Các nước Arab vừa ra bản yêu sách 13 điểm với Qatar và từ Doha đã có những phản ứng rất cứng rắn.
Hôm qua 23/6, 4 nước gồm Ả Rập Saudi, UAE, Bahrain và Ai Cập đã chuyển tới Qatar một tối hậu thư bao gồm 13 yêu sách đặt Doha trước lựa chọn chấp hành hay tiếp tục chịu cấm vận. Được biết, tối hậu thư này được các nước Arab chuyển thông qua Ku-wait, nước đóng vai trò trung gian hòa giải căng thẳng vùng Vịnh
Đây cũng được xem là những động thái mới nhất của các nước Arab đứng đầu là Ả Rập Saudi nhằm đáp ứng lời yêu cầu thậm chí là gia tăng áp lực của cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết các mâu thuẫn trong khu vực.
Tuy nhiên, thái độ của các nước Arab trong vụ này rất gay gắt khi họ đưa ra yêu sách mang tính bắt buộc, không thỏa hiệp cho Qatar để đổi lại việc dỡ bỏ lệnh cấm vận mà họ đã áp đặt hồi đầu tháng này.
Qatar quyết không lùi bước trước “bản yêu sách” 13 điểm của các nước Arab
Danh sách chi tiết 13 yêu cầu chưa được tiết lộ cụ thể nhưng trong đó có 3 khoản là Qatar phải đóng cửa hãng thông tấn Al Jazeera, hạn chế quan hệ với Iran và đóng cửa một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar.
Ngoài ra, Qatar cũng buộc phải bồi thường cho các nước vùng Vịnh những thiệt hại và chi phí phát sinh từ chính sách ngoại giao của Qatar trong vòng nhiều năm qua.
Không chỉ vậy, các nước Arab cũng yêu cầu Qatar phải hoàn thành các yêu cầu trên trong thời gian 10 ngày và họ sẽ giám sát kỹ lưỡng việc thực thi kèm theo báo cáo đánh giá được công bố hàng tháng trong năm đầu tiên và hàng quý trong năm tiếp theo và hàng năm trong thập kỷ tiếp theo.
Theo đánh giá của giới phân tích, những yêu cầu trên của các nước Arab đối với Qatar được xem là khá ngặt nghèo, đặt Qatar đứng trước lựa chọn hoặc là phải thực hiện cam kết hoặc sẽ tiếp tục phải đối mặt với sự cô lập.
Bộ Ngoại giao Qatar cho biết, họ đã tiếp nhận được danh sách này và truyền thông Doha mô tả chúng là vô lý, không khả thi.
Hiện, giới chức Qatar chưa có phản ứng chính thức trước yêu cầu trên của các nước Arab. Tuy nhiên, trước đó 3 ngày, Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman al-Thani đã nói rằng, Qatar sẽ không đàm phán với 4 quốc gia Arab trừ phi họ dỡ bỏ các biện pháp cấm vận đối với nước này.
Ngoại trưởng Qatar cũng nêu rõ các cuộc đàm phán phải diễn ra văn minh với một nền tảng vững chắc, không phải chịu áp lực hay bị cô lập. Tuyên bố trên của Ngoại trưởng Qatar cho thấy, Qatar sẽ không dễ dàng gì thực thi yêu cầu của các nước trong khu vực.
Sự gay gắt của các nước Arab và thái độ cứng rắn của Qatar khiến Mỹ phải đau đầu. Với Mỹ, việc giải quyết những căng thẳng giữa Qatar với các nước láng giềng vùng Vịnh có ý nghĩa quan trọng bởi căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông đặt tại Qatar.
Bên cạnh đó, việc hóa giải căng thẳng vùng Vịnh sẽ giúp bảo vệ nhiều lợi ích của Mỹ ở khu vực Trung Đông trong đó có cuộc chiến chống khủng bố.