Đời sống

Quy Nhơn thành phố của hạnh phúc

Đức Hồ 19/09/2024 - 11:02

Phố biển Quy Nhơn (Bình Định) hướng đến là nơi đáng sống, đáng đến với cuộc sống yên bình, thư thái và hạnh phúc. Bất kể ở quán ăn, nhà trọ bình dân hay khách sạn, resort hạng sang, du khách đều được người dân “miền đất võ, xứ văn chương” đối đãi chân thành, hào sảng và không có sự phân biệt.

Ở Quy Nhơn, tập thể dục, tắm biển, cầm 10.000 đồng ăn sáng no nê, còn gì sung sướng bằng!

Khi vừa đặt chân đến Sân bay Phù Cát (Bình Định), du khách sẽ nhìn thấy dòng chữ “Quy Nhơn - thành phố của hạnh phúc”. Có lẽ, hạnh phúc là điều đầu tiên mà lãnh đạo, người dân Bình Định mong muốn du khách, sẽ cảm nhận được khi sống ở Quy Nhơn, dù chỉ là vài ngày trải nghiệm.

Cũng là du lịch nhưng ở Quy Nhơn, lại rất nhẹ nhàng, yên bình và trong lành. Quy Nhơn phồn thịnh, sung túc, nhưng không ồn ào, nháo nhiệt như các thành phố lớn.

Ngoài vẻ đẹp thiên nhiên, ẩm thực, thì chính sự hào sảng, mộc mạc của con người Quy Nhơn, đã mang lại sự khác biệt đặc trưng của miền đất này.

tp-quy-nhon.jpeg
Thành phố Quy Nhơn tỉnh Bình Định.

Ở Quy Nhơn, buổi sáng sớm được tập thể dục trong không khí trong lành, tắm biển với dòng nước xanh mát và cầm 10.000 đồng, có thể tự tin không chỉ ăn sáng no nê mà còn ngon miệng, thì đó là trải nghiệm không còn gì, sung sướng bằng.

Nép mình ở con đường 31 Tháng 3, quán bánh canh tồn tại hơn 26 năm với giá bán chỉ 10.000 đồng/tô với đầy đủ topping hấp dẫn: chả cá chiên, chả hấp, da heo thơm ngon ngất ngây, do bà Hoàng Thị Thảo (48 tuổi) làm chủ.

Mỗi ngày mở cửa 2 lần vào buổi sáng (6h10) và buổi chiều (14h30). Đối với nhiều người Quy Nhơn và khách du lịch, ai đã từng thưởng thức bánh canh của bà Thảo đều tấm tắc khe ngợi: “Không chỉ rẻ mà còn cực ngon”.

ho-ca.jpeg
Buổi chiều tại thành phố biển Quy Nhơn.

Theo bà Thảo, buổi chiều bà bán hơn 30kg bột gạo và bột mì, buổi sáng thì 10kg bột cả 2 loại. Mỗi ngày, quán bánh canh bán từ 500 - 600 tô.

Hay đơn giản là món bánh xèo vỏ, do cụ già ngoài 70 tuổi bán ở ven đường Vũ Bảo (mỗi lá bánh chỉ 1.000 đồng). Người Bình Định gọi là bánh xèo vỏ, đơn giản vì bánh không có nhân, chỉ toàn một màu trắng tinh tươm của gạo và thêm chút màu xanh của lá hành được xắt nhỏ trộn với bột để tăng thêm mùi thơm.

Bánh xèo vỏ Bình Định phải được thưởng thức lúc vừa ra lò, còn bốc khói nghi ngút, chấm với nước mắm do chính ngư dân Bình Định làm ra, thì người ăn mới cảm nhận được hết cái hương vị thơm ngon, ấm lòng. Mùi vị dân dã mộc mạc vậy thôi, nhưng cứ khiến người ăn thòm thèm và cứ muốn ăn mãi thôi, đặc biệt vào những ngày đông giá lạnh.

