Trước những diễn biến phức tạp của Covid-19, việc quảng bá các di sản văn hoá, lịch sử lại càng trở nên khó khăn khi lượng khách đã có chọn lọc nay lại càng ít hơn. Tuy nhiên với mô hình trực tuyến thì mọi việc lại đang đi theo một chiều hướng tích cực hơn.
Đã "kén" khách thì nay do ảnh hưởng của đại dịch covid-19 đã khiến việc quảng bá các di sản văn hoá, lịch sử trở nên khó khăn và thách thức hơn với các nhà chức trách.
Nhưng giải pháp trực tuyến đã và đang chứng minh vị thế của mình trong việc đưa các di sản văn hoá, lịch sử đến gần hơn với công chúng và đặc biệt phương pháp này đã tạo ra một trải nghiệm mới mẻ giành cho giới trẻ.
Ứng dụng công nghệ tương tác ảo 3D, hay mới đây nhất là chương trình tham quan bảo tàng trực tuyến với chủ đề "Theo dòng lịch sử: văn hoá Đại Việt thời Lý - Trần", đó là hai trong nhiều chương trình quảng bá di sản trực tuyến được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thực hiện.
Hoàng Thu Giang - Phòng Giáo dục, Công Chúng, Bảo tàng Lịch sử quốc gia chia sẻ: "Chúng tôi muốn tạo ra cho các bạn ấy một không gian, thời gian để trao đổi, chia sẻ những chủ đề về lịch sử trong thời gian giãn cách. Qua các bài học này, chúng tôi muốn truyền đến cho các bạn nhỏ một tình yêu với lịch sử, sự đam mê với lịch sử".
Thực hiện các chương trình tour quảng bá trực tuyến ưu điểm lớn nhất là kết nối được hàng trăm du khách từ mọi miền đất nước ở bất kì không gian và thời gian nào cũng đều có thể tương tác và chiêm ngưỡng các tác phẩm tại bảo tàng.
"Ngoài việc trình chiếu thông thường thì chúng tôi cũng tăng cường đặt câu hỏi giao lưu với khách, và chúng tôi cũng sử dụng những phần mềm khác để tương tác với khách như menti hay kahut", anh Nguyễn Minh Quang - Điều phối chương trình Tour tham quan trực tuyến, Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia cho biết.
Tại bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 100 hiện vật tiêu biểu đang được trưng bày tại các không gian khác nhau bằng 6 thứ tiếng được giới thiệu trong ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA cũng được liên kết với trưng bày trực tuyến 3D Tour.
Nói về quá trình này, TS Nguyễn Minh Anh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho hya: "Đối với việc bảo tồn và phát huy các di sản hiện nay, việc ứng dụng công nghệ số không chỉ là giải pháp tình thế, mà nó là xu hướng tất yếu trong cuộc cách mạng công nghệ hiện nay. Nó góp phần trong việc thay đổi nhận thức, quan điểm các tiếp cận đối với việc bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc. Giúp cho di sản văn hoá trở nên sống động hơn và hấp dẫn hơn đối với công chúng".
Thông qua công nghệ thuyết minh 3D đã mang lại trải nghiệm chân thật, dù không trực tiếp xuất hiện tại Bảo tàng, nhưng du khách tham gia chương trình vẫn có thể tham quan, chiêm ngưỡng và tìm hiểu về các hiện vật nhờ công nghệ trình chiếu 3D.
"Đây thực sự là một bước tiến trong chặng đường phát triển của Bảo tàng, một sự đóng góp to lớn đối với công tác bảo tồn và quảng bá tới công chúng những bộ sưu tập nghệ thuật tuyệt vời của Bảo tàng. Toàn bộ việc trải nghiệm hoàn toàn miễn phí, tạo điều kiện tối đa để du khách có thể an tâm, tự do trải nghiệm", GS. Susan Bayly - Đại học Cambridge, Vương quốc Anh cho biết.
Từ những hiệu quả đạt được cho thấy, trong bối cảnh dịch COVID-19 như hiện nay, việc ứng dụng công nghệ không còn là giải pháp tạm thời mà là cầu nối hữu hiệu nhất để các di tích và bảo tàng rút ngắn khoảng cách với công chúng.