Sài Gòn tang chế ký sự (Kỳ 1): Cay cực đời họ đạo

Kiến Giang (Công lý và Xã hội)| 01/11/2013 15:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong vô số dịch vụ tiễn đưa người đã khuất, họ đạo là nghề cực nhọc nhất. Nhưng đó chỉ là phần nổi...

LTS: Sài Gòn mỗi năm có chừng 40 ngàn người chết, nhẩm sơ sơ, mỗi ngày có gần 110 con người vĩnh biệt thành phố sang bên kia thế giới. Tổ chức đám ma, an táng cho người chết đang là một dịch vụ nở rộ dưới nhiều hình thức và từ lâu đã trở thành một cái “nghề” rất nghiêm túc của nhiều người. Ròng rã tháng trời theo chân những người làm nghề mai táng, phóng viên đã tiếp cận được cái nhìn toàn cảnh về ma chay Sài thành và cả những bi hài nghề nghiệp cùng góc khuất trong số phận của nghề “sống nhờ người chết”.

“Họ đạo” là thuật ngữ giới trong nghề mai táng gọi những người phu khiêng hòm. Trong vô số dịch vụ tiễn đưa người đã khuất, họ đạo là nghề cực nhọc nhất. Nhưng đó chỉ là phần nổi. Còn nhiều nỗi cay cực khác mà người ngoài khó có thể hình dung hết.

Nhiều ngày lân la thuyết phục, tôi được ông chủ Chiêu của trại hòm Công Thọ (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho nhập vai họ đạo. Đúng hẹn, ông chủ Chiêu gọi điện thoại cho tôi đến nhận đồng phục, bắt đầu gia nhập đội quân họ đạo. Hôm ấy có hai đám trùng lịch, người chết đều được mang đi thiêu. Tôi được tự do lựa chọn một trong hai điểm đến: Bình Hưng Hòa hoặc lò thiêu ở Dĩ An.

Đêm trắng họ đạo

Chưa đến 3 giờ sáng, đèn đường hiu hắt trước trại hòm mờ tỏ trên đường Phan Đăng Lưu, Q.Bình Thạnh. Vài chục họ đạo nườm nượp bên quán cà phê, khói thuốc trắng ngắt, đặc quánh cả một vùng. Phía trước quán, hai chiếc xe tang đợi sẵn chờ đến giờ xuất phát. Còn hơn một giờ đồng hồ nữa mới đến giờ động quan (đưa quan tài đi), những gương mặt đờ đẫn thi nhau ngáp vặt. Thấy “lính mới”, một người đàn ông đứng tuổi đến bắt chuyện: “Mới vô hả? Suy nghĩ kỹ chưa mà chọn nghề này?”. Tôi thoáng chút khó hiểu, ông vỗ vai nói luôn: “Nghề này thức đêm ngủ ngày, cực khổ lắm. Đã vô rồi khó có đường trở ra lắm”. Ông giới thiệu tên là Diện, 56 tuổi, nhà ở Hóc Môn. Vì ở xa nên mỗi khi có lệnh gọi của trại hòm, ông phải đi trước từ nhiều giờ đồng hồ. Công việc mai táng bắt đầu từ rạng sáng cho đến chiều hôm sau. Ông chỉ kịp về nhà tắm rửa, giấc ngủ ngày chập chờn ngắn ngủi, đến tối đã có điện thoại đi đám khác. Ông làm họ đạo từ năm 21 tuổi và chưa biết bao giờ mới được “nghỉ hưu”.

Sài Gòn tang chế ký sự (Kỳ 1): Cay cực đời họ đạo

Họ đạo lên đường khiêng xác

Tôi quan sát nhiều họ đạo khác xung quanh, tất cả đều luống tuổi, đặc biệt họ có điểm chung: những đôi mắt thâm quầng, những ngón tay vàng đục vì nghiện thuốc lá nặng. Họ đạo không thuộc biên chế của bất cứ trại hòm nào, là nghề tự do. Mỗi lần có đám mới được các chủ trại hòm gọi, tiền công tính theo từng đám, không hề có lương tháng, bảo hiểm hay bất cứ gì khác. Nhà Ông Diện nhiều miệng ăn, sinh hoạt học hành con cái nhờ cả vào việc khiêng xác chết. “Làm cái nghề này chỉ đủ sống, chẳng bao giờ khá lên được, lại rước đủ thứ bệnh vào người” - ông nói. Ngoài thức khuya dậy sớm, nghề họ đạo lắm lúc cũng lang bạt kỳ hồ. Nhiều đám ở miền Tây, miền Đông, ngoài miền Trung hay xa tít Hà Nội, Lạng Sơn... phu hòm đều phải đưa đi. Đó là những cuộc hành xác thật sự. Họ đạo ngồi chung quanh quan tài, vắt vẻo trên rồng (thực chất là xe tải có trang trí phụ kiện đám ma) chạy như bay. Mỗi chuyến đi dài ngày như vậy, dân họ đạo cứng người ê ẩm, suy nhược nặng vì mất ngủ.