Ông Tuttle Tim Anthony (64 tuổi, quốc tịch Canada) từng đánh rơi tài sản khi đến Quy Nhơn và được người dân nơi đây, tận tình tìm đến trao trả lại, chia sẻ rằng: “Ông rất quý tấm lòng của người Quy Nhơn và sẽ trở lại vùng đất nghĩa tình này”.

thanh-pho-quy-nhon-3.jpeg
Quy Nhơn thành phố của hạnh phúc.

Khi đạp xe từ quán cà phê ở đường Nguyễn Huệ, phường Trần Phú, TP. Quy Nhơn về nơi tạm trú tại khách sạn trên quốc lộ 1D (TX. Sông Cầu, Phú Yên), ông Tuttle Tim Anthony, sơ ý đánh rơi ba lô.

Bên trong ba lô có nhiều tài sản gồm laptop trị giá khoảng 300 USD, 22 triệu đồng, thẻ tín dụng, giấy tờ tùy than, khiến nam du khách Canada rất lo lắng. Nhặt được của rơi từ người lạ, bà Nguyễn Thị Minh Tâm (59 tuổi, ở phường Nguyễn Văn Cừ) lập tức mang ba lô đến Công an phường Trần Phú, trao trả lại cho ông Anthony.

“Thấy ba lô trên đường, tôi chỉ suy nghĩ rằng chắc chắn người đánh rơi đang rất lo lắng tìm kiếm. Vì vậy, việc cần làm là mang đến công an để trao trả lại cho họ. Bất kể ai trong trường hợp này, cũng đều hành động như tôi”, bà Tâm nói.

Những điều dễ thương… khi sống ở Quy Nhơn

Ở Quy Nhơn có sự dễ thương mà nhiều người đánh giá 5 sao, cho hành động lịch sự đến từ lực lượng CSGT Công an thành phố. Thay vì bị xử phạt ngay tức khắc, du khách và người dân đi ô tô đến TP. Quy Nhơn đậu xe không đúng nơi quy định, sẽ bị lực lượng cảnh sát giao thông thành phố này nhắc nhở.

Hành động này đã nhận được sự hoan nghênh và tán dương. Việc xử lý nhân văn của lực lượng cảnh sát giao thông thành phố Quy Nhơn, giúp du khách vừa vui, vừa cảm mến đối với lực lượng cảnh sát giao thông, lại vừa có cảm tình chung với thành phố Quy Nhơn.

Điều khá đặc biệt, Bình Định luôn ưu ái đặc biệt với người nghèo, thu nhập thấp, đối tượng yếu thế. Từ 8 năm trước, Bình Định đã xây khu nhà lưu trú khang trang bằng nguồn xã hội hoá, dành riêng cho bệnh nhân chạy thận ở bên trong khuôn viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh tại trung tâm TP. Quy Nhơn, để giúp những mảnh đời cơ cực, tiện việc lọc máu, chữa trị.

ho-ca-1.jpeg
Người dân và du khách tắm biển.

Là tỉnh tiên phong trên cả nước, xây dựng hàng nghìn căn hộ xã hội với chế độ ưu đãi đối với người nghèo, thu nhập thấp và dành quỹ đất xây dựng 20.000 căn tương tự, cho tới năm 2025. Việc này, từng được Thủ tướng Phạm Minh Chính khen ngợi, vì tính nhân văn và hiệu quả.

“Làm gì thì làm nhưng nhà đầu tư, du khách đến Bình Định, đi đâu cũng cảm nhận được cuộc sống thanh bình, nhẹ nhàng, thư thái và hạnh phúc. Cách ứng xử của người Bình Định là nét văn hoá thân thiện, bất kể ai đến tỉnh chúng tôi, đều được đối đãi tử tế, chân tình, hào sảng và hiếu khách”, Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Quốc Dũng nói.

Điều hiếm hoi đang dần tạo nên thương hiệu của Bình Định, là tạo ra môi trường du lịch, gắn với khoa học tri thức. Có nghĩa, du khách đến Bình Định không chỉ “ăn chơi ngủ”, mà còn có trải nghiệm khoa học.

Quy Nhơn không chỉ là đô thị biển, mà còn là đô thị khoa học. Ngoài du lịch, Quy Nhơn đang trở thành điểm đến của các tập đoàn công nghệ hàng đầu, với định hướng "thành phố khoa học công nghệ".

ho-ca-2.jpeg
Một góc nhỏ thành phố biển Quy Nhơn.

Tầm nhìn chiến lược, xuyên suốt nhiều nhiệm kỳ qua, lãnh đạo tỉnh xác định việc đầu tư cho khoa học, công nghệ là đầu tư lâu dài. Đây cũng là đòn bẩy, đưa nền kinh tế của tỉnh đột phá và khác biệt.

Ông Nguyễn Hữu Hà - Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bình Định cho biết, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng từng nói với các nhà khoa học, lãnh đạo Bộ, ngành Trung ương rằng, nếu hướng về kinh tế thì tỉnh đã dùng khu "đất vàng" ở Quy Hoà quy hoạch thành khu đô thị, nhà ở, các dự án du lịch có giá trị cao, để bán sẽ thu lại rất nhiều tiền cho tỉnh ngay lập tức. Nhưng, tỉnh chọn đầu tư cho khoa học vì muốn đầu tư dài hạn, đầu tư cho thế hệ tương lai.

Với mô hình hoàn toàn mới, phát triển khoa học, du lịch khoa học là một hướng đi đặc biệt của Bình Định, dựa trên nền tảng của Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) cùng Khu đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa. Đây là một lợi thế, đặc trưng mà khó có một địa phương nào trên cả nước, có được.

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, để tạo bứt phá, lãnh đạo Bình Định qua các thế hệ, luôn đau đáu tìm hướng đi khác biệt.

Trong vô vàn câu chuyện, thì quy hoạch đô thị biển Quy Nhơn đã tạo nét đặc trưng cho Bình Định, khi hướng đến giá trị nhân văn, đề cao chất lượng cuộc sống, gắn với quyền lợi, mưu cầu hạnh phúc của con người.

Xuyên suốt các nhiệm kỳ, lãnh đạo tỉnh ý thức sâu sắc biển và bờ biển là của chung cộng đồng, không để người dân vất vả tìm đường ra biển.

img_2101.jpeg
Khu đất vàng trung tâm thành phố Quy Nhơn dùng làm công viên.

Những khu đất “vàng” ở vị trí sát biển, dọc tuyến đường lớn của Quy Nhơn, không ồ ạt phát triển nhà cao tầng mà chỉ xây dựng tạo điểm nhấn, còn lại dành quỹ đất cho quảng trường, công viên cây xanh.

Người dân dù nhiều hay ít tiền, giàu hoặc nghèo, đều được tự do tận hưởng vẻ đẹp của biển, không có bất cứ rào chắn lối đi. Đây là cố gắng rất lớn, mà Quy Nhơn giữ được cho đến lúc này.

Thực tế, mật độ xây dựng thấp, khoảng cách công trình xa và thụt lùi vào trong, là sự trả giá rất lớn vì giá trị khai thác quỹ đất bị giảm đi, nhưng bù lại Quy Nhơn giữ được bản sắc riêng, với ý nghĩa phục vụ cộng đồng.

Bình Định là một trong những tỉnh đầu tiên trên cả nước, có chủ trương và hành động mạnh mẽ, trong việc lấy lại không gian biển cho cộng đồng.

Ba khách sạn sát biển Quy Nhơn buộc di dời, đến nay 1 khách sạn đã bồi thường xong, 2 khách sạn còn lại sẽ dời theo lộ trình. Khác biệt này, mang lại ấn tượng sâu sắc với du khách, cán bộ cấp cao khi đến Quy Nhơn.

