Đời sống

Sắp diễn ra Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh

Minh Lý 26/03/2024 - 17:46

Với chủ đề “Nuôi biển, vì nguồn sống xanh thế hệ mai sau”, Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 31/3 - 1/4/2024 tại TP. Hạ Long.

Thông tin vừa được đưa ra tại buổi họp báo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức tại Hà Nội.

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) Trần Đình Luân, hội nghị sẽ do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan và lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chủ trì. Dự kiến, hội nghị sẽ thu hút khoảng 300 - 350 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự, trong đó có đại diện tham tán, đại sứ quán và chuyên gia đến từ các quốc gia có thế mạnh về nuôi biển hàng đầu thế giới hiện nay như: Australia, Na Uy, Đan Mạch, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, EU, Hà Lan...

Hội nghị được tổ chức phát trực tiếp (livestream) trên các nền tảng đa phương tiện của Báo Nông nghiệp Việt Nam.

thiet-ke-chua-co-ten-2024-03-25t221112.510.png
Toàn cảnh họp báo.

Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh được tổ chức với mục đích thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 1664 về nuôi biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; nhận diện tình hình nuôi biển trên thế giới và trong nước hiện nay; triển khai tổ chức thực hiện quy hoạch nuôi biển và các thủ tục đánh giá tác động môi trường, tháo gỡ khó khăn trong cấp phép, giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản tại Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian tới.

Chia sẻ tại họp báo, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Minh Sơn cho biết, trong thời gian vừa qua, Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã ban hành một số chính sách, chương trình khuyến khích, thúc đẩy nuôi biển. Nhờ vậy, ngành công nghiệp nuôi biển đã bước đầu được hình thành ở Việt Nam như: Hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung, công nghiệp phụ trợ (thức ăn, thiết bị nuôi, lồng bè, vật liệu mới), công nghiệp chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ…

Hiện nay, nuôi biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển, nhằm đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển trong thế kỷ của biển và đại dương.

Để cụ thể hóa chiến lược này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1664/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nuôi biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000ha, sản lượng 850.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 0,8 - 1 tỷ USD. Đến 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha, sản lượng 1,45 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 - 2 tỷ USD.

Định hướng phát triển ngành nuôi biển của nước ta thời gian tới là phát triển nuôi biển công nghiệp với công nghệ tiên tiến, quy hoạch chặt chẽ, phương thức quản lý hiện đại.

nuoi-bien.jpg
Phát triển bền vững nuôi biển. (Ảnh minh họa)

Phát triển nuôi biển cả trong vùng ven bờ, trên vùng biển xa bờ, ngoài khơi xa và cả trên bờ, phát huy đa dạng sinh học của vùng nhiệt đới. Tích hợp nguồn lực kinh tế kỹ thuật các ngành dầu khí, đóng tàu, vận tải biển, cơ khí hệ sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững...

Hội nghị sẽ giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, hiện đại, đa giá trị, đồng thời tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tổ chức phát triển bền vững nuôi biển tỉnh Quảng Ninh trong những năm tới.

Công bố khu vực biển để thu hút đầu tư nuôi biển và ký cam kết MOU hợp tác phát triển nuôi biển với một số nhà đầu tư chiến lược trong nước và quốc tế.

Tại hội nghị, những thành tựu công nghệ, thiết bị nuôi biển, những sản phẩm OCOP và sản phẩm thủy sản của tỉnh Quảng Ninh cũng sẽ được trưng bày, giới thiệu.

Đặc biệt, hội nghị được kỳ vọng sẽ trở thành sự kiện thường niên, cầu nối thu hút được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước quan tâm, đầu tư vào nuôi biển, đầu tư hệ thống hạ tầng logistics phục vụ nuôi biển công nghiệp trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sắp diễn ra Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh