Ngày 10/6, tỉnh Sóc Trăng tổ chức Lễ công bố quyết định thành lập và ra mắt Đội ứng phó thiên tai, thảm họa tỉnh. Đội có 22 thành viên, ông Đỗ Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh làm đội trưởng.
Trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, mưa dông, lốc xoáy làm thiệt hại khoảng 250 căn nhà, làm đổ, ngã hơn 14 nghìn ha lúa, cây ăn trái, hoa màu…; ước thiệt hại khoảng hơn 78 tỷ đồng.
Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh cũng thường xuyên xảy ra nhiều vụ sạt lở bờ sông, bờ biển, thiệt hại nhiều nhà cửa, đường giao thông… ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân, ước thiệt hại cũng gần 33 tỷ đồng.
Đội ứng phó thiên tai, thảm họa tỉnh được thành lập có nhiệm vụ hỗ trợ chính quyền và người dân ứng phó khẩn cấp với thiên tai, thảm họa, giảm bớt thiệt hại. Phối hợp tuyên truyền, vận động, di dời người dân tại địa phương ra khỏi vùng ảnh hưởng của thiên tai đến nơi an toàn và tham gia các hoạt động phòng ngừa ứng phó với thảm họa dựa vào cộng đồng tại địa phương;
Đánh giá thiệt hại, nhu cầu tại nơi xảy ra thiên tai và báo cáo lên cấp trên; tham mưu xây dựng kế hoạch cứu trợ và hỗ trợ các hoạt động cứu trợ, triển khai hoạt động sơ cấp cứu, chăm sóc sức khỏe người dân trong thiên tai và các nhiệm vụ liên quan khác.
Ngoài ra, phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về công tác phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm; Triển khai hoạt động truyền thông trong thiên tai; tuyên truyền về nước sạch, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm sau thiên tai…
Phát biểu tại buổi lễ, bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tỉnh Sóc Trăng, nhấn mạnh: "Trong thời gian gần đây, tình trạng nắng nóng, khô hạn, mưa dông diễn ra phức tạp và hiện tượng thời tiết bất thường này đã và đang ảnh hưởng khá lớn đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân và nó tác động đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Việc thành lập, ra mắt Đội ứng phó thiên tai, thảm họa của tỉnh ngày hôm nay vừa có ý nghĩa về mặt xã hội và cả về mặt chính trị, vừa đảm bảo yêu cầu về phòng chống thiên tai, thảm họa chủ động và tích cực".
Sau buổi lễ, các thành viên của Đội được tập huấn, cung cấp kiến thức về các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra tại địa phương, mức độ và sự nguy hiểm của từng loại thiên tai; hướng dẫn kiến thức chung về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và thực hành đánh giá rủi ro thiên tai.