Việc thực thi chính sách tiền tệ là cần thiết. Tuy nhiên, nếu việc kìm nén hoạt động sản xuất, phát triển quá lâu sẽ khiến “sức khoẻ” thị trường cũng như cộng đồng doanh nghiệp suy yếu.
Theo số liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), tháng 1/2023, tỷ lệ hấp thụ toàn thị trường ước đạt rất nhỏ, mức thấp kỷ lục, không đáng để thống kê. Cùng đó, thống kê của VARS về quý IV/2022 cũng cho thấy, nguồn cung bất động sản đang có xu hướng giảm rõ rệt. Nguồn cung ra thị trường đạt gần 7.000 sản phẩm, chỉ bằng 20% so với năm 2018.
Cơ cấu nguồn cung trên thị trường chủ yếu thuộc phân khúc trung, cao cấp với mức giá không phù hợp với đa số người dân có nhu cầu ở thực. Tỷ lệ hấp thụ trong quý cuối của năm 2022 cũng chỉ đạt khoảng 14%, giảm mạnh so với giai đoạn nửa đầu năm.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản phản ánh, họ gần như không tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng. Vướng mắc tiếp cận tín dụng của bất động sản còn liên quan đến tài sản đảm bảo khi các ngân hàng yêu cầu tỷ lệ tài sản đảm bảo trên vốn vay cao hơn các khoản vay thông thường.
Ngoài ra, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp bất động sản hiện nay là mục đích vay vốn. Các công ty bất động sản khi góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào các doanh nghiệp khác, trên quan điểm thận trọng của các ngân hàng thương mại, sẽ không tài trợ cho vay để góp vốn mua bán mà quy vào hoạt động cho vay, góp vốn đầu tư cổ phiếu, cổ phần nhưng quy định này đang bị hạn chế.
Cụ thể, để hạn chế dòng vốn tín dụng chảy vào thị trường bất động sản, từ 1/10/2022 các tổ chức tín dụng sẽ phải tuân theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là đưa tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn về 30%.
Việc tắc nghẽn dòng vốn tín dụng ảnh hưởng đến nhiều nhóm đối tượng. Trước tiên là người dân có nhu cầu mua bất động sản. Các chuyên gia cho rằng, giấc mơ an cư ngày càng xa vời bởi chính sách tín dụng từ các ngân hàng ngày càng ngặt nghèo hơn, điều kiện giải ngân khó hơn ngay cả với cả dự án nhà ở giá phù hợp, nhà ở xã hội. Nếu không tiếp cận được các dòng tín dụng cho vay mua nhà thì đầu ra của thị trường sẽ càng đi xuống.
Bên cạnh đó, các đơn vị dịch vụ môi giới, hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động. Nhiều công ty còn hoạt động trong lĩnh vực này cũng phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, cắt giảm bộ máy nhân sự khiến hàng triệu lao động thất nghiệp.
Đánh giá của Tổng cục Thuế cũng cho thấy, số thu thuế, phí từ bất động sản đang có dấu hiệu chững lại và sụt giảm qua các tháng gần đây. Không chỉ thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản giảm tốc, mà thu lệ phí trước bạ từ nhà đất cũng đang sụt giảm mạnh.
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS, thực tế hiện nay, thị trường bất động sản gần như không tiếp cận được nguồn vốn để phát triển. Các dự án đang triển khai buộc phải dừng, giãn, hoãn vì không có vốn thanh toán cho nhà thầu, trả lương cho công nhân.
Tình trạng chậm thanh toán của chủ đầu tư cũng là nguyên nhân khiến hàng loạt doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhà máy, công xưởng của hơn 30 ngành nghề liên quan phải ngưng hoạt động, hàng triệu lao động thất nghiệp, làm gia tăng bất ổn xã hội.
Thêm vào đó, người vay mua nhà, bao gồm cả dự án nhà ở giá phù hợp, nhà ở xã hội cũng bị hạn chế tiếp cận tín dụng khiến sức mua giảm sút, nên doanh nghiệp thiếu tiền mặt, âm dòng tiền, bị thiếu thanh khoản nghiêm trọng.
Ông Đính cho rằng, việc thực thi chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô trong giai đoạn lạm phát cao, kinh tế thế giới nhiều bất ổn là hoàn toàn cần thiết. Tuy nhiên, nếu việc kìm nén hoạt động sản xuất, phát triển quá lâu sẽ khiến “sức khoẻ” thị trường cũng như cộng đồng doanh nghiệp suy yếu, không thể vực dậy nổi. Cả doanh nghiệp và người lao động sẽ lâm vào cảnh khó khăn.