Quy hoạch tổng thể quốc gia: Nếu sáp nhập cơ quan báo chí cơ học, sẽ tốn hàng trăm tỷ đồng

Mai Thoa| 07/01/2023 15:37
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay 07/01, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

 

Quy hoạch tổng thể quốc gia: Nếu sáp nhập cơ quan báo chí cơ học, sẽ tốn hàng trăm tỷ đồng

Quy hoạch tổng thể quốc gia là vấn đề khó, nên kỹ lưỡng

Thảo luận về quy hoạch, các đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội trong hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia để trình Quốc hội lần này.

 Quy hoạch tổng thể quốc gia là nhiệm vụ mới quan trọng nhưng hết sức phức tạp, chưa có tiền lệ, chưa có nhiều kinh nghiệm. Do đó, việc xác định các nội dung của quy hoạch phải được tính toán một cách khoa học, hợp lý, bảo đảm đường hướng chiến lược, phải rõ cụ thể nhưng cũng không được mâu thuẫn thay thế cho các nội dung đã được xác định trong các văn bản khác.

Quy hoạch tổng thể quốc gia phải là tổng hợp có chọn lọc, định hướng lớn để phát triển đất nước không phải là bản tập hợp hay phép cộng đơn giản của các quy hoạch thành phần hoặc nhắc lại một cách cơ học Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mà đã được Đại hội Đảng ban hành; Không nên quy định quá chi tiết các mục tiêu cụ thể mà chỉ quy định các mục tiêu tầm quốc gia, các giới hạn tối đa hoặc tối thiểu các chỉ tiêu để các ngành, địa phương có căn cứ xây dựng quy hoạch cấp thấp một cách chủ động.

Cùng với đó, cần xem xét trong quy hoạch những mục tiêu nào, Nhà nước có thể đầu tư bảo đảm tính khả thi và đáp ứng định hướng chiến lược cho đất nước thì có thể đặt ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể mang tính pháp lý.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga- Đoàn ĐBQH Hải Dương nhất trí với những nội dung cơ bản trong báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Về  định hướng phát triển các cơ sở báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình, đại biểu cho rằng bản Quy hoạch đã xác định rõ ràng, chính xác và khoa học mục tiêu tổ chức sắp xếp hợp lý, tinh gọn mạng lưới cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở và xuất bản in.

Tuy nhiên, để thực hiện tốt những định hướng đó, đại biểu đề nghị không nên chỉ là khuyến khích tổ chức lại, sáp nhập, hợp nhất các cơ quan báo chí các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bộ, ngành trung ương, mà cần bỏ từ khuyến khích. Bởi, nếu chỉ dừng lại khuyến khích thì tính hiệu lực và hiệu quả chưa cao.

Quy hoạch tổng thể quốc gia: Nếu sáp nhập cơ quan báo chí cơ học, sẽ tốn hàng trăm tỷ đồng

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga- Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương phát biểu thảo luận tại hội trường.

Từ thực tế đó, đại biểu đề nghị dự thảo Nghị quyết của Quốc hội cũng bỏ từ “khuyến khích” trong tổ chức, sáp nhập các cơ quan báo chí tỉnh, thành Trung ương và các Bộ ngành. Trên thực tế hiện nay chúng ta đang có quá nhiều cơ quan báo chí. Vì theo thống kê của Bộ TT&TT, tính đến hết tháng 12/2022, cả nước có hơn 800 cơ quan báo chí, và cũng theo đánh giá của Bộ này thì hoạt động của các cơ quan báo chí có sự chồng chéo và có nhiều vi phạm, nên việc sáp nhập các cơ quan báo chí cần phải thực hiện mạnh mẽ trong thời gian tới, đại biểu đề nghị.

Sáp nhập cơ quan báo chí cơ học sẽ tốn hàng trăm tỷ đồng

Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa- Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên lại có cách nhìn nhận khác về vấn đề này.

