UBDN tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành Công văn số 1473/UBND-TC về việc chấn chỉnh kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, khắc phục hạn chế, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 63/CĐ-TTg ngày 12/5/2025 về việc chấn chỉnh kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, khắc phục hạn chế, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Ngày 13/5, Tỉnh uỷ Quảng Ninh cũng ban hành Công văn số 2692-CV/TU về việc chấn chỉnh kỷ cương, tăng cường trách nhiệm trong giải quyết thủ tục hành chính, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Thực hiện chỉ đạo trên, ngày 15/5, UBDN tỉnh Quảng Ninh ban hành Công văn số 1473/UBND-TC về việc chấn chỉnh kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, khắc phục hạn chế, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Theo đó, Chủ tịch UBDN tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các địa phương thuộc tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, phạm vi quản lý tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm tăng cường trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc chấn chỉnh kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, khắc phục hạn chế, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Các sở, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu các kết quả về môi trường kinh doanh và cải thiện chất lượng quản trị môi trường tại Báo cáo chỉ số PCI 2024 (do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố ngày 06/5/2025 và đăng tải tại địa chỉ: https://pcivietnam.vn/an-pham/bao-cao-pci), chủ động hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện và tham mưu UBND tỉnh xem xét giải quyết hoặc báo cáo, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra.
Chấn chỉnh kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, giải quyết dứt điểm các phản ánh, kiến nghị kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng điều hành, phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp, hướng tới phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.
Chấn chỉnh ngay các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức về tinh thần, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp; phê bình, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định; chấm dứt ngay tình trạng doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức trong thực hiện thủ tục hành chính và các hoạt động khác liên quan đến cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước.
Đẩy mạnh cải cách thể chế, thúc đẩy đối thoại công - tư và cải thiện hiệu quả thực thi chính sách, phấn đấu năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 14% trở lên.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa hơn nữa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và thủ tục hành chính nội bộ, bảo đảm bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh, giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, 30% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, hoàn thành việc thực thi 100% phương án về phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đã được phê duyệt tại Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ, 100% thủ tục hành chính nội bộ được cắt giảm, đơn giản hóa phù hợp với quy định mới của pháp luật về phân cấp, phân quyền, ủy quyền và việc sắp xếp tinh gọn bộ máy, thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Tập trung xử lý các khó khăn, vướng mắc các dự án đầu tư công, dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện của từng dự án và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công gắn với nâng cao chất lượng dự án, công trình nhất là các dự án, công trình trọng điểm, công trình chào mừng đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 theo chỉ đạo tại văn bản số 148/UBND-GTCB&XD ngày 17/01/2025 của UBND tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nguồn lực, nghiên cứu xu hướng phát triển các ngành, lĩnh vực mới trên thế giới, có các giải pháp phát triển sản phẩm, dịch vụ mới; đồng thời, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ đang có trên thị trường quốc tế;
Bên cạnh đó, cơ cấu lại có trọng tâm, trọng điểm, thực chất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp phù hợp với tình hình mới và tương xứng với nguồn lực nắm giữ;
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tham gia tích cực, hiệu quả vào phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu.