Quyền tư pháp chỉ do Tòa án thực hiện?

Tin và ảnh: Hoàng Ngọc| 10/11/2023 09:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Với quy định về quyền tư pháp bao gồm quyền xét xử, phán quyết các tranh chấp và một số quyền khác như quy định tại Khoản 1, Điều 3 của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), tại phiên thảo luận tổ chiều nay, 9.11, có ý kiến cho rằng, điều này có thể dẫn đến cách hiểu nội hàm quyền tư pháp chỉ bao gồm các quyền nêu trên và chỉ do Tòa án thực hiện.

Xác định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Tòa án

Thảo luận tại tổ 3 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn, Quảng Ngãi, Nghệ An, các ĐBQH bày tỏ nhất trí cao về việc cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, nhằm thể chế hóa các nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9.11.2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; phát huy thế mạnh và khắc phục tồn tại, hạn chế của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân hiện hành, đáp ứng đòi hỏi của tình hình, nhiệm vụ mới.

Quyền tư pháp chỉ do Tòa án thực hiện? -0
Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Kạn, Quảng Ngãi, Nghệ An thảo luận tổ chiều 9.11

Quan tâm đến quy định Tòa án thực hiện quyền tư pháp, ĐBQH Trần Thị Hồng An (Quảng Ngãi) nêu rõ, khoản 1, Điều 102 của Hiến pháp năm 2013 chỉ xác định Tòa án thực hiện quyền tư pháp, không phải là cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp và cũng không quy định về nội hàm quyền tư pháp. Với quy định về quyền tư pháp bao gồm quyền xét xử, phán quyết các tranh chấp và một số quyền khác như quy định tại khoản 1, Điều 3 của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) có thể dẫn đến cách hiểu nội hàm quyền tư pháp chỉ bao gồm các quyền nêu trên và chỉ do Tòa án thực hiện.

Dẫn khoản 3, Điều 2 của Hiến pháp năm 2013 quy định, “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”, đại biểu Trần Thị Hồng An cho rằng, quyền lực nhà nước được phân định thành ba nhánh và phân công cho các cơ quan khác nhau thực hiện, đồng thời có sự phối hợp lẫn nhau chứ không phải là phân lập từng nhánh quyền lực. Do đó, đại biểu đề nghị hết sức cân nhắc quy định về quyền tư pháp như trong dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), thay vào đó cần xác định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Tòa án để quy định cho phù hợp và có cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả.

Quyền tư pháp chỉ do Tòa án thực hiện? -0
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phát biểu

Từ thực tiễn hoạt động trong ngành tư pháp, ĐBQH Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi), ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nêu quan điểm, Điều 102 của Hiến pháp năm 2013 quy định: Tòa án là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 cũng dẫn lại quy định này của Hiến pháp năm 2013. Trong dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao đã đặt vấn đề làm rõ nội hàm quyền tư pháp, nhưng do còn nhiều ý kiến khác nhau nên khi trình Quốc hội, dự thảo Luật không quy định nội hàm quyền tư pháp, mà chỉ quy định Tòa án thực hiện quyền tư pháp bao gồm những việc gì; nội dung của Tòa án thực hiện quyền tư pháp. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy bày tỏ tán thành với hướng điều chỉnh mới của Tòa án nhân dân tối cao về quy định Tòa án thực hiện quyền tư pháp.

Tòa án không thu thập chứng cứ, bảo đảm khách quan trong xét xử

Nhất trí với quy định Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cũng cho rằng, việc Tòa án thu thập chứng cứ, sau đó xét xử dựa theo chứng cứ mình thu thập được, có thể dẫn tới việc không coi trọng nguồn chứng cứ do các cơ quan khác cung cấp, làm ảnh hưởng đến tính khách quan trong xét xử. Riêng đối với vụ án dân sự, do "việc dân sự cốt ở đôi bên", nên có thể cân nhắc, xem xét quy định Tòa án giúp những đương sự yếu thế trong xã hội thu thập chứng cứ nếu thấy cần thiết.

Đối với nội dung dự thảo Luật quy định bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, đại biểu Lương Văn Hùng cho rằng, trong quá trình xét xử, tuyên án, Tòa án đều giải thích pháp luật, làm rõ lý do áp dụng điều luật này thay vì điều luật kia. Hơn nữa, kết quả của hoạt động xét xử là ra bản án tuyên người có tội hay không có tội, tù hay không tù và tử hình hay không tử hình, có liên quan trực tiếp đến sinh mệnh và sinh mệnh chính trị của một con người. Do đó, đại biểu ủng hộ sự cần thiết luật hóa quy định giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyền tư pháp chỉ do Tòa án thực hiện?