Sóc Trăng: Một Thẩm phán bị khởi tố hình sự năm 2017 có đơn kêu oan

Mai Thoa| 10/05/2022 14:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ban hành quyết định “Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời” trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự đúng quy định của BLTTDS, nhưng một Thẩm phán (là Phó Chánh án) ở Sóc Trăng vẫn bị khởi tố điều tra với tội danh "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Trải qua gần 5 năm với thân phận bị can Thẩm phán mới được CQĐT VKSNDTC ban hành quyết định đình chỉ vụ án/đình chỉ bị can tháng 9/2021. Ngày 9/5/2022, Thẩm phán tiếp tục có đơn kêu oan gửi các ngành chức năng.

Từ vụ thỏa thuận thi hành án sau ly hôn...

Theo hồ sơ vụ việc, năm 2012 TAND TP Sóc Trăng đã có bản án giải quyết vụ án "tranh chấp ly hôn và chia tài sản chung khi ly hôn" giữa ông Đặng Văn Muôn và bà Trần Thị Lẫm, trong đó có phần chia tài sản là ngôi nhà tại phường 8, TP Sóc Trăng.

soc-trang.jpg
Trụ sở TAND TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.

Theo bản án, ông Muôn được giữ căn nhà và trả cho bà Lẫm số tiền hơn 1,77 tỉ đồng. Tháng 7/2012, thời điểm thi hành án, ông Muôn và bà Lẫm thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tài sản và thống nhất ông Muôn bán tài sản này cho chị Hiền (là con gái ruột của bà Lẫm và ông Muôn) với giá 3,5 tỉ đồng. Chị Hiền sẽ trả phần tiền nghĩa vụ của ông Muôn với bà Lẫm và những người khác nên không cần phải thi hành án nữa.

Tuy nhiên, việc mua bán chưa thực hiện thì ông Muôn bán căn nhà này cho bà Nguyễn Thị Ngọc với giá 3,2 tỉ đồng kèm hợp đồng ủy quyền nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ cơ quan thi hành án. Sau đó, bà Ngọc mang giấy này ký hợp đồng công chứng bán cho bên thứ 3.

Sau đó, vợ ông Muôn là bà Lẫm phát sự hiện việc, nhận thấy lợi ích của mình bị xâm hại nên bà Lẫm gửi đơn đến TAND TP Sóc Trăng yêu cầu hủy hợp đồng mua bán của bà Ngọc với bên thứ 3 và làm đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) cấm hành vi mua bán, chuyển nhượng, thế chấp cầm cố với căn nhà trên.

Thẩm phán thụ lý vụ án này là ông Nguyễn Văn Thanh Bình, khi đó là Phó Chánh án TAND TP Sóc Trăng. Ông Bình căn cứ vào những tài liệu mà bà Lẫm cung cấp đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ( BPKCTT) theo yêu cầu của bà Lẫm nhằm ngăn chặn việc chuyển nhượng nêu trên.

Do bị áp dụng BPKCTT, bà Ngọc làm đơn khiếu nại đến chánh án TAND TP Sóc Trăng và bị bác khiếu nại.

Vụ án bà Lẫm khởi kiện sau đó được chuyển lên TAND tỉnh Sóc Trăng. Tại tòa này, Thẩm phán đã ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng BPKCTT do ông Bình ban hành trước đó.

Sau đó, bên thứ 3 đã khởi kiện bà Ngọc yêu cầu bồi thường hợp đồng 2 tỉ đồng do không thực hiện được việc mua bán. Tại bản án phúc thẩm lần thứ 2, TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên chấp nhận sự tự nguyện bồi thường 1,9 tỉ đồng tiền phạt cọc của bà Ngọc cho bên thứ 3.

Tháng 7/2017, bà Ngọc yêu cầu TAND TP Sóc Trăng bồi thường cho bà 5,9 tỉ đồng. Tuy nhiên, nội dung khởi kiện này không có căn cứ giải quyết.

... đến việc khởi tố và đình chỉ vụ án hình sự đối với Thẩm phán

Năm 2017, Cơ quan điều tra Viện KSNDTC đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Văn Thanh Bình, khi đó là Phó Chánh án TAND TP Sóc Trăng về tội "ra quyết định trái pháp luật" và ban hành cáo trạng truy tố ông Bình với cùng tội danh trên.

Tháng 9/2019, TAND tỉnh Sóc Trăng đưa vụ án ra xét xử và sau đó Tòa án đã trả hồ sơ điều tra bổ sung. Tòa án yêu cầu CQĐT làm rõ các nội dung liên quan đến vụ án: đề nghị đối chất giữa bà Lẫm và ông Muôn, bà Lẫm và chị Hiền (con gái); làm rõ trách nhiệm của Công chứng viên, đánh giá giá trị pháp lý của hợp đồng công chứng; xem xét trách nhiệm của Chấp hành viên, xem xét việc tồn tại 2 hợp đồng chuyển nhượng căn nhà của ông Muôn - bà Lẫm với giá trị các hợp đồng khác nhau; làm rõ việc bà Lẫm có quyền khởi kiện dân sự hay không; chứng minh thẩm quyền ban hành quyết định áp dụng BPKCTT của Nguyễn Văn Thanh Bình và chứng minh hậu quả của vụ án.

Sau khi hồ sơ bị trả về, tháng 9/2020 Cơ quan điều tra của Viện KSNDTC đã ban hành quyết định thay đổi tội danh của ông Bình sang tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Cho rằng mình bị oan sai, ông Bình tiếp tục có đơn khiếu nại và cho rằng mình không phạm tội như quyết định khởi tố.

Đến ngày 29/9/2021 Cơ quan điều tra của VKSNDTC đã có quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với Thẩm phán Nguyễn Văn Thanh Bình. Lý do đình chỉ là: "Do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa", căn cứ vào điểm a, khoản 1 điều 29 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Nói về vụ việc trên, ông Bình cho biết, là một Thẩm phán, việc ông ra quyết định áp dụng BPKCTT trong trường hợp khởi kiện của bà Lẫm là hoàn toàn đúng thẩm quyền và không vượt quá yêu cầu.

Điều 101 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 quy định "người yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình, trong trường hợp yêu cầu không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng BPKCTT hoặc cho người thứ 3 thì phải bồi thường".

Đồng thời, bà Lẫm là người bị xâm hại quyền lợi trong việc ông Muôn bán căn nhà trên, sau khi ông Muôn không giữ lời hứa về thỏa thuận với con gái. Khi bà Lẫm phát hiện việc ông Muôn bán nhà cho bà Ngọc xâm phạm đến lợi ích của mình thì bà Lẫm có quyền bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định tại điều 161 Bộ luật tố tụng dân sự 2004.

Trong vụ việc khởi kiện của bà Lẫm, ông Muôn vẫn chưa trả số tiền 1,7 tỉ đồng theo bản án hôn nhân của tòa trước đó. Do đó, việc ông Bình bị khởi tố điều tra rồi đổi tội danh sang tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" là gây oan sai đối với ông bởi vì việc ông Bình ra quyết định áp dụng BPKCTT không dẫn đến hậu quả của việc bà Ngọc bị thiệt hại 1,9 tỉ đồng.

Hiện ông Bình  tiếp tục làm đơn khiếu nại đối với quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can của Cơ quan điều tra Viện KSNDTC. Ông Bình khẳng định mình bị oan sai và Cơ quan điều tra của Viện KSNDTC phải có trách nhiệm minh oan cho ông.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sóc Trăng: Một Thẩm phán bị khởi tố hình sự năm 2017 có đơn kêu oan