Ứng dụng QuetleadFB và nhiều ứng dụng khác hiện đang “đánh cắp” số điện thoại trên Facebook của bất kỳ ai dù đã để ở chế độ ẩn, sau đó bán với giá chỉ 10 VNĐ/số điện thoại.
Nhan nhản ứng dụng “đánh cắp” thông tin
Dù số điện thoại cũng như Email trên Facebook đã để ẩn, song chị Nguyễn Hồng Ngọc (SN 1997, ở Hoài Đức, TP Hà Nội) vừa bình luận trong một diễn đàn về xe ô tô trên mạng xã hội Facebook, ít phút sau đã có nhân viên bán hàng gọi điện tư vấn. Tương tự, chị Nguyễn Minh Trang (SN 1989, ở Gia Lâm, TP Hà Nội) mới đây có bình luận hỏi về giá một thửa đất trên Facebook, những ngày sau đó liên tiếp bị làm phiền bởi nhân viên tư vấn bất động sản.
Hẳn nhiều người đã từng đặt câu hỏi: Tại sao nhân viên bán hàng lại có được số điện thoại, email của mình? Hay những đối tượng lừa đảo lại có thể dễ dàng có đầy đủ thông tin cá nhân của một ai đó để phục vụ hoạt động lừa đảo?
Theo tìm hiểu, hiện trên internet đang có hàng chục ứng dụng trả phí, có thể xâm nhập, “đánh cắp” số điện thoại của người dùng Facebook, như “AIO-Tool tra cứu SĐT người dùng”, “Marketingtool.top”, “Sotel.vn”, “QuetleadFB”…
Không phải là một hacker, cũng không cần có kiến thức cao siêu về công nghệ thông tin, chỉ cần biết sử dụng máy tính với vài thao tác cơ bản, với những ứng dụng này, bất cứ ai cũng có thể có được số điện thoại của một người lạ trên Facebook, dù người đó đã để ở chế độ ẩn.
Đơn cử như ứng dụng QuetleadFB hiện đang “đánh cắp” số điện thoại của người dùng Facebook, sau đó bán với giá chỉ 10 VNĐ/số điện thoại. Cụ thể, theo ghi nhận của phóng viên, để sử dụng ứng dụng này, người dùng cần cài đặt ứng dụng thông qua cửa hàng trực tuyến Chrome, đăng ký tài khoản rồi tiến hành tra cứu.
Sau khi cài đặt và đăng ký QuetleadFB, giao diện trên Facebook sẽ xuất hiện biểu tượng “chấm đỏ” ở bên phải các trang cá nhân, bình luận. Muốn lấy số điện thoại, chỉ cần nhấp chuột vào biểu tượng “chấm đỏ” là số điện thoại sẽ hiện ra.
Bên cạnh đó, QuetleadFB còn cho phép chuyển file UID sang số điện thoại, chuyển file UID sang Email, chuyển số điện thoại sang file UDI, tìm số điện thoại từ link Facebook, tìm số điện thoại từ UID Facebook, tìm Facebook bằng số điện thoại…
Về phí dịch vụ, ứng dụng này hiện đang cho phép tra cứu miễn phí 20 lượt, tiếp đó, để tra cứu, người dùng phải mua gói tra cứu với giá 199.000 đồng/20.000 lượt tra cứu thành công (tương đương 10 VNĐ/lượt), hoặc 599.000 đồng để tra cứu vĩnh viễn.
Trước đó, ứng dụng này công khai địa chỉ hoạt động tại TP Hồ Chí Minh, do một người tên Công (SĐT 0963959xxx) làm đại diện, mới đây đã thay đổi tài khoản ngân hàng người thụ hưởng thành Nguyễn Thị Phương (STK ngân hàng BIDV: 4511000083xxxx) và xóa toàn bộ khối tin cũ.
Theo thống kê, chỉ riêng cửa hàng trực tuyến Chrome, QuetleadFB đã có trên 4.000 cài đặt, thu về khoản lợi nhuận bất hợp pháp từ việc “đánh cắp” và bán thông tin cá nhân của người khác là cực kỳ lớn.
Có thể bị xử lý hình sự
Theo khoản 5 Điều 13 Luật An toàn thông tin mạng: “Thông tin cá nhân (TTCN) là thông tin gắn với việc xác định danh tính của một người cụ thể”. Điều 5 Khoản 3 Nghị định 64/2007/NĐ-CP quy định: “Thông tin cá nhân là thông tin đủ để xác định chính xác danh tính một cá nhân, bao gồm ít nhất nội dung trong những thông tin sau đây: Họ tên, ngày sinh, nghề nghiệp, chức danh, địa chỉ liên hệ, địa chỉ thư điện tử, số điện thoại, số chứng minh nhân dân, số hộ chiếu. Những thông tin thuộc bí mật cá nhân gồm có hồ sơ y tế, hồ sơ nộp thuế, số thẻ bảo hiểm xã hội, số thẻ tín dụng và những bí mật cá nhân khác”.
Các thông tin cá nhân khi được tiếp cận bởi doanh nghiệp, có thể trở thành nguồn dữ liệu có giá trị thương mại thông qua các hoạt động truyền thông, quảng bá, tiếp thị và các hoạt động cạnh tranh trên thương trường. Vì vậy, các doanh nghiệp muốn nắm bắt, thu thập, sử dụng, phân tích, khai thác TTCN của khách hàng hiện tại và các khách hàng tiềm năng.
Tuy nhiên, để bảo đảm cuộc sống riêng tư, sự tự do cần thiết trong đời sống thường nhật, nhìn chung, các cá nhân không muốn TTCN của mình bị lộ, lọt vào tay những người mà người có TTCN không biết họ sẽ sử dụng thông tin đó cho mục đích gì.
Phân tích về nội dung này, Luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, cho biết khoản 1 Điều 21 Luật Công nghệ thông tin và Bộ luật Dân sự đều quy định: Tổ chức, cá nhân thu thập, xử lý và sử dụng TTCN của người khác trên môi trường mạng phải được người đó đồng ý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
“Trường hợp thu thập thông tin cá nhân của người khác mà không được sự đồng ý trước của chủ thể thông tin sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng, quy định khoản 4 Điều 65 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP. Bên cạnh đó, sử dụng TTCN còn có thể bị phạt theo quy định tại Điều 84 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử”, Luật sư Diệp Năng Bình phân tích.
Vẫn theo Luật sư Diệp Năng Bình, hành vi mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hoá thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó còn có thể bị xử lý hình sự theo Điều 288 Bộ luật Hình sự, sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ tới 3 năm hoạc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm tù. Trường hợp có tổ chức, thu lợi bất chính trên 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 500 triệu đồng trở lên… có thể bị phạt tù từ 2 đến 7 năm.
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin.