PGS.TS. Đinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội đề cập nội dung trên, khi đưa ra những kiến nghị nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về TAND là cơ quan thực hiện quyền tư pháp.
Qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, hệ thống pháp luật về hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp và tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện theo đúng định hướng của Đảng về cải cách tư pháp.
PGS.TS. Đinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội đã chỉ ra những điểm đáng lưu ý liên quan đến tổ chức và hoạt động của TAND.
PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về những kết quả đạt được trong việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp ở nước ta từ phương diện lập pháp, nhất là liên quan đến công tác xét xử và tổ chức của hệ thống TAND?
PGS.TS. Đinh Xuân Thảo: Tôi nhận thấy, qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW (ngày 02/6/2005) về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, nhận thức của cán bộ, Đảng viên về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hoạt động tư pháp và cải cách tư pháp được nâng lên rõ rệt. Về phương diện lập pháp, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động tư pháp có nhiều tiến bộ.
Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành để cụ thể hóa mục tiêu, các định hướng cải cách tư pháp, quán triệt, thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực Nhà nước, bảo vệ công lý, quyền con người trong Hiến pháp 2013; hệ thống pháp luật về hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp và tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện theo đúng định hướng của Đảng về cải cách tư pháp.
Pháp luật tố tụng tư pháp cũng được đổi mới theo hướng kết hợp giữa tố tụng thẩm vấn và tố tụng tranh tụng nhằm tăng tính dân chủ, minh bạch trong hoạt động tư pháp, tạo điều kiện để cá nhân, tổ chức tiếp cận công lý thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó, pháp luật về tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp từng bước được kiện toàn theo hướng xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức được giao thực hiện các hoạt động tư pháp; tăng thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện; mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với các khiếu kiện hành chính; chất lượng hoạt động tư pháp đã được nâng lên.
Pháp luật về tổ chức và hoạt động của TAND, VKSND cùng các đạo luật về tố tụng đã kịp thời thể chế hóa các quy định của Hiến pháp 2013 về TAND, VKSND và các quan điểm về cải cách tư pháp.
Theo đó, Tòa án là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Bảo đảm nguyên tắc độc lập xét xử, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử của Tòa án.
Những kết quả nêu trên đã góp phần xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc theo mục tiêu nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
PV: Chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện cải cách tư pháp từ phương diện lập pháp như thế nào để phát huy được các mục tiêu đã đề ra ở Nghị quyết 49, đặc biệt là đối với hệ thống TAND, thưa ông?
PGS.TS. Đinh Xuân Thảo: Nước ta đang trong thời kỳ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, quy định của Hiến pháp 2013 và kết quả tổng kết thực tiễn 15 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW; Kết quả tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Đảng, việc tiếp tục thực hiện cải cách tư pháp từ phương diện lập pháp cần bắt đầu từ sửa đổi Hiến pháp năm 2013.
Hiến pháp 2013 đã xác định “TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp; có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Theo đó, nhiều nội dung quan trọng về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Tòa án cũng đã được bổ sung, sửa đổi và đã được cụ thể hoá trong Luật Tổ chức TAND năm 2014.
Bên cạnh đó, Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị khoá IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đề ra một số nhiệm vụ về việc tiếp tục triển khai thực hiện trong thời gian tới, trong đó có nhiệm vụ “xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc thực hiện các hoạt động tư pháp”. Những nội dung này cần tiếp tục được thể hiện trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các đạo luật về tố tụng.
PV: Ông có thể đưa ra những kiến nghị nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về TAND là cơ quan thực hiện quyền tư pháp?
PGS.TS. Đinh Xuân Thảo: Theo tôi, chúng ta cần thống nhất nhận thức về “quyền tư pháp” trong Nhà nước pháp quyền XHCN. Tiếp tục kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của TAND, nhất là Tòa án cấp huyện, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan thực hiện hoạt động tư pháp và các chế định bổ trợ tư pháp khoa học, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xác định rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong việc thực hiện quyền tư pháp; xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp, huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia hỗ trợ hoạt động tư pháp.
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các đạo luật về tố tụng tư pháp, tổ chức và hoạt động của Tòa án, VKS để thể chế hoá đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng trong Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 và quy định của Hiến pháp 2013 về chức năng, nhiệm vụ của TAND và VKSND; trọng tâm là: trình tự, thủ tục và những phương thức cụ thể để Tòa án thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm; về bảo đảm hoạt động của Tòa án như biên chế, cải cách chế độ tiền lương;
Nghiên cứu xây dựng cơ chế, tạo điều kiện cho TANDTC tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ chính là cơ quan xét xử cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam, giám đốc việc xét xử của các Tòa án khác, tổng kết thực tiễn xét xử của các Tòa án, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
Nghiên cứu việc tiếp tục mở rộng phạm vi, tăng thẩm quyền của Toà án trong giải quyết các tranh chấp, xử lý vi phạm.
Đặc biệt, cần có định hướng để nâng cao vị trí, vai trò của TAND nói chung và của Thẩm phán nói riêng, trong đó, cần coi Thẩm phán là một ngạch công chức đặc biệt, quy định nhiệm kỳ dài hơn, ổn định hơn, tiến đến chế độ bổ nhiệm một lần cho đến khi về hưu. Cần tiếp tục chủ trương nghiên cứu việc thành lập TAND sơ thẩm khu vực nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong tổ chức và hoạt động của các TAND cấp huyện hiện nay.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Chiến lược cải cách tư pháp được triển khai theo 4 định hướng cơ bản:
1. Hoàn thiện thể chế hình sự, dân sự, thủ tục tư pháp.
2. Cải cách tổ chức các cơ quan tư pháp và các thiết chế bổ trợ tư pháp mà trung tâm là Tòa án và khâu đột phá là tăng cường tranh tụng dân chủ.
3. Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp.
4. Đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp.