Kinh tế

Tìm giải pháp khai thác tiềm năng, phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam

Minh Lý 25/11/2023 - 16:34

Sáng 25/11, tại thành phố Nha Trang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Diễn đàn trực tuyến “Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam”.

Cơ hội đầu tư nuôi biển công nghiệp và chế biến thủy sản

Hội nghị được tổ chức với mong muốn là “cầu nối” để các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các bên liên quan cùng nhau đánh giá, nhìn nhận thực trạng tổng quan của nuôi biển hiện nay, từ con giống, thức ăn, vật tư, kỹ thuật nuôi, công nghệ đến chế biến, tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và hợp tác quốc tế…; từ đó đưa ra các giải pháp phát triển nuôi biển công nghiệp, đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp xác định cơ hội đầu tư nuôi biển công nghiệp và chế biến thủy sản trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), năm 2022, diện tích nuôi biển của nước ta đạt hơn 256.000ha, sản lượng đạt gần 750.000 tấn; năm 2023, sản lượng có thể đạt gần 800.000 tấn.

Diện tích vùng biển Việt Nam có trên 1 triệu km2, trong khi đó diện tích nuôi biển mới chỉ chiếm khoảng hơn 20% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước. Nuôi biển còn rất nhiều dư địa để phát triển, nhưng đến nay vì nhiều lý do cả chủ quan và khách quan nên nuôi biển chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế tự nhiên vốn có.

Ngành nuôi biển vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là phát triển nuôi biển công nghiệp như: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch nuôi biển chưa tốt; hoạt động nuôi tự phát, phá vỡ quy hoạch còn phổ biến dẫn đến ô nhiễm môi trường; tiêu thụ sản phẩm khó khăn, khó phát triển đồng bộ.

Công nghệ sản xuất giống, quản lý sức khỏe và môi trường vùng nuôi; phòng trị bệnh trên đối tượng nuôi còn nhiều hạn chế; hạ tầng phục vụ nuôi biển công nghiệp; phát triển công nghiệp hỗ trợ; công nghệ thu hoạch và vận chuyển; công nghệ chế biến và phát triển thị trường...

thu-truong-bo-nnptnt-phung-duc-tien-pho-chu-tich-ubnd-tinh-khanh-hoa-tran-hoa-nam-tong-bien-tap-bao-nong-nghiep-viet-nam-nguyen-ngoc-thach-chu-tri-hoi-nghi..png
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Hòa Nam, Tổng Biên tập báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch chủ trì hội nghị.

Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT đã ban hành nhiều chính sách, chương trình để thúc đẩy nuôi biển phát triển. Nhờ vậy, một số bộ phận hỗ trợ ngành công nghiệp nuôi biển đã bước đầu được hình thành ở Việt Nam như: Hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung; công nghiệp phụ trợ (thức ăn, thiết bị nuôi); công nghiệp chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ…

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ, mặc dù có nhiều khó khăn trong hai năm vừa qua, nhưng có thể nói ngành thủy sản vẫn đứng vững. Hết tháng 10.2023, sản lượng đã đạt 7,4 triệu tấn, tăng trưởng trên 3%, trong khi đó năm 2022 lĩnh vực thủy sản đã tăng trưởng 4,88%, trở thành một trụ cột quan trọng trong tăng trưởng của ngành nông nghiệp (với tỷ trọng gần 30%).

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, nuôi biển là một lĩnh vực có rất nhiều tiềm năng với diện tích mặt biển trên 1 triệu km2, do đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030. “Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định 1664 đặt mục tiêu sản lượng thủy sản đến năm 2025 đạt 800.000 tấn; nhưng hết năm 2022, chúng ta đã đạt được 740.000 tấn và sẽ sớm về đích mục tiêu 800.000 tấn”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.

Hiện nay nuôi biển đã hình thành được một số vùng nuôi công nghiệp, giống cũng phong phú và đó là những tiềm năng cần được khai thác trong bối cảnh mới, cụ thể làm giảm khai thác, tăng nuôi trồng theo chuỗi khép kín.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nêu ra một số vấn đề của nuôi biển hiện nay, như về giống còn chưa chủ động, giống giả, kém, không rõ nguồn gốc, nhập lậu còn nhiều. Về thức ăn, vẫn dùng cua, cá là chính gây ô nhiễm môi trường... Bên cạnh đó, quy mô nuôi còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có quy hoạch tổng thể, điều này tạo ra khó khăn cho giao mặt nước biển. Chưa kể, thu hoạch, chế biến cũng chưa tạo ra giá trị giá tăng lớn.

Một vấn đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm - đó là vấn đề xuất khẩu tôm hùm sang thị trường Trung Quốc, sau khi Chính phủ nước này có những quy định mới về nhập khẩu tôm hùm. Về vấn đề này, Thứ trưởng đề cập đến các yêu cầu các đơn vị liên quan cần tập trung nghiên cứu và tháo gỡ.

Theo đó, yêu cầu chuyển từ nuôi trồng, khai thác hải sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao; thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững... Mục tiêu đưa nghề cá trở nên bền bỉ trong phấn đấu, hiện đại trong sản xuất, nâng tầm trong hội nhập và tăng tốc trong xuất khẩu.

