Điều tra viên phân tích dữ liệu hộp đen chiếc máy bay bị mất tích của hãng hàng không AirAsia cho biết “việc nghe đi nghe lại những lời nói cuối cùng của phi công QZ8501” khiến ông sởn gai ốc.
Mặc dù có thâm niên làm điều tra viên 20 năm trời, nhưng việc phân tích dữ liệu hộp đen của chiếc máy bay QZ8501 hãng hàng không AirAsia bị mất tích vừa qua lại là thách thức, khó khăn nhất đối với ông Nurcahyo Utomo.
Ông Nurcahyo Utomo là điều tra viên của Ủy ban An toàn giao thông vận tải Quốc gia. Ông cho biết việc “nghe đi nghe lại đoạn băng ghi âm từ hộp đen có thể gây ra cảm giác lo lắng muộn phiền và hao tâm tổn trí”.
Trang Viva.co.id dẫn lời ông Nurcahyo: “Nghe đi nghe lại đoạn ghi âm từ hộp đen có liên quan đến vụ tai nạn không giống như nghe nhạc hay một cuộc thảo luận. Việc nghe âm thanh ghi lại những giây phút cuối cùng trước khi vụ tai nạn xảy ra thực sự gây cho con người ta sự buồn phiền. Các điều tra viên bị mất bình tĩnh khi phải nghe nhiều lần”.
Thợ lặn của Lực lượng Hải quân Indonesia đặt hộp đen của chiếc máy bay QZ8501 vào hộp an toàn
Ông Nurcahyo cũng cho hay khi tiến hành phân tích dữ liệu, những lời cuối cùng “Allahuakhbar" (Thượng đế chí tôn) lặp đi lặp lại trong đoạn băng khi nghe khiến cho ông và các điều tra viên “sởn gai ốc”.
Ông Nurcahyo kể: “Chúng tôi có cảm giác rằng Allahuakhbar, Allahuakhbar là những lời cuối cùng họ nói trước khi chết”.
“Mặc dù vậy, với trái tim sắt đá, chúng tôi không thể chạy trốn khỏi nhiệm vụ được giao. Việc nghe đoạn hội thoại cuối cùng sẽ là chìa khóa để làm sáng tỏ nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn. Chúng ta sẽ biết điều gì thực sự đã xảy ra từ những đoạn hội thoại giữa phi công lái chính và phi công phụ trước khi xảy ra vụ tai nạn”, ông nói thêm.
Đối với Nurcahyo, nhiệm vụ phân tích hộp đen sẽ khó khăn hơn bởi ông là hậu bối của ông Iriyanto, phi công lái chiếc máy bay mang số hiệu QZ8501.
Ông cho biết: “Indriyanto là bậc tiền bối và là người đã dạy tôi cách bay. Tôi không thể tưởng tượng mình sẽ nghe những lời cuối cùng của ông ấy như thế nào”.