“Ngán nhất là những đám ở Miền Tây. Đám chôn trên đất ruộng nhão nhoét. Họ đạo khiêng quan tài đi trên đất bùn ngập gần đến nửa thân người, phải lê từng bước” -anh Trung, một họ đạo ngoài 40 tuổi nói. Anh tếu táo kể có lần đám ở Long An, bùn nhiều quá lem hết cả bộ đồng phục. Chiếc quần họ đạo rộng trễ xuống dẫm phải đè luôn xuống bùn. Họ đạo quá nửa “mất quần” nhưng chịu phải mặc quần đùi khiêng tiếp, vì trên vai là quan tài nặng quá cỡ, không thể dừng lại được. Nhà anh Trung ở Gò Vấp, một vợ hai con tất cả đều trông chờ vào tiền công làm họ đạo của anh. Họ đạo thường được chia theo nhóm, thường là 10 người hoặc nhiều hơn. Đám nào giàu có, dùng quan tài nặng và đắt tiền có khi phải 20 người khiêng.Tiền công thường được chủ trại hòm trả 100 ngàn đồng/người/đám. Ngoài ra, họ còn được chia tiền “dán đầu hòm”. Đó là tiền gia chủ thường dán tiền lên đầu quan tài coi như tạ ơn người khiêng hòm. Khoản này được chia đều cho các họ đạo. Thường là một triệu, đám giàu dán nhiều hơn, nghèo thì ít đi. Có đám nghèo quá, dán đầu hòm được 100 ngàn, chia không được thì mua lít rượu đế, vài cái đầu cổ vịt cùng rau gỏi làm bữa nhậu coi như là “thành quả”. “Nghề này toàn tiếp xúc với xác chết, phải uống rượu, uống nhiều đâm nghiện, chẳng họ đạo nào không nghiện rượu” -anh Trung nói.

Tiếp xúc nhiều họ đạo, tôi mới biết, thì ra việc “ăn chia” tiền dán đầu hòm cũng có những luật lệ riêng. Đối với trại hòm người Việt, một nhóm họ đạo chừng 10 người có một nhóm trưởng chỉ đạo việc khiêng hòm. Tiền dán đầu hòm chia đều nhau. Nhưng đối với đám ma người Hoa ở khu Chợ Lớn thì nhóm trưởng lấy hết 40% tiền, còn lại chia đều ra nhiều suất, trong đó nhóm trưởng cũng có suất, tiền đến tay họ đạo không còn được bao nhiêu. Mỗi tháng có khi họ đạo đi khiêng 30 đám, tiền thu nhập trung bình 6 triệu đồng/người. Nghe qua thì có vẻ không tồi nhưng trừ lá cà phê, tiền ăn nhậu, tiền mang về cho vợ không được phân nửa. “Tháng nào ít đám, không có tiền, phải chạy vạy khắp nơi vay mượn tiền lo cho vợ con. Chờ đến khi có đám mới tính tiếp” -anh Trung tâm sự.

Sinh nghề tử nghiệp

Chủ trại hòm vừa phát lệnh lên đường. Tôi cùng hơn chục họ đạo khác lên xe rồng hướng đến một con hẻm ở Q.Bình Thạnh để thỉnh quan tài mang xuống lò thiêu ở Dĩ An. Sau nhiều hồi khấn nguyện, lễ nghi, một người lớn tuổi nhất trong nhóm họ đạo đảm nhận vai trò “cai quan” điều hành lễ rước quan tài, đường bệ trong bộ quan phục. Cai quan lạy xong, họ đạo vào việc. Chiếc quan tài từ từ được dời đi, lướt nhẹ nhàng trên lưng họ đạo một cách thuần thục. Chiếc quan tài len qua con hẻm hẹp rồi được đặt lên xe tang chờ sẵn nơi đầu hẻm. Họ đạo từng người thoăn thoắt nhảy lên xe, ngồi cạnh quan tài. Chiếc xe bắt đầu lăn bánh, sáng Sài Gòn đặc quánh, hàng ngàn ánh mắt đổ dồn vào xe rồng nơi đội quanh họ đạo vắt vẻo lắc lư cạnh quan tài, theo từng nhịp rồ ga, xốc lên xốc xuống. Anh Trung kêu tôi ngồi cạnh, lại rút thuốc. Đôi môi đen sì khói thuốc của người họ đạo thi thoảng lắm mởi nở được một nụ cười chua chát. “Làm nhiều rồi quen. Vất vả cực khổ chịu được hết nhưng buồn tủi, cô đơn thì không mấy người chịu được” -anh nói. Đã vào nghề họ đạo thì phải chấp nhận ít, thậm chí không có bà con. Hơn chục năm làm họ đạo anh không biết mặt anh em ruột thuở trước. Họ tránh mặt vì coi anh là điềm gỡ. “Nhiều lúc anh em bà con đổ bệnh mình cũng không được vào thăm. Mình đến lại sợ họ nói mình trù hẻo, trông cho họ chết” -anh nói trong giọng khản đặc đứt quãng. Tôi thoáng thấy trong ánh mắt đục ngầu có một vệt buồn rưng rức. Tôi cũng buồn. Vì cái nghề nghĩa hiệp và cao quý như vậy vào mắt người đời không lẽ lại cay nghiệt đến thế? Rồi lại mông lung rằng ai trong đời rồi cũng có lúc nằm xuống, nếu không có những con người này, ai sẽ tiễn người chết sang bên kia thế giới một cách trịnh trọng đàng hoàng?

Sài Gòn tang chế ký sự (Kỳ 1): Cay cực đời họ đạo

Họ đạo khiêng hòm, bên trên là tiền dán đầu hòm, một phần trong thu nhập ở mỗi đám ma

Mót, chàng họ đạo 22 tuổi, trẻ nhất trong đoàn vỗ vào vai, lôi sượt tôi ra khỏi dòng suy tưởng. Mót bảo, ít người trẻ chọn cái nghề bạo bẽo này như cậu, chỉ người già mới chịu làm. Cha Mót trước cũng làm họ đạo, duyên cớ thế nào mà truyền lại rồi ứng vào cậu, cha truyền con nối đúng nghĩa. Mót kể cậu đi làm họ đạo từ năm 16 tuổi, nhiều lần nghỉ việc di làm tài xế, bảo vệ. Nhưng chịu. Không có công việc nào suôn sẻ, luôn bất trắc cuối cùng phải quay lại làm họ đạo. Làm riết rồi đâm “yêu” nghề, chỉ khi khiêng xác chết cậu mới cảm thấy hăng say, mới thấy vui vẻ trong lòng. Tôi hỏi chuyện gia đình riêng, Mót nhoẻn miệng cười chua chát: “Làm phu khiêng xác đứa nào dám ưng? Mấy ông kia khôn lắm, cưới vợ rồi mới đi làm họ đạo. Vậy mà vẫn có người bị vợ bỏ vì sợ lây tử khí. Hỏi chi thêm buồn”. Nhìn thấy ánh mắt Mót, tôi biết cậu nói thật. Lại quặn lòng vì quá nhiều lời nguyền vô lý như những làn khói lởn vởn bám quanh những con người thật thà, dễ mến.

7 giờ sáng, xe đến lò thiêu Dĩ An (Bình Dương) đã thấy trong ngoài nêm chặt hơn chục chiếc xe tang khác. Đợi mấy tiếng đồng hồ mới đến lượt khổ chủ vào lò thiêu. Hôm ấy là ngày đẹp theo lịch âm nên có rất nhiều đám mai táng. Đến lượt đám của trại Vạn Thọ, từ xe tang, chục họ đạo lại nhẹ nhàng uyển chuyển khiêng quan tài lách qua rừng người đông nghẹt đặt lên bục trong nhà mai táng. Không khí nặng nề, đặc quành mùi nhang khói, mùi lò thiêu khét lẹt. Sau hồi tụng niệm của sư chùa, nhân viên lò thiêu nhấn nút, chiếc quan tài to đùng chìm dần xuống từ từ rồi tự động chuyển vào lò thiêu trong tiếc khóc, tiếng gào thét của thân nhân.

Ngày họ đạo kết thúc, chiếc xe tang lăn bánh nhằm hướng Sài Gòn. Họ đạo mệt lử, kẻ ngồi người nằm ngay trên chỗ lúc nãy vừa đặt quan tài. Về đến trại hòm đã gần trưa. Họ lặng lẽ tản đi, chẳng còn nhiều chuyện trò. Trước mắt sẽ là một giấc ngủ ngày ngắn ngủn và nặng nề. Sau đó có thể là vài chén rượu trắng để lấy lại sinh lực. Chờ đến giữa đêm, những con người ấy lại tụ mặt cà phê trước cửa trại hòm, chờ đưa người khác sang bên kia thế giới...

Kỳ tới: Chuyện người bốc mộ và trang điểm cho người chết

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sài Gòn tang chế ký sự (Kỳ 1): Cay cực đời họ đạo