Sẽ xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai

Trang Nhi| 06/09/2022 12:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trước tình hình nhiều vụ vi phạm hành chính về đất đai, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành xử lý nghiêm những hành vi trốn thuế trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai.

Từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực (ngày 01/7/2014 đến ngày 31/12/2021), các Tòa án trong cả nước đã thụ lý 187.743 vụ án liên quan đến đất đai, trong đó tranh chấp đất đai xảy ra nhiều nhất là trong lĩnh vực dân sự với 161.187 vụ, sau đó là hành chính với 26.443 vụ và hình sự là 113 vụ.

hanh-vi-tieu-cuc-trong-quan-ly-dat-dai.jpg
Sẽ xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai

Các tranh chấp về đất đai diễn ra đất đa dạng, dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng như phá vỡ mối quan hệ xã hội, làm mất đoàn kết trong nội bộ nhân dân, dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc.

Có thể kể đến một số vụ việc như: Vụ chuyển nhượng QSDĐ tại Công ty Alibaba với các dấu hiệu sai phạm về quản lý, sử dụng đất đai tại các địa phương, có dấu hiệu trốn thuế… Hay như vụ án chuyển nhượng đất "vàng" xảy ra tại Tổng công ty 3-2, với sai phạm của nhiều cựu lãnh đạo tỉnh Bình Dương, đã gây thiệt hại 1.850 tỉ đồng; vụ án vi phạm các quy định về quản lý đất đai, liên quan đến việc giao "đất vàng" ở Nha Trang cho doanh nghiệp tại Trường Chính trị Khánh Hòa để làm dự án BT…

Và điển hình là vụ án sai phạm trong chuyển nhượng đất công của Công ty Tân Thuận. Cụ thể vụ việc như sau: Cuối tháng 7/2022, Viện Kiểm sát Nhân dân TPHCM đã ban hành cáo trạng truy tố 10 bị can về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Về trách nhiệm của bà Nguyễn Thị Như Loan (Tổng Giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai), cơ quan điều tra tách ra, tiếp tục xem xét xử lý trên cơ sở kết luận giám định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Dư luận thắc mắc tại sao phải tách riêng phần trách nhiệm của bà Loan? Việc làm này liệu có ảnh hưởng tới kết quả vụ án không?

Luật sư Mạnh Xuân Sơn, Giám đốc Công ty luật Á Châu khẳng định, việc làm này là cần thiết và đúng quy định. Theo đó, tại khoản 2 điều 170 Bộ luật Tố tụng Hình sự về nhập hoặc tách vụ án hình sự để tiến hành điều tra quy định: "Cơ quan điều tra chỉ được tách vụ án trong trường hợp cần thiết khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm và nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án”.

Việc tách hành vi của Bà Nguyễn Như Loan để điều tra sau là vì trong vụ án này có nhiều tội phạm được thực hiện, tội phạm xảy ra trong khoảng thời gian dài và cần phải chờ kết quả giám định của Bộ Tài nguyên và môi trường. Nếu để trong cùng một vụ án mà điều tra, xử lý sẽ mất thời gian và không đảm bảo yêu cầu về thời hạn điều tra vụ án và việc tách vụ án này ra các vụ án khác nhau để điều tra là hợp lý.

Trước đó, tháng 8/2021, cơ quan điều tra đã làm việc với bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai. Kết luận vào thời điểm đó là việc nhận chuyển nhượng của Quốc Cường Gia Lai là đúng pháp luật và không có cơ sở xử lý hình sự đối với bà Loan.

Tuy nhiên, sau gần một năm mở rộng điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đề nghị bổ sung 5 vấn đề. Trong đó, đề nghị tiếp tục định giá tài sản để xác định chính xác giá trị tài sản của Công ty Tân Thuận tại thời điểm công ty này và Quốc Cường Gia Lai ký hủy hợp đồng chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại Dự án Khu dân cư Phước Kiển hồi tháng 5/2018, cũng như thời điểm hai công ty ký chuyển nhượng một phần Dự án Khu dân cư Ven Sông vào tháng 11/2017.

hanh-vi-tieu-cuc-trong-quan-ly-dat-dai-1.jpg
Ảnh minh họa.

Ngoài ra, Viện Kiểm sát đề nghị cơ quan điều tra xác định cụ thể trách nhiệm của các cá nhân thuộc Công ty Quốc Cường Gia Lai trong vụ án. Đồng thời làm rõ việc thu hồi tài sản bị thất thoát trong vụ án để xác định trách nhiệm dân sự của từng cá nhân liên quan đến hậu quả cuối cùng, gây thiệt hại, thất thoát tài sản nhà nước.

Theo cáo trạng, do vụ việc liên quan đến lĩnh vực đất đai, ngày 19/4/2022, cơ quan điều tra tiếp tục trưng cầu giám định của Bộ Tài nguyên và Môi trường để xác định việc chấp hành các quy định pháp luật khi chuyển nhượng hai dự án.

Trước tình hình nhiều vụ việc liên quan đến đất đai, mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 5/9/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 39/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025.

Trong đó, Chính phủ yêu cầu hoàn thiện quy định để quản lý chặt chẽ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đảm bảo yêu cầu minh bạch và không để thất thu thuế Nhà nước; hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính, rút gọn các thủ tục hành chính. Yêu cầu các bộ, ngành tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xử lý nghiêm các hành vi trốn thuế trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sẽ xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai