Sáng 21/7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022.
Theo dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, có 10 nhóm lĩnh vực với 127 vấn đề thuộc trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội giám sát. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát, cụ thể:
Chuyên đề 1: Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021;
Chuyên đề 2: Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành;
Chuyên đề 3: Giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021;
Chuyên đề 4: Giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.
Thảo luận về nội dung này, các đại biểu cho rằng, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, có thể gây khó khăn cho các đoàn giám sát của Quốc hội. Do đó, cần có kịch bản về giãn cách, đi lại, phòng, chống dịch, bố trí nhân sự tham gia các đoàn giám sát theo danh sách mở.
Cùng với đó, tài liệu giám sát cần được cung cấp sớm để các đại biểu nghiên cứu, thẩm định, nâng cao hiệu quả giám sát. Quốc hội cũng sớm xây dựng cơ chế, quy trình cho đại biểu, tổ đại biểu thực hiện quyền giám sát tại cơ sở.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh hiện nay, ĐB Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị Quốc hội giám sát về các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khó khăn do dịch Covid-19 được ban hành từ năm 2020 đến nay.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Hà Nội) cũng đề xuất thực hiện giám sát tối cao với chuyên đề 1 và chuyên đề 3. Bởi hai chuyên đề này đều có phạm vi lớn, cần nhiều thời gian, nguồn lực giám sát. Các chuyên đề cũng nên gọn hơn về phạm vi, đối tượng giám sát để việc giám sát được hiệu quả, thiết thực. Bên cạnh đó, cần thuyết minh rõ về vấn đề giám sát để đủ cơ sở cho đại biểu xem xét, quyết định.
Tuy nhiên, đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) đề nghị thay chuyên đề 1 và chuyên đề 4 bằng hai chuyên đề khác, gồm: Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong điều động, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ; và chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công tại các doanh nghiệp nhà nước và đơn vị công lập.
Một số đại biểu cũng đề nghị cần nâng cao chất lượng “hậu giám sát”. Theo đại biểu Vũ Trọng Kim (Đoàn Nam Định), Quốc hội có chương trình giám sát công phu, nên sau đó kết quả thực hiện những kiến nghị ra sao cần hết sức lưu ý. Kể cả những kiến nghị của các đoàn giám sát với các ngành và Chính phủ. Các cơ quan, đơn vị này cần báo cáo kết quả thực hiện những kiến nghị đó một cách cụ thể. Vậy nên, từ nhiệm kỳ khóa XV, Quốc hội khi lập chương trình giám sát cần đặt ra việc “hậu giám sát” để giao cho cơ quan, đơn vị nào thực hiện việc theo dõi, báo cáo Quốc hội, đại biểu đề nghị.
Cũng về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng nội dung Chuyên đề cần cô đọng hơn để thực hiện giám sát hiệu quả; trong đó nên chọn những vấn đề mà người dân đang bức xúc và quan tâm nhất. Đại biểu cũng nói thêm rằng, bên cạnh việc giám sát thì công tác hậu giám sát cũng vô cùng quan trọng
Các ý kiến cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì xây dựng Đề án đổi mới hoạt động giám sát để triển khai trong năm 2022 và các năm tiếp theo; các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những nội dung đổi mới cụ thể, thiết thực, khả thi, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các cơ quan soạn thảo tiếp tục tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua.