Không hoa lệ như Sài thành. Không phóng khoáng như Phú Quốc, Nha Trang. Không trầm mặc như Hội An. Sa Pa vừa ấm áp, thênh thang, vừa như một bí mật ai cũng muốn gói ghém. Chỉ hỏi nhỏ: "Sa Pa không?", là người ta khấp khởi lên đường.
Để nói thật ngắn gọn về Sa Pa, thì đó là một miền đất đầy mê hoặc. Thời gian trôi qua không khiến Sa Pa cũ kĩ đi, nhạt nhòa hay nhàm chán đi, mà chỉ phủ lên Sa Pa lớp lớp những trải nghiệm, những màu sắc ngày càng hấp dẫn. Từ một thị trấn nhỏ bình dị nép giữa núi non điệp trùng của tỉnh Lào Cai, Sa Pa đã vươn mình khỏi những dãy núi biếc xanh để vượt ra ngoài thế giới rộng lớn, được quốc tế biết đến là nơi sở hữu "Điểm du lịch văn hóa hàng đầu thế giới", “Điểm du lịch có thắng cảnh thiên nhiên hấp dẫn hàng đầu thế giới” do World Travel Awards vinh danh, được "điểm mặt, biết tên" bởi nhiều báo chí uy tín trên thế giới như CNN, Rough Guides... như là một điểm đến hấp dẫn không thể bỏ qua tại Việt Nam.
Và có lẽ nhiều người tự hỏi, điều gì khiến một miền đất nhỏ bé như Sa Pa, bình dị như Sa Pa, lại có hấp lực đến thế?
Bồng bềnh, bồng bềnh mây trắng...
Đó là những hình ảnh đầy thi vị mở đầu bài hát về Sa Pa 10 năm về trước. Sa Pa ngày hôm nay, vẫn lãng du mây vờn sương tỏa, vẫn mênh mang điệp trùng xanh thẳm Hoàng Liên, nhưng giới trẻ gọi nơi này bằng một cái tên dễ thương khác: Thành phố trong mây.
Đến Sa Pa, người ta được thả mình tự do phiêu lãng trong "thiên nhiên" thực sự. Những dãy núi điệp trùng xanh mướt mải quanh năm, những thửa ruộng bậc thang trải dài miên man như tới tận chân trời, thung lũng Mường Hoa đựng cả nắng, cả gió, khi vàng óng, lúc trong veo màu của đất trời, làng bản.
Những năm gần đây, khi cáp treo Fansipan đi vào hoạt động, nối đất với trời, người ta cảm thêm nhiều cái đẹp vi diệu mà hùng vĩ của Sa Pa. Săn mây, “bắt” mặt trời đã trở thành một "mùa" riêng của dân xê dịch mê khám phá Sa Pa, và "thành phố trên mây" cũng trở thành điểm "phải đến nhiều lần trong đời" của cả khách phương xa và ở nhiều nước khác.
Sắc màu văn hóa bất tận
Sa Pa nhẹ nhàng là thế, nhưng ai đi cũng nhớ. Này là dập dìu váy xòe xúng xính trên những con đường núi cheo leo. Là tiếng khèn hoa réo rắt gọi bạn, chào Xuân. Là phiên chợ miền cao đủ đầy sản vật, nụ cười trắng ngần chào hỏi khách phương xa....
Sa Pa bình dị lắm, nhưng giàu có lắm. Đó không phải là một kiểu giàu của phồn hoa phố thị. Sa Pa giàu ở tầng tầng lớp lớp văn hóa bản địa đắp bồi qua hàng trăm năm. Như thể một bức tranh được nhiều đời nghệ nhân tô đắp, hòa hợp đến hoàn hảo trong cái chân chất của những người đồng bào Dao, Mông, tiệp với những mái nhà lúp xúp bên sườn núi, với những triền hoa rực rỡ quanh năm, để làm nên sắc màu Sa Pa bất tận mà càng khám phá, càng thấy say mê.
Đến Sa Pa ngày nay, dẫu đã có nhiều đổi khác, vẫn không khó để tìm thấy những nét văn hóa bản địa đặc trưng ở khắp mọi nơi. Thậm chí, nhiều người nói Sa Pa còn "Sa Pa" hơn trước, khi hàng loạt các lễ hội miền cao đặc trưng được tái hiện lại, từ Lễ hội khèn hoa, Hội Xuân mở cổng trời, đến lễ hội Hoa đỗ quyên, giải đua Vó ngựa trên mây,... quy mô hơn, đặc sắc hơn, "chất" hơn ngay chính nơi đây suốt bốn mùa.
Hành trình khám phá không ngừng cuốn hút
Thật vậy, Sa Pa không ngừng gây bất ngờ cho không chỉ du khách, mà còn chính người dân bản địa.
Một người đàn ông lớn tuổi Sa Pa đã thốt lên hạnh phúc, khi lần đầu tiên được chạm vào nóc nhà Đông Dương sau chuyến "xuyên mây" bằng cáp treo ở tuổi "gần đất xa trời", điều mà ông tưởng rằng sẽ không bao giờ lặp lại kể từ sau những tháng năm thanh xuân đi rừng ngày trai trẻ.
Một chàng trai người Mông hạnh phúc say mê múa khèn trước hàng nghìn du khách và người dân bản địa. Tiếng khèn đã gắn liền với người con của núi rừng từ thuở nhỏ, tưởng đã mai một, giờ được vút cao giữa núi ngàn, tới với khán giả đến từ bốn phương trời.
Sa Pa ngày nay là thế. Hôm nay khác hôm qua, và ngày mai lại hấp dẫn hơn hôm nay. Những hành trình cứ thế mở ra bất tận. Núi non hùng vĩ, thơ mộng không còn là "đặc quyền" của dân phượt sức dài vai rộng, người ta dễ dàng thưởng ngoạn Hoàng Liên Sơn hùng vĩ từ tàu hỏa leo núi Mường Hoa hay cáp treo Fansipan theo một cách rất thú vị. Mỗi độ Xuân về, cùng với bạt ngàn hoa đào, hoa tulip, cẩm tú cầu,... được khu du lịch dày công vun trồng, người người nô nức trẩy hội, lễ Phật trên quần thể tâm linh nơi đỉnh thiêng, chuyến vãn cảnh đầu xuân thêm nhiều phần ý nghĩa.
Và trải nghiệm cũng nâng lên tầm cao mới, khi Sa Pa có thêm những khách sạn 5 sao quốc tế như Hotel de la Coupole-MGallery. Sa Pa đã thoát khỏi tấm áo "du lịch giá rẻ" để vừa là một điểm đến du lịch văn hóa đặc sắc, lại vừa đặt những dấu chân ấn tượng lên bản đồ du lịch nghỉ dưỡng hạng sang trên thế giới.
Du lịch chuyển mình mạnh mẽ
Sa Pa đã thực sự thay áo, chuyển mình sang một trang mới rạng rỡ hơn. Sự bứt phá ấy nằm ở những tiềm năng dồi dào vốn có của vùng đất này, nhưng trên hết là ở cách những người làm du lịch đã đánh thức thị trấn buồn thành một thành phố trên mây sống động.
Sự chuyên nghiệp trong cách làm du lịch cùng tình yêu tha thiết dành cho mảnh đất đẹp Sa Pa đã khơi nguồn cho sức hấp dẫn mạnh mẽ ngày hôm nay. Cảnh quan Sa Pa rất khác, với những công trình, sản phẩm du lịch đẳng cấp, chất lượng ghi kỷ lục trong nước và trên thế giới, những tuyệt tác do con người kiến tạo nhưng tiệp vào thiên nhiên, như thể sinh ra từ núi non, từ mây trời. Con người Sa Pa rất khác, tươi mới hơn và tràn đầy nhựa sống, khi du lịch không chỉ còn là kế mưu sinh, mà đã trở thành đam mê cống hiến để làm đẹp cho quê hương, làng bản. Dịch vụ du lịch ở Sa Pa cũng khác, người du lịch bình dân hay du lịch sang chảnh, người ưa khám phá hay thích thư giãn, người yêu thiên nhiên hay thích trải nghiệm tâm linh, người già hay người trẻ,... đều tìm thấy cho mình những khoảng thời gian ngập tràn trải nghiệm và đủ đầy ở Sa Pa.
Và vì thế cảm nhận về Sa Pa cũng khác: mê hoặc đến từng phút giây. Giả như có 365 ngày trú ngụ tại Sa Pa, thì cũng không có khoảnh khắc nào trùng lặp. Bởi vì Sa Pa là để khám phá, là để nhớ thương...
Ảnh: Lê Việt Khánh, Hiệp Đình Yến, Tô Bá Hiếu.