Cần có giải pháp cho nuôi biển, nuôi tôm hùm một cách bền vững

Theo Trưởng phòng Giống và Thức ăn thủy sản, Cục Thủy sản Trần Công Khôi, diện tích nuôi trồng nhuyễn thể là lớn nhất với 57.000ha, 1 triệu m3 lồng bè, sản lượng đạt 480.000 tấn. Diện tích nuôi cá biển khoảng 11.000ha và 4 triệu m3 lồng, sản lượng 65.000 tấn. Thể tích lồng nuôi tôm hùm khoảng 4 triệu m3 lồng, sản lượng 2.500 tấn. Tổng số cơ sở nuôi biển thống kê chưa đầy đủ tính đến hết năm 2022 khoảng 7.447 cơ sở với 248.768 lồng/bè.

Về phục vụ nuôi biển, có 764 cơ sở sản xuất thức ăn cho nuôi biển, trong đó có hơn 100 cơ sở sản xuất thức ăn hỗn hợp, chiếm hơn 20%. Tổng sản lượng thức ăn hỗn hợp là khoảng 35.000 tấn trong khi thức ăn tươi sống khoảng 46.000 tấn.

Tôm hùm giống đang phụ thuộc nhiều vào nguồn tôm nhập khẩu từ Indonesia, Philippines, Myanmar, Sri Lanka, Singapore. Năm 2022, số lượng con giống nhập khẩu 81 triệu con; 6 tháng đầu năm 2023, 59 triệu con. Việc nhập khẩu tôm hùm giống cũng gặp một số khó khăn như một số nước ở một số thời điểm cấm xuất khẩu nên nguồn cung thiếu ổn định.

Một số ý kiến cho rằng, hiện thức ăn cho tôm hùm hoàn toàn là đồ tươi sống, gồm các loài cá tạp, nhuyễn thể, cua ghẹ… điều này gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh và không ổn định, khó kiểm soát nguồn cung cấp. Trong khi đó, thức ăn công nghiệp chỉ phục vụ nuôi tôm trong bể; chưa phù hợp nuôi lồng biển. Dù thức ăn công nghiệp giúp kiểm soát được dịch bệnh, môi trường song mới chỉ có thể triển khai được ở quy mô nhỏ…

Vì vậy để đảm bảo cho việc nuôi và xuất khẩu tôm hùm, về lâu dài chúng ta cần có giải pháp cho nuôi biển, nuôi tôm hùm một cách bền vững, quản lý chặt chẽ về chất lượng, truy xét nguồn gốc cũng như đảm bảo về nguồn thức ăn công nghiệp phục vụ nuôi biển…

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, để ngành nuôi biển phát triển bền vững, chúng ta cần phải hướng tới công nghiệp với công nghệ tiên tiến, quy hoạch chặt chẽ, phương thức quản lý hiện đại; Phát triển nuôi biển cả trong vùng ven bờ, trên vùng biển xa bờ, ngoài khơi xa và cả trên bờ, phát huy đa dạng sinh học của vùng nhiệt đới;

Tích hợp nguồn lực kinh tế kỹ thuật các ngành dầu khí, đóng tàu, vận tải biển, cơ khí chế tạo, du lịch, tự động hóa với nuôi trồng và chế biến hải sản; Các hệ thống nuôi phải có công nghệ hòa hợp với môi trường, không gây hại cho hệ sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững; Sử dụng hợp tác quốc tế như phương thức chính thu hút công nghệ tiên tiến, nguồn vốn và thị trường; Đội ngũ cán bộ quản lý và công nhân chuyên nghiệp, được đào tạo, trang bị tốt và quản lý tốt…

xuat-khau-tom-hum..png
Tôm hùm xuất khẩu.

Về tháo gỡ khó khăn cho thị trường tôm hùm, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trong thời gian chờ phía Trung Quốc cung cấp thông tin, biểu mẫu đăng ký mới, Cục Thủy sản phối hợp các địa phương tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi giá trị tôm hùm thực hiện nghiêm quy định của Luật Thuỷ sản năm 2017, điều kiện về nuôi trồng thuỷ sản;

Xác nhận đăng ký nuôi lồng bè; cấp phép nuôi trồng thuỷ sản trên biển; xác nhận nguồn gốc loài thủy sản thuộc phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp và loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm có nguồn gốc từ nuôi trồng đối với tôm hùm bông nuôi.

Sau khi phía Trung Quốc cung cấp đủ thông tin và biểu mẫu đăng ký mới, tổ chức thực hiện rà soát, thẩm tra và hoàn thiện danh sách các cơ sở cơ sở nuôi tôm hùm bông xuất khẩu sang Trung Quốc đáp ứng các quy định của Việt Nam và Trung Quốc chuyển Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường để gửi cho phía Trung Quốc.

Bên cạnh đó, phối hợp với Cục Thuỷ sản và các đơn vị liên quan đề xuất và đưa vào kế hoạch ưu tiên các chương trình, dự án nghiên cứu khoa học đồng bộ phục vụ phát triển nuôi biển, đặc biệt là nuôi biển công nghiệp; tổ chức nghiên cứu hướng tới khép kín chuỗi giá trị tôm hùm trong môi trường nhân tạo. Nghiên cứu, đưa vào thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển nuôi biển công nghiệp.

Đẩy mạnh nghiên cứu, dự báo thị trường tiêu thụ sản phẩm nuôi biển trong nước và trên thế giới; khẩn trương xử lý vấn đề xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc một cách căn cơ.

“Phải đảm bảo công nghệ, có giải pháp chế biến sản phẩm, định hướng về cơ chế, chính sách để thức đẩy doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào nuôi trồng, chế biến thủy hải sản theo hướng bền vững, đáp ứng yêu cầu của Luật Thuỷ sản và phù hợp với nhu cầu của thị trường…”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm giải pháp khai thác tiềm năng, phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam