Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho rằng, theo quy định thì khoảng cách mà người dân đưa ra vẫn không đảm bảo an toàn hành lang đường sắt nên kiến nghị của người dân không thể thực hiện được.
Mới đây, người dân ở "phố đường tàu" (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã có đơn thư gửi lãnh đạo Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và chính quyền địa phương, nêu ra những khó khăn về mưu sinh kể từ khi xóm cà phê đường tàu bị dẹp bỏ.
Những hộ dân sinh sống tại đây mong muốn được kinh doanh trở lại kèm với đó là những đề xuất, giải pháp để đảm bảo an toàn cho khách hàng cũng như an ninh đường sắt.
Lực lượng chức năng chốt chặn ngăn du khách vào khu vực đường tàu Phùng Hưng
Ngày 23/10, ông Phạm Tuấn Long - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, quận đã xem xét đơn kiến nghị được kinh doanh trở lại của các hộ dân khu vực đường tàu Điện Biên Phủ - Phùng Hưng và lấy ý kiến của ngành giao thông.
Tuy nhiên, theo quy định thì khoảng cách mà người dân đưa ra vẫn không đảm bảo an toàn hành lang đường sắt nên kiến nghị của người dân không thể thực hiện được.
"Quan điểm của UBND quận là kiên quyết không khôi phục lại những hoạt động ảnh hưởng đến hành lang an toàn đường sắt. Chúng tôi vẫn đang thuyết phục, tuyên truyền đến người dân rằng hoạt động kinh doanh tại đây nguy hiểm, rất dễ xảy ra tai nạn", ông Long cho hay.
Theo UBND quận Hoàn Kiếm, từ khi phong tỏa khu vực phố cà phê đường tàu đoạn từ Điện Biên Phủ - Phùng Hưng (ngày 10/10) đến nay, lực lượng chức năng của quận vẫn tiếp tục chốt giữ, không để tái hoạt động. Quận Hoàn Kiếm chưa có thời hạn bỏ các chốt này.
Được biết, trước khi phong tỏa đoạn đường này, lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm đã xử phạt 68 trường hợp quán cà phê lấn chiếm hành lang đường sắt khu vực Phùng Hưng với tổng số tiền 153 triệu đồng.