PSG.TS Trần Văn Độ: Cải cách tư pháp mạnh mẽ bắt đầu tư ngành Tòa án

Mai Thoa| 12/09/2021 11:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cải cách tư pháp để chúng ta có được nền tư pháp trong sạch, hiệu quả, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc như mục tiêu Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị đề ra.

tru-so-moi-ok.jpg
Trụ sở mới TANDTC tại số 43 Hai Bà Trưng - Hà Nội.

Những năm qua, công tác này có chuyển biến đáng ghi nhận, trong đó là những cải cách từ ngành Tòa án.

PGS.TS Trần Văn Độ- một trong những lãnh đạo cấp cao của ngành Tòa án có nhiều tâm huyết cũng như sự đóng góp tích cực cho công cuộc cải cách tư pháp nói chung và của TAND nói riêng.

Báo Công lý đã có buổi trò chuyện với PGS.TS Trần Văn Độ về vấn đề này.

PV: Thưa ông, Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã kết thúc ông thấy thay đổi lớn nào về cải cách tư pháp thời gian qua?

PGS.TS Trần Văn Độ: Theo dõi hoạt động của TAND trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, tôi thấy rằng Tòa án các cấp mặc dù triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh khó khăn chung, nhưng vẫn đạt nhiều kết quả khả quan, trong đó đáng chú ý là trong cải cách tư pháp, đã có những đổi mới, cải cách rõ rệt.

Trước hết là về công tác xây dựng pháp luật, TANDTC đã tăng cường công tác này mạnh mẽ, kịp thời. TANDTC nghiên cứu, xây dựng trình Quốc hội ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và việc triển khai thi hành luật này hy vọng sẽ giúp cho công tác hòa giải trong các tranh chấp dân sự, kinh tế, đối thoại khiếu kiện hành chính được thực hiện tốt. Đề triển khai thi hành Hiến pháp và các Bộ luật, Luật mới; giải đáp các bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành và áp dụng các văn bản pháp luật mới đã được Toà án nhân dân tối cao ban hành dưới hình thức Nghị quyết của HĐTP, Thông tư của Chánh án...

tran-bvan-do.jpg
PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TANDTC, Chánh án TAQS Trung ương.

Cùng với đó là Toà án các cấp đã thực hiện tốt tổng kết thực tiễn xét xử; chỉ trong thời gian ngắn đã ban hành và xuất bản gần 50 án lệ thuộc các lĩnh vực khác nhau; xuất bản các tập giải đáp vướng mắc... nhằm bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong các TAND.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, nhiều cách làm mới, sáng tạo đã được TANDTC thực hiện như: Ban hành Bộ quy tắcđạo đức Thẩm phán; sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, trong đó, ấn định thời gian dành cho công tác ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ; thiết lập hộp thư điện tử để tiếp nhận những vướng mắc về chuyên môn nghiệp vụ của các Tòa án; đa dạng hóa phương thức bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật...

TANDTC cũng đã tổ chức đối thoại trực tuyến giữa Hội đồng Thẩm phán TANDTC và Thẩm phán Tòa án các cấp để trao đổi, giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xét xử; xây dựng Trang tin về án lệ trên internet; công bố bản án... để tạo diễn đàn bình luận, tiếp nhận và cung cấp thông tin phục vụ hoạt động phát triển án lệ; đảm bảo cho nhân dân tiếp cận thông tin về hoạt động của TAND…

Đặc biệt là việc đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp. Theo đó, phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp được TANDTC chỉ đạo đổi mới theo hướng quán triệt tốt nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử; bảo đảm cho các chủ thể tố tụng thực hiện đúng và đầy đủ địa vị pháp lý của họ; Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Về mặt tổ chức, tôi được biết, TANDTC đã tích cực triển khai thành lập các Toà án gia đình và người chưa thành niên; thí điểm thành lập các Toà án liên huyện; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành các Chỉ thị để yêu cầu đổi mới phiên tòa theo yêu cầu mới; xây dựng tiêu chí, yêu cầu cụ thể của phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp; quy định về việc tổ chức phòng xét xử thân thiện khi xét xử các vụ việc gia đình và người chưa thành niên; bố trí kinh phí để trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các phòng xét xử...