Bình Định tự lực tự cường với “hào khí Tây Sơn” bất khuất

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Định chọn con đường đột phá, bằng tư duy sáng tạo, dám nghĩ, dám đổi mới và dám hành động. Có thể tự hào, từ một tỉnh nghèo, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, đến nay Bình Định có vị thế khá, trở thành điểm sáng ở miền Trung, đây là một kỳ tích.

Quy mô kinh tế của Bình Định năm 2023 đạt 117.668,8 tỷ đồng, xếp thứ 5/14 địa phương vùng Bắc Trung bộ - duyên hải Trung bộ và thứ 3/5 địa phương khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung.

Hạ tầng giao thông phát triển hàng đầu miền Trung, đời sống người dân khấm khá, trật tự xã hội giữ vững, an ninh quốc phòng vững mạnh.

cang-bien-quy-nhon.jpeg
Cảng biển Quy Nhơn.

Ít có địa phương nào phát triển đồng đều như Bình Định, tỉnh này có một nền kinh tế vững chắc trên cả 3 trụ cột: "Nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ - du lịch".

Đáng ghi nhận, trong bối cảnh kinh tế chung cả nước và thế giới gặp khó, Bình Định vẫn là điểm sáng trong thu hút đầu tư tại miền Trung.

Năm 2023, Bình Định thu hút 85 dự án mới (trong đó có 6 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký hơn 16.450 tỷ đồng, vượt 41,6% so với kế hoạch, thực hiện điều chỉnh 64 dự án (trong đó có 5 dự án FDI) với vốn tăng thêm 3.478 tỷ đồng.

Tôi cho rằng, sự đoàn kết, cầu thị, tôn trọng sự phản biện, để có quyết sách đúng đắn, là một trong những yếu tố quan trọng, giúp Bình Định vượt khó.

img_2100.jpeg
Quy Nhơn không chỉ là đô thị biển, mà còn là đô thị khoa học.

Cái hay của lãnh đạo Bình Định, là không chờ nhà đầu tư. Nội lực và ngoại lực đều quan trọng, nếu chỉ có cơ chế, hạ tầng tốt là chưa đủ, vì vậy lãnh đạo tỉnh liên tục bay đến nhiều nước trên thế giới, để tìm kiếm cơ hội, mời gọi doanh nghiệp.

Sự cầu thị, cố gắng, bước đầu thu về “quả ngọt”. Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và thế giới lựa chọn Bình Định, đều cho rằng: “Đây là quyết định chuẩn xác”.

Nhiều lần phát biểu tại các hội nghị xúc tiến đầu tư, đối thoại với doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn khẳng định, tỉnh Bình Định luôn coi lợi ích hợp pháp, chính đáng và thành công của nhà đầu tư, doanh nghiệp là thành công của chính mình.

2-bcm.jpeg
Chủ tịch tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn trao chứng nhận đầu tư dự án hơn 80 triệu USD.

Bên cạnh việc khẩn trương hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, Bình Định đã cải thiện mối quan hệ giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp với chính quyền. Chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan và cải thiện mối quan hệ giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp và chính quyền địa phương các cấp được đặt lên hàng đầu, hướng tới mục tiêu xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp.

“Bình Định luôn coi lợi ích hợp pháp và thành công của nhà đầu tư là lợi ích và thành công của chính mình. Đến với Bình Định, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi thuận lợi để thực hiện dự án thành công và phát triển bền vững”, ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Bình Định đang khẩn trương triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với kỳ vọng tạo đột phá. Với quyết tâm vượt gian khó, tinh thần tự lực tự cường cùng một “hào khí Tây Sơn” bất khuất, tôi có niềm tin Bình Định sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển; trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam. Là trung tâm du lịch lớn của cả nước, trung tâm kết nối khu vực vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông - Tây.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy Nhơn thành phố của hạnh phúc