Nhìn từ Israel – Quốc gia khởi nghiệp, các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt cũng như cơ quan quản lý sẽ phải làm gì để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở cấp vĩ mô và vi mô.
Thực tiễn từ Israel
Được biết đến với cái tên Quốc gia Khởi nghiệp, Israel đã trở thành một trung tâm toàn cầu với tỉ lệ công ty khởi nghiệp bình quân đầu người cao nhất thế giới, trung bình có 1 công ty khởi nghiệp/2.000 dân. Nhưng ít ai biết rằng để có được sự phát triển như ngày nay, Israel đã trải qua nhiều thời kỳ để biến một mảnh đất khô cằn trở thành một trung tâm nông nghiệp trên thế giới, đặc biệt là phát triển và trở thành một quốc gia bậc nhất thế giới về sáng tạo công nghệ.
Israel là một trong những quốc gia rất chú trọng đến R&D (nghiên cứu và phát triển) với tỷ lệ R&D/GDP cao bậc nhất thế giới. Những "gã khổng lồ" trên toàn thế giới như Intel, eBay, Apple, IBM, Google và Microsoft đều phải đến Israel và đầu tư vào các công ty khởi nghiệp và trung tâm R&D tại đây. Nếu Microsoft đã ra mắt trung tâm R&D thì Apple lại mua 2 công ty khởi nghiệp chỉ trong vòng 2 năm, còn Intel thì đầu tư vào 64 Start-up tại Israel.
Khởi nghiệp là cuộc chơi dành cho người dũng cảm, đi tiên phong và dám chấp nhận rủi ro. Ảnh minh họa
Không có tài nguyên thiên nhiên, nhưng với một tinh thần khởi nghiệp lớn được truyền tải tới từng người dân… Israel đã vươn lên trong chuỗi giá trị và trở thành một quốc gia hùng mạnh về kinh tế. Ở Israel, doanh nhân mới khởi nghiệp thường quan niệm rằng việc tiếp cận các nguồn tiền luôn luôn là một vấn đề, ở khắp mọi nơi. Và sự hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ chỉ ở giai đoạn chuẩn bị, bắt đầu và khi mới phát triển. Những hỗ trợ gián tiếp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa và các nhà đầu tư (thông qua hệ thống thuế) là quan trọng.
Tại Hội thảo quốc tế “Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam - Bài học thực tiễn từ Israel” diễn ra tại Hà Nội hôm 21/9/2016, bà Meirav Eilon Shahar, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Israel tại Việt Nam cho biết, sự nỗ lực của người dân trong việc đổi mới sáng tạo, sự hỗ trợ của Chính phủ dành cho các nhà đầu tư đã đưa Israel thành một quốc gia khởi nghiệp thành công trên thế giới.
“Chìa khoá thành công của chúng tôi là sự kinh doanh năng động, sự hỗ trợ mạnh mẽ của các quỹ khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm tạo ra sức sáng tạo mạnh mẽ trong môi trường kinh doanh của đất nước”, bà Meirav Eilon Shahar chia sẻ.
Từ thực tiễn của Israel, bà Meirav Eilon Shahar nhận xét: “Việt Nam hiện đã thu hút được sự quan tâm nhất định với các quỹ đầu tư quốc tế trong vấn đề khởi nghiệp. Với nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong thời gian vừa qua, chúng tôi tin rằng sẽ sớm có các cơ chế mới hỗ trợ cho sự phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp ngày càng phát triển hơn”.
Bài học nào để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp
Tại Hội thảo về khởi nghiệp hôm 21/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhận định rằng tại Việt Nam hiện nay, vấn đề quan trọng nhất là xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách và tổ chức thực hiện thể chế chính sách về khởi nghiệp và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Theo Phó Thủ tướng, từ kinh nghiệm của Israel, Việt Nam cần học hỏi lý luận cũng như các kinh nghiệm thực tiễn. Cụ thể là học hỏi kinh nghiệm thực tiễn từ các chuyên gia Israel về việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở cấp vĩ mô và vi mô, trong đó tập trung vào các nhóm chính sách cụ thể của Chính phủ, thể chế vận hành của cộng đồng Start-up tại một số ngành nghề chủ đạo. Bên cạnh đó đề xuất các chương trình hành động để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam, tiếp tục khẳng định sự cam kết hỗ trợ của Chính phủ với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam nhằm tạo dựng một quốc gia khởi nghiệp.
Chính phủ đã ban hành nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, đưa ra những nhóm giải pháp rất cụ thể về tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với mục tiêu có được ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020. Chính phủ cũng cam kết mạnh mẽ là luôn đồng hành và phục vụ doanh nghiệp nói chung, cộng đồng Start-up nói riêng.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng kinh tế tri thức và hệ sinh thái khởi nghiệp và sáng tạo. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Luật doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký và giải thể nhanh nhất. Ngoài ra, Bộ đã cho phép doanh nghiệp tại 38 địa phương đăng ký kinh doanh online.
Tuy nhiên, chính sách đặc thù cho khởi nghiệp về nhà đầu tư mạo hiểm, gọi vốn cộng đồng, cơ chế đối ứng đầu tư từ nhà nước cho các quỹ đầu tư tư nhân vẫn chưa có. Bên cạnh đó vẫn còn thiếu thông tin, chưa có sự gắn kết giữa các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp và thiếu kiến thức, kinh nghiệm, đầu tư cho khởi nghiệp. Theo ông Đông, để tạo thuận lợi, Nhà nước cần công nhận và có sự quản lý thích hợp, đồng thời có ưu đãi với dòng tiền của nhà đầu tư mạo hiểm như coi nó là chi phí trước thuế.
Nếu như tại Israel, việc tiếp cận các nguồn tiền luôn là vấn đề với các Start-up thì Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nói về điều này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết liên quan tới gọi vốn ngân hàng trong khởi nghiệp thì nguồn vốn của ngân hàng quan trọng khi tăng tốc khởi nghiệp. Nhưng tùy tính chất, quy mô từng sản phẩm, các ngân hàng sẽ quyết định mức vốn và thời hạn vay. Còn về lâu dài hạn thì Start-up phải sử dụng đồng bộ các nguồn vốn khác từ chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp.
Ngoài ra, đại diện của Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, luật pháp cho phép sử dụng bằng sở hữu trí tuệ hay quyền sở hữu sáng chế làm tài sản thế chấp. Luật dân sự năm 2015 nêu rõ, các loại tài sản này nằm trong quyền sở hữu. Tuy nhiên, cần có quy định với loại tài sản vô hình này để việc vay vốn được diễn ra thuận lợi hơn.
Sẽ còn rất nhiều việc phải làm để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp. Và để cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Chính phủ sẵn sàng lắng nghe những đề xuất chính sách của giới Start-up và nhà đầu tư.