Không quân Ukraine vừa hứng chịu một tổn thất nặng nề khi một tiêm kích Su-27 bị bắn hạ bởi tiêm kích Su-30SM của Nga bằng tên lửa tầm xa R-37M.
Theo cả nguồn tin Nga và Ukraine, cuộc tấn công diễn ra từ một khoảng cách cực xa – khoảng 130 km (81 dặm) so với mục tiêu vào hôm 2/2.
Tên lửa R-37M là một phần trong kho vũ khí của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga, được thiết kế để tiêu diệt máy bay đối phương trước khi chúng có thể tham chiến hiệu quả.
Trong trận không chiến này, nó đã hoàn thành nhiệm vụ với độ chính xác gần như tuyệt đối.
Thảm kịch của cuộc đối đầu không chỉ dừng lại ở việc mất một chiếc máy bay. Phi công điều khiển Su-27, Đại úy Ivan Bolotov, 24 tuổi, đã không kịp nhảy dù và thiệt mạng trong vụ rơi máy bay.
Việc mất thêm một chiếc Su-27 nữa càng làm tình hình của Không quân Ukraine trở nên nghiêm trọng hơn.
Theo dữ liệu từ Oryx – nền tảng chuyên ghi nhận tổn thất trong chiến tranh, Ukraine đã mất tổng cộng 16 chiếc Su-27 được xác nhận bằng hình ảnh.
Trước xung đột, Ukraine sở hữu khoảng 30 tiêm kích loại này, nhưng một số máy bay không hoạt động đã được sửa chữa và đưa trở lại phục vụ sau khi Nga mở chiến dịch tấn công.
Việc Su-30SM của Nga sử dụng R-37M để tiêu diệt Su-27 Ukraine ở tầm xa nhấn mạnh ưu thế công nghệ của Nga trong lĩnh vực tên lửa không đối không.
Các tên lửa tầm xa như R-37M cho phép máy bay chiến đấu Nga tiêu diệt mục tiêu từ ngoài tầm nhìn, trước khi đối phương kịp nhận ra mình đang bị tấn công.
Sự kiện này cũng phản ánh sự thay đổi chiến lược trong tác chiến trên không hiện đại. Các cuộc không chiến ngày nay ngày càng phụ thuộc vào tên lửa tầm xa và hệ thống cảm biến kết nối mạng, thay vì những trận dogfight (không chiến cận chiến) truyền thống.
Su-27, được Liên Xô phát triển và hiện do Ukraine vận hành, là một tiêm kích đa nhiệm có khả năng cơ động cực tốt, đặc biệt ở tốc độ cao và trong cận chiến.
Thiết kế cánh delta lớn và động cơ mạnh mẽ giúp Su-27 có ưu thế trong các pha đổi hướng nhanh – yếu tố quan trọng trong không chiến gần.
Tuy nhiên, Su-30SM - một phiên bản nâng cấp từ dòng Su-27 - sở hữu nhiều lợi thế vượt trội. Máy bay này có hệ thống điện tử hàng không tiên tiến hơn, radar hiện đại hơn giúp phát hiện và theo dõi mục tiêu tốt hơn.
Quan trọng nhất, Su-30SM có vòi phụt vector lực đẩy, giúp tăng đáng kể khả năng cơ động, đặc biệt là ở tốc độ thấp hoặc khi thực hiện các thao tác sau khi mất tốc (post-stall maneuvers).
Điều này giúp Su-30SM có lợi thế lớn trong cận chiến, nơi khả năng kiểm soát máy bay là yếu tố quyết định.
Về vũ khí, cả hai loại máy bay đều được trang bị nhiều tên lửa không đối không, bao gồm các hệ thống tấn công ngoài tầm nhìn (BVR), nhưng trong cận chiến, kết quả sẽ phụ thuộc nhiều vào việc ai có thể chiếm vị trí bắn trước.