Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, Bộ Quốc phòng đã đề xuất phương án tính bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Căn cứ đóng bảo hiểm xã hội
Cụ thể, Điều 2 dự thảo quy định đối tượng áp dụng gồm:
1. Người lao động quy định tại điểm d, điểm đ khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội.
2. Người lao động quy định tại điểm h khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội.
3. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều này trong thời gian đi học tập, thực tập, công tác, nghiên cứu, đi điều dưỡng ngoài nước mà vẫn hưởng tiền lương hoặc phụ cấp quân hàm hoặc sinh hoạt phí ở trong nước và đóng bảo hiểm xã hội theo quy định thì được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội quy định tại Nghị định này.
4. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội, gồm: Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng quy định tại Nghị định này.
Dự thảo đề xuất 2 phương án quy định về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của đối tượng quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội (Hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ công an nhân dân; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí):
Phương án 1: Hai năm đầu đóng bằng 02 lần mức tham chiếu, sau đó cứ mỗi năm tiếp theo tăng thêm 0,5 lần mức tham chiếu, tối đa bằng 04 lần mức tham chiếu.
Phương án 2: Bằng 02 lần mức tham chiếu.
Cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất lựa chọn phương án 01 nhằm tạo điều kiện ở mức có lợi nhất cho đối tượng được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, nhất là đối với những đồng chí tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2025 có thời gian từ 4 đến 7 năm là học viên các học viện, nhà trường trong Quân đội, mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để làm cơ sở tính lương hưu là toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội.
Mức đóng, phương thức, thời hạn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động, người sử dụng lao động trong Bộ Quốc phòng, Bộ Công an
Dự thảo quy định chi tiết mức đóng, phương thức, thời hạn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động và người sử dụng lao động đối với đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 2 Nghị định này thực hiện theo quy định tại Điều 33 và Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội.
Trường hợp người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này được cấp có thẩm quyền cử biệt phái sang làm việc tại các cơ quan, tổ chức ngoài quân đội, công an, cơ yếu hoặc được cử sang làm việc tại các doanh nghiệp, liên doanh của quân đội, công an, cơ yếu mà vẫn do cơ quan, đơn vị cũ quản lý thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội được thực hiện theo quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội.
Trường hợp người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này đang giữ chức vụ lãnh đạo ở một cơ quan, đơn vị trong quân đội, công an, cơ yếu; đồng thời, được bầu cử, bổ nhiệm, kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo ở cơ quan, đơn vị khác (cả trong và ngoài quân đội, công an, cơ yếu) thì được hưởng chế độ phụ cấp kiêm nhiệm theo quy định của pháp luật về tiền lương; phụ cấp kiêm nhiệm này không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội. Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội được thực hiện theo quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội.
Người lao động quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 2 Nghị định này thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tính trên mức tham chiếu do Chính phủ quy định ở từng giai đoạn.
Trường hợp người lao động quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội mà bị ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đóng bảo hiểm xã hội tháng đó với căn cứ đóng bằng căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tháng gần nhất. Trường họp bị ốm ngay tháng đầu làm việc thì mức đóng bảo hiểm xã hội được xác định bằng tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của chính tháng đó.
Trường hợp người lao động quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội mà không làm việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đóng bảo hiểm xã hội cho thời gian người lao động không làm việc theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội.