Sáng nay, 12/11, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan sẽ chính thức khai mạc theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo 10 nước ASEAN tại các đầu cầu mỗi nước.
Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự kiến sẽ đến dự phát biểu chào mừng hội nghị.
Lãnh đạo cấp cao 10 nước thành viên ASEAN, Tổng thư ký ASEAN, đại diện đoàn ngoại giao các nước, các tổ chức quốc tế tại Hà Nội và đại diện các bộ, ban, ngành của Việt Nam dự sự kiện.
Sau phiên khai mạc, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ họp phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN 37.
Đây là hội nghị cấp cao cuối cùng của năm ASEAN do Việt Nam chủ trì tổ chức trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, là dịp để ASEAN đánh giá một cách tổng thể những kết quả hợp tác trong cả năm, trong cả công tác hoạt động nội khối cũng như các hợp tác với các đối tác, đề ra những định hướng ưu tiên cho giai đoạn tiếp theo.
Theo chương trình dự kiến, sẽ có 20 hoạt động ở cấp cao. Đây cũng là dịp duy nhất trong năm mà lãnh đạo ASEAN họp với lãnh đạo hầu hết các đối tác quan trọng của ASEAN như các hội nghị cấp cao ASEAN+1 với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Liên Hợp Quốc, Australia và cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ đối tác ASEAN-NewZeland, Hội nghị cấp cao ASEAN+3 lần thứ 23, Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản và Mekong-Hàn Quốc.
Sau phiên họp toàn thể cấp cao ASEAN vào hôm nay, sẽ có lễ công bố kết quả đánh giá giữa kỳ, kế hoạch tổng thể thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và Phục hồi tổng thể ASEAN. Cùng với đó là lễ công bố lập kho dự phòng vật tư y tế ASEAN để ứng phó với các tình huống y tế khẩn cấp.
Tại cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 23, ASEAN và Nhật Bản sẽ công bố kế hoạch thành lập Trung tâm ASEAN về các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi với sự hỗ trợ của Nhật Bản.
Ngoài ra, trong khuôn khổ đợt hội nghị lần này, lần đầu tiên sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh lãnh đạo nữ ASEAN dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại diện lãnh đạo 10 nước ASEAN và lãnh đạo của nhà nước, lãnh đạo chính phủ các nước ASEAN với chủ đề “vai trò của phụ nữ trong xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết năng động, bền vững và bao trùm trong thế giới hậu COVID-19”. Đại diện cho lãnh đạo nữ Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ tham dự và phát biểu.
Các hoạt động khác được tổ chức trong khuôn khổ các hội nghị cấp cao lần này có phiên đối thoại với đại diện Hội đồng Kinh doanh Đông Á, lễ khởi động chuỗi logistics công nghệ cao ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh đầu tư và kinh doanh ASEAN.
Tại các hội nghị cấp cao ASEAN và với các đối tác, các nhà lãnh đạo sẽ tập trung trao đổi bốn nội dung chính: Một là, về đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng, giữ vững đà hợp tác ASEAN, vượt qua khó khăn, thách thức. Hai là, việc mở rộng và làm sâu sắc quan hệ giữa ASEAN và các đối tác, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN và nâng tầm vị thế quốc tế của ASEAN. Ba là, kiểm soát hiệu quả và từng bước đẩy lùi dịch COVID-19, tích cực khắc phục hậu quả dịch bệnh và thúc đẩy phục hồi. Thứ tư, trao đổi vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Về văn kiện của hội nghị, dự kiến các nhà lãnh đạo sẽ thông qua ghi nhận và công bố hơn 80 văn kiện tại hội nghị lần này. Đây là số lượng văn kiện nhiều nhất từ trước tới nay.
Trong số hơn 80 văn kiện này, điều đáng chú ý là văn kiện quan trọng, đề xuất của nước Chủ tịch Việt Nam được các nước ASEAN và các đối tác ủng hộ: Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, Tuyên bố Hà Nội về Tăng cường công tác xã hội hướng đến một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, Tuyên bố của các Nhà Lãnh đạo ASEAN+3 về Tăng cường năng lực tự cường kinh tế-tài chính trước các thách thức nổi lên; Tuyên bố của các Nhà Lãnh đạo EAS kỷ niệm 15 năm hình thành Cấp cao Đông Á và Tuyên bố EAS về Hợp tác biển bền vững.
Lễ bế mạc Hội nghị và chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN sẽ diễn ra vào lúc 14h ngày 15/11. Lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch chỉ là bước thủ tục, còn trên thực tế, Việt Nam sẽ tiếp tục đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN đến hết ngày 31/12/2020.
Trước đó, chiều ngày 11/11, Ban tổ chức cho biết, mọi khâu chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất. Với kinh nghiệm dày dạn và hạ tầng công nghệ hiện đại trong việc tổ chức các hội nghị trực tuyến quan trọng của ASEAN trong suốt năm qua, chất lượng đường truyền, hình ảnh và âm thanh được đảm bảo thông suốt ổn định.
Công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã được triển khai tích cực, thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành. Về tác nghiệp của phóng viên tại hội nghị, Phòng báo chí của Hội nghị tại Trung tâm Hội nghị quốc tế mở từ ngày 9-15/11, với số lượng phục vụ khoảng 300 phóng viên. Hình ảnh về các hội nghị sẽ được cung cấp miễn phí cho các cơ quan báo chí trong và ngoài nước.
Kiểm tra công tác chuẩn bị, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra, “theo sát tình hình, không lơ là trong công việc”, làm sao Hội nghị đạt kết quả tốt nhất, nâng cao uy tín của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN. Thủ tướng lưu ý, không để xảy ra sơ suất, trục trặc, từ khâu kỹ thuật, lễ tân, phục vụ đến nội dung.