Thời gian này, trên các tuyến phố chính ở thành phố Huế rộn ràng sắc màu cờ hoa mừng Đại lễ Phật đản – Phật lịch 2568. Diễn ra từ ngày 15 – 22/5 (nhằm ngày 8 – 15/4 âm lịch) với chuỗi sự kiện nghi lễ, lễ hội truyền thống Phật giáo đặc sắc trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Trải qua dặm dài lịch sử, Phật giáo không chỉ trở thành nền tảng tinh thần của cư dân xứ Huế mà còn được xem là một trong những thành tố quan trọng, tạo nên bản sắc văn hóa Huế.
Dấu ấn văn hóa Phật giáo đã in đậm và ăn sâu vào tâm thức mỗi người dân trên mảnh đất này, không chỉ được hiện hữu hóa cụ thể qua những ngôi chùa, niệm phật đường, hay những món ăn chay, mà còn được hiện diện qua hệ thống các lễ hội Phật giáo. Tiêu biểu trong số các lễ hội đó là lễ Phật đản.
Theo Ban Trị sự GHPGVN tỉnh TT-Huế, đây vừa là sinh hoạt tôn giáo nhằm tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của Phật giáo vì hòa bình nhân loại, kỷ niệm ngày sinh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, cầu nguyện Tổ quốc vinh quang, đạo pháp trường tồn, chúng sinh an lạc.
Theo đó, các hoạt động chính của đại lễ Phật đản gồm: Thiết trí lễ đài, trang trí 7 hoa sen trên sông Hương và các biểu tượng Phật giáo; treo cờ, phan, phướn, lồng đèn, biểu ngữ; thiết lập vườn Lâm Tỳ Ni; triển lãm về văn hóa Phật giáo, văn nghệ cúng dường, tụng kinh, tọa đàm, diễn giảng chánh pháp;
Đặt vòng hoa tưởng niệm tại đài Thánh tử đạo, nghĩa trang liệt sĩ; thăm viếng và tặng quà thân nhân Thánh tử đạo, các gia đình có công với nước, thương binh, các gia đình liệt sĩ, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật, mồ côi, trại dưỡng lão, bệnh viện...
Điểm nhấn của đại lễ Phật đản năm nay sẽ không tổ chức diễu hành xe hoa như mọi năm, thay vào đó sẽ tổ chức diễu hành thuyền hoa trên sông Hương.
Đội hình diễu hành thuyền hoa sẽ bao gồm 32 thuyền hoa được trang trí lung linh, diễu hành 3 đêm từ ngày 20 – 22/5.
Một số hình ảnh trên các tuyến đường Huế rực rỡ sắc màu chào mừng Đại lễ Phật đản: