Sự trỗi dậy của Trung Quốc và cuộc cạnh tranh với Mỹ (P2)

TS. Phạm Sỹ Thành (Viện Nghiên cứu Kinh tế & Chính sách)| 03/06/2015 08:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, sự trỗi dậy của Trung Quốc đã quyết đoán và cứng rắn hơn nhiều so với các chính phủ tiền nhiệm, đánh dấu bằng 3 sự “dịch chuyển” quan trọng trong chính sách ngoại giao...

Theo quan điểm của Glaser (2012), quá trình trỗi dậy của các cường quốc về mặt kinh tế và chính trị thường sẽ dẫn đến việc những quốc gia này mong muốn trở thành các cường quốc hải quân.

Đối với Trung Quốc, các nhu cầu về an ninh năng lượng và an toàn hàng hải cho hoạt động xuất nhập khẩu như đã phân tích (trong phần 1) sẽ thúc đẩy Trung Quốc nâng cao năng lực hoạt động tại các vùng biển xa (như Ấn Độ Dương, Tây Thái Bình Dương) của lực lượng hải quân nước này. Tuy nhiên, hạn chế về trình độ phát triển hải quân hiện tại cũng như các ưu tiên trong việc ngăn chặn Đài Loan tuyên bố độc lập nên Trung Quốc có thể sẽ tập trung nhiều hơn vào các “vùng biển gần”.

Theo quan điểm của các nhà nghiên cứu, Biển Đông và biển Hoa Đông không chỉ có ý nghĩa chiến lược về kinh tế, hàng hải mà còn có ý nghĩa chiến lược về an ninh quốc phòng. Đối với Trung Quốc, các vùng biển gần hiện nay được coi như là các vùng đệm an ninh nhằm giữ các hoạt động đe dọa ra một khoảng cách đủ xa để Trung Quốc có thể đưa ra các phản ứng.

Chúng ta cần nhận thức rằng nhu cầu về an ninh hàng hải của Trung Quốc là một nhu cầu tự nhiên trong quá trình quốc gia này trỗi dậy. Nhưng dưới thời của Chủ tịch Tập Cận Bình, sự trỗi dậy của Trung Quốc đã quyết đoán và cứng rắn hơn nhiều so với các chính phủ tiền nhiệm, đánh dấu  bằng 3 sự “dịch chuyển” quan trọng trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc.

Thứ nhất, Trung Quốc đã dịch chuyển phương châm từ “giấu mình chờ thời” sang “phấn đấu để thành công”, nhấn mạnh một Trung Quốc chưa tranh giành vị trí dẫn đầu, nhưng sẽ phất cờ.

Thứ hai là dịch chuyển ưu tiên về phạm vi ảnh hưởng. Trước đây, hoạt động kinh tế tấp nập với Đông Nam Á và với khái niệm lợi ích cốt lõi (core intersest), ngay cả khi Trung Quốc mở rộng cả phạm vi này bao gồm Senkaku/Điếu Ngư, dường như phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc mới chỉ giới hạn ở khu vực Đông Á. Tuy nhiên với việc nêu lên sáng kiến Một vành đai, Một con đường (tơ lụa), Trung Quốc đã mở rộng ảnh hưởng của mình ra một phạm vi trải dài từ Đông Á sang Trung Á và Nam Á quay trở lại thành “ưu tiên của ưu tiên”.

Thứ ba là dịch chuyển phương pháp tiếp cận. Trung Quốc dường như đã quyết định đặt các ưu tiên về chủ quyền lên trên các lợi ích kinh tế và bảo vệ chủ quyền bằng tổng hợp nhiều sức mạnh.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc và cuộc cạnh tranh với Mỹ (P2)

Vành đai Kinh tế con đường tơ lụa và Con đường tơ lụa trên biển. Nguồn: Tân Hoa Xã

Sự chuyển dịch của hoạt động ngoại giao đánh dấu bằng khoảng 70 sáng kiến được Trung Quốc đưa ra trong năm 2014, trong đó, nổi bật nhất là sáng kiến về “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa” (Một vành đai) và “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” (Một con đường). Để hiện thực hóa điều này, tháng 10/2014, Trung Quốc đã thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) với kết quả là sự gia nhập của 57 quốc gia với tư cách thành viên sáng lập vào ngày 31/3/2015. Như chúng tôi đã phân tích về việc Trung Quốc sẽ sử dụng các sáng kiến kinh tế gần đây, đặc biệt là AIIB và “Một vành đai, Một con đường”, để gia tăng áp lực chính trị cũng như gia tăng sự cạnh tranh với các định chế được dẫn dắt bởi Mỹ hiện nay như thế nào, mặc dù chỉ là một sự kiện kinh tế, nhưng sự xuất hiện của AIIB cho thấy, cách thức mà Trung Quốc có thể cạnh tranh và gia nhập vào trật tự hiện có.

