Hòa chung không khí ngày tựu trường trên cả nước, sáng 5/9, tại các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên...đã tưng bừng diễn ra Lễ Khai giảng năm học mới 2023-2024.
Trong chiến lược xây dựng và phát triển đất nước, Đảng ta luôn coi giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu, không ngừng đầu tư, nâng cao chất lượng nhằm bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Năm học 2023 - 2024, với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng GDĐT”, toàn ngành Giáo dục đã khắc phục khó khăn, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra.
Hà Giang: Với phương châm "Dạy thật, học thật, thi thật, chất lượng thật”, trong những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch và triển khai các giải pháp phát triển giáo dục, trong đó tập trung duy trì sĩ số học sinh, tăng cường Tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số, đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Qua đó, chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực.
Tính đến 30/6, toàn tỉnh Hà Giang có 820 cơ sở giáo dục, 9.926 nhóm/lớp với trên 265.800 học sinh; trên 1.900 điểm trường; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia là 51,06%; trên 18.000 cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, nhân viên. Tính theo định mức thiếu trên 2.900 giáo viên, nhân viên. Tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học đạt 64,1%; tỷ lệ huy động học sinh 6 - 14 tuổi đến trường đạt 99,23%; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học hằng năm đạt từ 95 - 97%; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT ngày càng tăng.
Đề án Nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh Hà Giang giai đoạn 2023 - 2030, khẳng định sự quan tâm, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền tỉnh, triển khai nhiều giải pháp nỗ lực để nâng cao chất lượng giáo dục
Cao Bằng: Qua kiểm tra, đánh giá cho thấy, chất lượng các cấp học ngày càng nâng lên. Đối với bậc tiểu học, kết quả xếp loại chất lượng giáo dục lớp 1, 2, 3, có 28,52% học sinh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 75,25% hoàn thành tốt và hoàn thành nhiệm vụ, 1,32% chưa hoàn thành; khối lớp 4, 5, có 99,8% hoàn thành tốt và hoàn thành nhiệm vụ, 0,2% chưa hoàn thành.
Cấp THCS, kết quả rèn luyện lớp 6, 7 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có 84,2% đạt rèn luyện tốt, 13,9% xếp loại khá, 1,9% xếp loại đạt; kết quả xếp loại học lực khối 8, 9 (Chương trình giáo dục phổ thông 2006) có 14,98% học lực giỏi, 44,02% học lực khá. Cấp THPT, năm 2023, tỷ lệ tốt nghiệp toàn tỉnh đạt 96,02%.
Năm học 2023 - 2024, ngành GD&ĐT tỉnh Cao Bằng tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, tăng cường công tác phân cấp, phân quyền, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; tăng cường công tác chính trị đối với nhà giáo và học sinh, sinh viên; chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; hội nhập quốc tế trong giáo dục; đẩy mạnh chuyển sổi số; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành…
Thái Nguyên: Trong năm học vừa qua, ngành GD&ĐT đã triển khai và thực hiện có hiệu quả, đạt và vượt các mục tiêu đề ra trong năm và theo lộ trình, có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Ngành đã tiếp tục duy trì và giữ vững kết quả phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, chuẩn bị các điều kiện triển khai thực hiện phổ cập mầm non cho trẻ em mẫu giáo; duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và xóa mù chữ mức độ 2.
Tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục có thành tích tốt, với vị trí thứ 15 trong các tỉnh, thành của toàn quốc, tổng số có 53 học sinh đoạt giải, trong đó có 1 giải Nhất, 9 giải Nhì, 15 giải Ba và 28 giải Khuyến khích.
Năm học 2023-2024, ngành giáo dục tỉnh Thái Nguyên tiếp tục đề ra các mục tiêu cụ thể như: Thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển GD&ĐT, rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo chức năng quản lý nhà nước của ngành.
Tăng cường công tác chính trị đối với nhà giáo và học sinh, sinh viên, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành…
Tuyên Quang: Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2023 - 2024 toàn tỉnh có 460 trường học từ bậc mầm non đến THPT, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 55,7%, đội ngũ cán bộ, giáo viên có trên 13.000 người.
Về cơ bản, đội ngũ cán bộ, giáo viên và hệ thống cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu dạy học trong năm học mới. Những công trình xuống cấp đang được đầu tư xây mới hoặc sửa chữa, phấn đấu đưa vào sử dụng trong năm học mới. Ngoài nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh tăng cường vận động, huy động nguồn lực xã hội hóa để tăng cường đầu tư cơ sở, trang thiết bị, góp phần tạo động lực để nâng cao chất lượng trong thời gian tới.
Bắc Kạn: Theo Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nguyễn Ngọc Sơn, để chuẩn bị cho năm học mới 2023 - 2024, Sở đã duyệt kế hoạch phát triển giáo dục năm học 2023 - 2024; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, tập trung vào những nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông 2018; chỉ đạo rà soát, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, giáo viên cho phù hợp với nhu cầu và công tác phát triển giáo dục ở từng đơn vị, cơ sở; định hướng đối với các cơ sở giáo dục chủ động cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị để phục vụ cho năm học mới.
Lạng Sơn: Trong năm học 2023-2024, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục duy trì 670 đơn vị trường học; trong đó có 232 trường mầm non, 426 trường phổ thông, 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên... Thời gian qua, các trường học đang tích cực các khâu từ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đến việc ổn định đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, huy động học sinh ra lớp, sẵn sàng cho năm học mới 2023-2024.
Thực hiện yêu cầu của Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT các huyện, thành phố đã rà soát, chỉ đạo các trường thống kê danh mục sửa chữa, mua sắm trang thiết bị báo cáo phòng để nắm thông tin và tham mưu, trình UBND huyện, thành phố hỗ trợ kinh phí đầu tư, xây dựng, bổ sung trang thiết bị cho các trường.