Nhiều người bình phẩm như vậy về quyết định siết chặt quản lý Giấy đi đường của UBND TP Hà Nội, được ban hành tối Chủ nhật (ngày 8/8). Một văn bản rất… “hành chính”, một biện pháp làm “tăng cường tiếp xúc”, gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
“Đợi gần 4 tiếng để xin phường xác nhận giấy đi đường”; “Rồng rắn xếp hàng xin giấy phép đi đường”; “Ùn ứ xe cộ, chốt kiểm soát ở Hà Nội xả trạm”…, là những hệ quả ngay sau khi Văn bản 2562/UBND-KT, về việc siết chặt cấp và sử dụng Giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội, do Hà Nội ban hành được áp dụng.
Có thể vắn tắt lại hệ quả này bằng một câu: Suốt từ sáng đến đêm Thủ đô là những tiếng kêu than.
Kêu than vì một văn bản rất “hành chính”, một văn bản “đánh úp” vào tối Chủ nhật, khiến người dân, doanh nghiệp không kịp trở tay.
Kêu than vì chưa bao giờ, ra đường lại cần nhiều loại giấy tờ đến thế: Giấy đi đường, căn cước công dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Kêu than vì một văn bản hạn chế người ra đường, nhưng lại kéo theo hàng loạt anh giám đốc, chị hành chính phải ra khỏi nhà, tới văn phòng, lên UBND phường làm thủ tục, góp phần “tăng cường tiếp xúc”, gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Kêu than vì khi tới phường xin xác nhận, có doanh nghiệp phải chuẩn bị tới 7 loại giấy tờ: Phương án phòng chống dịch, Giấy phép kinh doanh, Văn bản của người đứng đầu về phân công nhiệm vụ cấp bách người trực, Công văn gửi UBND phường, Danh sách phân công trực, Bảng lương của đơn vị và Giấy đi đường của nhân viên.
Kêu than vì nó không đúng với tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 17/CT-UBND và Công điện số 18/CĐ-UBND của Thành phố: Giãn cách giữa người với người, gia đình với gia đình, "ai ở đâu ở nguyên đó".
Nếu tại các chốt kiểm soát ken kín người xe, tại UBND phường nơi những anh giám đốc, chị hành chính “rồng rắn” xếp hàng làm thủ tục có một ca dương tính với Covid-19, khi đó hậu quả sẽ như thế nào? Nó không chỉ đơn giản là việc cả hệ thống chính trị phải vất vả truy vết, cách ly, xử lý các sự cố mà còn ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới cuộc sống của không biết bao nhiêu gia đình.
Hà Nội – những ngày qua đã và đang rất cố gắng làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cả hệ thống chính trị thành phố đã vào cuộc, Chỉ thị 17 được triển khai một cách nghiêm túc, được người dân đồng tình, ủng hộ.
Song Hà Nội – tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp, khó lường, số ca trong cộng đồng còn tăng cao. Hà Nội – đâu đó vẫn còn những người chấp hành chưa nghiêm Chỉ thị 17 và Công điện số 18 của Thành phố, ra đường trong trường hợp không cần thiết, ảnh hưởng tới kết quả phòng, chống dịch.
Để giải bài toán này, Hà Nội cần có chế tài mạnh hơn nữa, cần tập trung xử lý các cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm, cố tình ra đường trong trường hợp không cần thiết; không phải phức tạp hóa vấn đề, “đẻ” thêm “giấy phép con”, ảnh hưởng tới những cá nhân, tổ chức đang chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch; góp phần “tăng cường tiếp xúc”, gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Hà Nội - ngay bây giờ cần sửa đổi, điều chỉnh hoặc thu hồi văn bản siết chặt cấp và sử dụng Giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội.