.

Suy thoái kinh tế Hongkong: Có thể tệ hơn dự báo

Ngành du lịch và bán lẻ của Hongkong chịu ảnh hưởng nặng nề

Con số doanh thu bán lẻ của Hongkong cũng rất ảm đạm. Những cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát trên đường phố đã khiến nhiều cửa hiệu phải giảm thời gian hoặc đóng cửa hoàn toàn. Nhiều các cửa hiệu, nhà hàng và chi nhánh ngân hàng bị cho là không đồng cảm với người biểu tình, đã bị đập phá, thậm chí bị đốt cháy.

Tuần trước, cơ quan tài chính thuộc chính quyền Hongkong đã công bố một loạt biện pháp kinh tế mới để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi biểu tình, bao gồm giảm một nửa giá thuê mặt bằng tài các tòa nhà do chính quyền quản lý, trợ giá xăng dầu cho lái xe taxi, và trợ phí cho dịch vụ phà.

Trước đó, chính quyền Hongkong cũng đã chi 255 triệu USD để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và một gói kích cầu 2,4 tỷ USD nhằm bảo vệ việc làm và hỗ trợ cho những người có gánh nặng tài chính.

Chính thức rơi vào suy thoái sau 10 năm tăng trưởng

Do ảnh hưởng của biểu tình và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, nền kinh tế Hongkong đã chính thức rơi vào suy thoái trong quý 3 vừa qua với hai quý giảm liên tiếp.

Phong trào biểu tình ở Hongkong kéo dài hơn 4 tháng qua đã khiến các cửa hiệu tại nhiều khu vực trong thành phố phải giảm thời gian mở cửa hoặc tạm ngừng hoạt động, giao thông công cộng nhiều thời điểm tê liệt khiến lượng du khách quốc tế sụt giảm.

Suy thoái kinh tế Hongkong: Có thể tệ hơn dự báo

Với hai quý giảm liên tiếp, kinh tế Hongkong đã ở trong tình trạng suy thoái. 

Theo số liệu chính thức công bố ngày 31/10, nền kinh tế Hongkong giảm 3,2% trong quý 3 so với quý 2, sau khi giảm 0,5% trong quý 2 so với quý 1.

Với hai quý giảm liên tiếp, kinh tế Hongkong đã ở trong tình trạng suy thoái. Đây là đợt suy thoái kinh tế đầu tiên của Hongkong kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Hongkong đến giờ vẫn chưa có lối thoát, nên cuộc suy thoái này được dự báo sẽ kéo dài sang năm 2020.
Tuần trước, trưởng đặc khu hành chính Hongkong Carrie Lam đã phát biểu trong một cuộc gặp với các doanh nghiệp là cô “không thấy có cơ sở nào để lạc quan cả”.

Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế phân tích rằng, sự suy thoái hiện nay của kinh tế Hongkong là do bất ổn chính trị. Chiến tranh thương mại có thể khiến kinh tế Hongkong giảm tốc, nhưng chưa đến mức suy thoái.

Các chuyên gia cũng dự báo Hongkong sẽ không đạt mục tiêu tăng trưởng 0-1% đề ra cho năm nay, và sự suy giảm có thể tiếp diễn trong năm tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Suy thoái kinh tế Hongkong: Có thể tệ hơn dự báo