Sức Khỏe

Quảng Bình nguy cơ thiếu vaccine phòng bệnh dại do người tiêm tăng đột biến

Bảo Nam 30/03/2024 - 18:09

Sau tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đến nay, số người bị chó, mèo cắn phải tiêm vaccine phòng dại ở Quảng Bình tăng đột biến. Vì vậy, nguy cơ thiếu vaccine đang hiện hữu, nếu không được bổ sung kịp thời.

Ngày 30/3, bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Bình cho biết, thời gian cao điểm ghi nhận các ca bệnh dại là mùa hè, tập trung vào các tháng 8-9 hằng năm. Tuy nhiên, năm nay các ca bệnh lại gia tăng đột biến vào các tháng đầu năm. Đặc biệt là sau tết Nguyên đán 2024 đến nay, lượng người đến tiêm huyết thanh kháng dại và vaccine phòng dại tăng đột biến.

11.jpg
Cán bộ y tế tư vấn tiêm vaccine dự phòng sau phơi nhiễm với virus dại cho bệnh nhân bị chó, mèo cắn.

Chỉ trong tháng 1 và tháng 2/2024, toàn tỉnh đã có gần 700 lượt bệnh nhân đến các cơ sở y tế trên địa bàn tiêm huyết thanh kháng dại và vaccine phòng dại, trong đó phần lớn là trẻ em dưới 15 tuổi. Huyện Bố Trạch và TX. Ba Đồn là 2 địa phương có số lượt người phải tiêm vaccine phòng dại nhiều nhất.

Tại cơ sở tiêm chủng dịch vụ CDC Quảng Bình, 3 tháng đầu năm, lượng người đến tiêm vaccine phòng dại cao gấp đôi so với cùng kỳ. Tính đến ngày 30/3, phòng tiêm đã thực hiện tiêm huyết thanh kháng dại và vaccine phòng dại cho trên 150 người với hơn 500 mũi tiêm, riêng trẻ em dưới 15 tuổi có 45 cháu.

3(1).jpg
CDC Quảng Bình khuyến cáo, khi bị chó, mèo cắn, cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn tiêm vaccine phòng dại.

Tại đây, khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ khám, tư vấn và tiêm vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại tùy theo vị trí, tình trạng vết cắn nặng nhẹ và tình hình bệnh dại ở súc vật trong vùng...

“Theo quy định của Bộ Y tế, phác đồ điều trị dự phòng bệnh dại phải tiêm đủ 5 mũi vaccine vào đúng 5 ngày (0-3-7-14-28) mới phát huy hiệu quả phòng bệnh”, đại diện phòng tiêm cho biết.

Theo số liệu từ CDC Quảng Bình, đến thời điểm này, một số trung tâm y tế tuyến huyện cũng đang cạn nguồn vaccine phòng dại. Riêng Trung tâm Y tế huyện Lệ Thủy từ giữa tháng 3 đã không còn vaccine phòng dại để tiêm cho người dân khi bị chó, mèo cắn.

z5298603078450_2a980948b9db6e4200b3b94401c7a472.jpg
Cán bộ CDC Quảng Bình trực tiếp về các địa phương, hướng dẫn tăng cường giám sát các trường hợp bị chó, mèo cắn.

“Mặc dù đã lên kế hoạch mua vaccine phòng dại 2024 và trúng 2 gói thầu với 1.000 lọ vaccine, nhưng trong 3 tháng đầu năm đã sử dụng gần hết. Theo đó, đơn vị đã chủ động mua thêm 20% gói thầu 1 theo quy định (100 lọ). Tuy nhiên, số vaccine này cũng chỉ đủ để ưu tiên trả mũi và tiêm cho trẻ em và người già trong thời gian trước mắt. Hiện các đơn vị của ngành Y tế Quảng Bình đang chờ thông tư hướng dẫn mới tiến hành đấu thầu vaccine năm 2024. Trong khoảng thời gian này, nếu số người dân bị chó, mèo cắn không giảm thì sẽ gặp khó khăn trong điều trị dự phòng bệnh dại”, Giám đốc CDC Quảng Bình cho biết thêm.

CDC Quảng Bình khuyến cáo, bệnh dại hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu, tỷ lệ tử vong gần như 100%. Do đó để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cào cắn, cần nhanh chóng rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút; nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Dùng dung dịch i-ốt hoặc cồn 70 độ sát khuẩn lên vết thương, hạn chế làm dập vết thương, không khâu và băng kín vết thương và đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và tiêm vaccine phòng dại càng sớm càng tốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Bình nguy cơ thiếu vaccine phòng bệnh dại do người tiêm tăng đột biến