Sơ kết thực hiện thí điểm Chế định Thừa phát lại: TANDTC đã tích cực phối hợp thực hiện

Mai Thoa| 04/12/2014 20:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 4/12, Bộ Tư pháp cùng Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm Chế định Thừa phát lại Trung ương (Ban chỉ đạo) đã tổ chức Hội nghị sơ kết về việc thí điểm thực hiện Chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012 của Quốc hội.

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đồng chủ trì Hội nghị.

Bước đầu tạo hiệu ứng tích cực

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, sau khi triển khai thực hiện thí điểm Thừa phát lại, cơ quan này đã phối hợp với TANDTC, VKSNDTC và các Bộ, ngành liên quan thành lập Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm Chế định Thừa phát lại ở Trung ương; Ban chỉ đạo đã ban hành Quy chế làm việc, Kế hoạch công tác cũng như đề xuất các giải pháp triển khai thực hiện.

Các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai một cách bài bản, nghiêm túc và đã thu được kết quả nhất định. Đến nay, thực hiện thí điểm tại 13 địa phương trong cả nước với 51 Văn phòng Thừa phát lại được thành lập. Tính từ khi thành lập đến 31/10/2014, riêng doanh thu các Văn phòng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt trên 56 tỷ đồng; lập 22.940 vi bằng, tống đạt 351.897 văn bản, xác minh điều kiện thi hành án 361 việc…

Đối với 12 địa phương mở rộng thí điểm, đến nay đã thành lập được 39 Văn phòng Thừa phát lại. Nhìn chung, các Văn phòng được đầu tư cơ sở vật chất và hoạt động ổn định; doanh thu đạt trên 6 tỷ đồng với 1.729 vi bằng và 25.787 văn bản…

Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc thực hiện thí điểm Thừa phát lại trong thời gian qua đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân do nhận thức của người dân và một số cơ quan, cán bộ, công chức vẫn còn hạn chế; việc triển khai một số công việc còn chậm so với kế hoạch; công tác tuyên truyền ở Trung ương và địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu nên hiểu biết của người dân và xã hội về Thừa phát lại còn hạn chế. Các Văn phòng Thừa phát lại tại 12 địa phương mở rộng thí điểm chậm ổn định tổ chức, sắp xếp nhân sự để thực hiện tốt công việc.

TANDTC đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt

Tại Hội nghị, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn đã trình bày Báo cáo kết quả triển khai thực hiện Thừa phát lại. Theo đó, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TANDTC, TAND các tỉnh, thành phố đã xác định việc triển khai thực hiện thí điểm Chế định Thừa phát lại là một chủ trương lớn về cải cách tư pháp. TANDTC đã ban hành văn bản, chính sách để triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chế định này, đồng thời quán triệt đến toàn bộ cán bộ, công chức trong toàn hệ thống TAND, đặc biệt là 13 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm.

Tại các hội nghị sơ kết, triển khai công tác hàng năm, TANDTC đã xác định rõ trách nhiệm của Tòa án các cấp trong việc triển khai thực hiện; đồng thời tiếp tục trao đổi, thảo luận những khó khăn, vướng mắc, đề ra giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về Thừa phát lại.

Sơ kết thực hiện thí điểm Chế định Thừa phát lại: TANDTC đã tích cực phối hợp thực hiện

 Toàn cảnh hội nghị

Đặc biệt, Chánh án TANDTC đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thường xuyên theo dõi việc thực hiện tại các TAND - nơi có thí điểm triển khai thực hiện. Qua đó, nắm bắt những vấn đề phát sinh để tham mưu cho TANDTC chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời. Ở nhiều địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Đồng Nai… đã thành lập Tổ giúp việc, Nhóm công tác để kịp thời tham mưu, giải quyết ngay những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.

Phó Chánh án Nguyễn Sơn cho biết, trong năm 2013, TANDTC đã chủ động tổ chức một số đoàn kiểm tra nhằm đánh giá kết quả cũng như tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện thí điểm tại các Tòa án. Đồng thời tham gia một số Đoàn công tác để nắm bắt tình hình, đôn đốc và giải quyết những khó khăn, vướng mắc tại các tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Bình Định, Vĩnh Long, Tiền Giang… Qua đó, phát hiện những khó khăn, vướng mắc; những vấn đề chưa xử lý được đã được TANDTC tổng hợp, có văn bản báo cáo Ban chỉ đạo để có hướng dẫn cụ thể.

Năm 2014, TANDTC cũng đã phối hợp với Ban chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện thí điểm tại Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh; tham gia các đoàn khảo sát, nghiên cứu, khảo sát thực địa để có đánh giá kết quả hoạt động.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã thảo luận về những vấn đề khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện thí điểm Thừa phát lại như: BLTTHS, BLTTDS, Luật TTHC chưa có quy định về địa vị pháp lý của Thừa phát lại nên khó khăn trong công tác thực hiện. Các cơ quan liên quan chậm có văn bản hướng dẫn thực hiện, dẫn đến việc triển khai còn chậm… Đồng thời, các đại biểu cũng đưa ra những kiến nghị để Ban chỉ đạo có những biện pháp tháo gỡ kịp thời, nhằm giúp công tác này đạt hiệu quả cao hơn.

Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, kế hoạch trong thời gian tới sẽ tiếp tục quán triệt nâng cao nhận thức đúng đắn về việc thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội; từ đó, thống nhất hành động từ Trung ương đến địa phương; đẩy mạnh mọi mặt công tác trong việc thực hiện, bảo đảm thí điểm thành công.

Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Bộ sẽ tổ chức tốt việc tổng kết, đánh giá đầy đủ, toàn diện, làm cơ sở để báo cáo Quốc hội xem xét quyết định thực hiện chính thức chế định Thừa phát lại trong thời gian tiếp theo. Giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.

Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm sát, giám sát hoạt động Thừa phát lại của Ban chỉ đạo, các cơ quan Trung ương, VKSND; tăng cường hoạt động giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp và phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, của cộng đồng và nhân dân đối với việc thực hiện thí điểm Thừa phát lại.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơ kết thực hiện thí điểm Chế định Thừa phát lại: TANDTC đã tích cực phối hợp thực hiện