Theo đại biểu, hiện đang khuyến khích sự sáp nhập của các cơ quan báo chí các tỉnh, Bộ ngành theo hướng đa phương tiện, đa nền tảng. Chúng ta đã có quy hoạch báo chí đến 2025 và hiện nay đã có một số đơn vị sáp nhập Trung tâm truyền thông, sáp nhập báo như Quảng Ninh, Bình Phước. Trước khi triển khai những chính sách lớn như vậy cần có đánh giá tác động, nếu các cơ quan báo chí các tỉnh sáp nhập lại, việc xây trụ sở đã tốn kém hàng trăm tỷ đồng. Vì hiện tại mỗi cơ quan báo chí riêng, truyền hình riêng và hoạt động  khác nhau. Nếu sáp nhập các cơ quan báo chí như vậy thì phải xây dựng trụ sở báo chí và phát thanh, truyền hình cùng 1 chỗ, gây tốn kém ngân sách; trong khi không phải địa phương nào cũng có nguồn lực để  làm như vậy.

Theo đại biểu, nên mạnh dạn theo hướng, hiện nay các đài truyền hình địa phương đang hết sức khó khăn, chúng ta có thể cân nhắc phát triển thành nhiều vùng được không? Như vậy có thể bớt được chi phí hàng chục tỷ, đến trăm tỷ ở địa phương; tính liên kết và mở rộng cao hơn rất nhiều so với sáp nhập khiên cưỡng, vì chỉ có thể bớt được đầu mối chứ không bớt được gì cả vì cán bộ vẫn như vậy nhưng hoạt động khó khăn hơn.

Quy hoạch tổng thể quốc gia: Nếu sáp nhập cơ quan báo chí cơ học, sẽ tốn hàng trăm tỷ đồng

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa- Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên phát biểu thảo luận.

Về nội dung trong Đề án và báo cáo của Chính phủ về quy hoạch cơ quan báo chí có nêu: hình thành nên 20% cơ quan báo chí điện tử có ảnh hưởng lớn đến xã hội được ưu tiên đầu tư.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa băn khoăn và đặt câu hỏi về về con số 20% cơ quan báo chí điện tử có ảnh hưởng lớn và được ưu tiên đầu tư. Vậy còn 80% cơ quan báo chí còn lại khác thì sao? Và 80% cơ quan báo chí điện tử đó có quan trọng hay không? Nếu phân định như thế này rất dễ dẫn đến sự phân tâm và liệu đầu tư có hiệu quả hay không?

Theo đại biểu, bên cạnh việc đầu tư cho các cơ quan báo chí trực tiếp thì nên theo tinh thần cần tinh chứ không đông. Đầu tư theo  đặt hàng các tác phẩm chất lượng cao; đầu tư có tính chất chuyên sâu.

Về Trang thông tin điện tử, trong Đề án của Chính phủ đề xuất tích hợp giữa mạng xã hội và Trang thông tin điện tử vào cùng 1 giấy phép, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho rằng, như vậy là rất hiệu quả. Hiện chúng ta đang yêu cầu hai trang này riêng biệt. Dẫn đến mạng xã hội được phép comment bình luận nhưng không được phép đưa các thông tin lên trang. Trong khi đó Trang thông tin điện tử thì ngược lại, chỉ được đưa thông tin lên  nhưng  không được phép bình luận.

Chúng ta tự hạn chế tác động của mạng xã hội của chúng ta nhưng các trang mạng của nước ngoài không bị chế tài này. Nên đại biểu mạnh dạn đề xuất: Hiện nay, các cơ quan báo chí đang đưa thông tin của mình nhưng rất lo lắng là hầu hết các cơ quan báo chí phải đóng comment lại, mà đóng lại không có ai bình luận thì bài có thể rất hay nhưng không nổi lên trang đầu. Như vậy sự ảnh hưởng, tác động hạn chế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch tổng thể quốc gia: Nếu sáp nhập cơ quan báo chí cơ học, sẽ tốn hàng trăm tỷ đồng