Đó là, Trung Quốc (i) phân chia thị phần với các cường quốc; (ii) phân chia lại thị trường với các cường quốc; (iii) cạnh tranh và thay thế các cường quốc. Ở mức độ thứ nhất, các sáng kiến hợp tác của Trung Quốc - kể cả trên Biển Đông - có thể mang tính bổ sung tích cực cho sự phát triển của khu vực, nhưng đòi hỏi Trung Quốc phải tuân thủ theo luật chơi chung của thế giới. Cách thứ hai và thứ ba có thể dẫn đến sự xác lập các luật chơi mới của Trung Quốc, theo cách của Trung Quốc.

Và điều này là nguy hiểm! Bởi lẽ việc duy trì một trật tự bằng luật pháp và bằng vũ lực là hoàn toàn khác nhau.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc và cuộc cạnh tranh với Mỹ (P2)

Hành lang Âu-Á của Trung Quốc đi qua Tân Cương. Nguồn: Tân Hoa Xã

Trong suốt thời gian từ sau năm 1945, Mỹ và nhiều quốc gia trong khu vực đã nỗ lực thực hiện tự do hàng hải của các nước bằng cách đảm bảo an ninh hàng hải cho toàn bộ tuyến đường biển quan trọng bậc nhất này của thế giới. Bằng cách đảm bảo an ninh hàng hải, như chống cướp biển, cứu hộ v.v…, Mỹ đã thể hiện vai trò của nước lớn tại khu vực bằng cách cung cấp hàng hóa công (public goods) thiết yếu cho tất cả các nước.

Việc cung cấp hàng hóa công này tuân thủ các nguyên tắc của luật quốc tế, do đó có tính minh bạch cao. Bằng cách cung cấp cùng lúc cả 2 loại hàng hóa công thiết yếu cho khu vực Châu Á – Thái Bình dương, bao gồm (i) hệ thống luật quốc tế về tự do hàng hải, (ii) đảm bảo an ninh hàng hải, Mỹ đã thể hiện được trách nhiệm của một cường quốc tại khu vực mà Mỹ có nhiều lợi ích quốc gia. Ngoại trừ Mỹ, điều đáng nói là Nhật Bản, dù bị ràng buộc bởi điều 9 Hiến pháp, vẫn trở thành nước đóng vai trò tích cực trong việc đảm bảo an ninh hàng hải tại Đông Nam Á kể từ sau Thế chiến thứ 2. Trong khi đó, EU, Australia và Ấn Độ cũng là những quốc gia có mức độ quan tâm lớn đến việc đảm bảo tự do và an ninh hàng hải tại khu vực.

Trái với cách làm của Mỹ, những gì Trung Quốc đang làm là thiết lập "luật chơi" mới bằng cách phá vỡ luật lệ cũ. Điều này là nguy hiểm bởi lẽ, các luật chơi mới chỉ đảm bảo lợi ích quốc gia của Trung Quốc thay vì đảm bảo lợi ích chung cho các nước khác.

Là một quốc gia không có kinh nghiệm quản trị toàn cầu và thiếu tính minh bạch trong hoạt động quân sự, điều khiến chúng ta lo ngại là Trung Quốc sẽ không cung cấp hàng hóa công khi giành được quyền kiểm soát tuyến hàng hải này, mà chỉ cung cấp “hàng hóa tập thể” - nghĩa là đảm bảo lợi ích cho những nước có quan điểm ủng hộ hay gần gũi với họ.

Vậy, điều gì sẽ xảy đến tiếp theo theo tại khu vực nếu Trung Quốc vẫn kiên trì trỗi dậy trên Biển Đông theo cách thức của mình?

Mời các bạn đón đọc P.3: Cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung và tác động đối với khu vực 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự trỗi dậy của Trung Quốc và cuộc cạnh tranh với Mỹ (P2)