Đây là những đổi mới đáng ghi nhận trong chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo TANDTC, tư duy tầm nhìn chiến lược tháo gỡ những khó khăn thực tế, hướng đến cải cách tư pháp mạnh mẽ trong ngành Tòa án.

PV: Đối với công tác chuyên môn, ông có nhận thấy sự thay đổi đặc biệt nào trong nhiệm kỳ qua không?

PGS.TS Trần Văn Độ: Theo báo cáo của TANDTC, nhiệm kỳ qua, các Tòa án đã giải quyết, xét xử được 384.209 vụ với 641.616 bị cáo, đạt tỷ lệ 99,5% về số vụ và 98,6%. Trong đó, giải quyết, xét xử theo thủ tlục sơ thẩm 316.685 vụ; theo thủ tục phúc thẩm 66.157 vụ và theo thủ tục giám đốc thẩm 1.367 vụ. Đây là con số mà có thể nói rằng, các Tòa án đã rất nỗ lực phấn đấu thực hiện trong nhiệm kỳ qua.

Việc các Tòa án khẩn trương đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, không có vụ án kinh tế, tham nhũng để quá hạn luật định; áp dụng hình phạt nghiêm với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước; chú trọng áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản để tăng tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án này... là những đóng góp mà chúng ta có thể thấy được.

Các vụ án lớn được đưa ra xét xử như: Vụ án Nguyễn Minh Hùng và đồng phạm phạm tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma; vụ án Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà và các đồng phạm phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, “Nhận hối lộ” và “Đưa hối lộ” xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone, AVG và các đơn vị có liên quan;

Rồi vụ án Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và các đồng phạm bị truy tố, xét xử về các tội “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, “Tổ chức đánh bạc”, “Đánh bạc”, “Mua bán trái phép hóa đơn”, “Rửa tiền”, “Đưa hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại tỉnh Phú Thọ và một số địa phương; vụ án Phan Văn Anh Vũ phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Đà Nẵng và một số địa phương; vụ án Châu Thị Thu Nga phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group);

Vụ án Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng công ty Cửu Long và các đơn vị có liên quan; vụ án Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng... và nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng khác.

Đây là những vụ án lớn, đặc biệt lớn, có những vụ án với hàng trăm bị cáo khiến cho việc đưa ra xét xử không hề dễ dàng đối với các TAND nói chung, các Thẩm phán và Hội thẩm nói riêng. Tuy nhiên, họ đã làm tốt công việc của mình. Tôi đánh giá cao những nỗ lực đó.

PV: Đã nhiều năm công tác trong ngành Tòa án, ông thấy khó khăn nhất trong thực hiện cải cách tư pháp là gì, Tòa án đã thực hiện được chưa và cần phải tháo gỡ thế nào thưa ông?

PGS.TS Trần Văn Độ: Có lẽ khó khăn nhất trong Cải cách tư pháp thời gian quá là rào cản về nhận thức cũng như thói quen cũ trong tổ chức và hoạt động thực hiện Quyền Tư pháp ở nước ta. Các vấn đề mới được đưa ra trong Nghị quyết số 49 về Cải cách tư pháp, được quy định trong Hiến pháp 2013 như Toà án là cơ quan duy nhất thực hiện quyền Tư pháp, là cơ quan tư pháp duy nhất; nhiệm vụ bảo vệ công lý là nhiệm vụ duy nhất thuộc Toà án; chức năng của Toà án kiểm soát việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp; thành lập Toà án theo cấp xét xử; một số nguyên tắc tố tụng được bổ sung như suy đoán vô tội, quyền im lặng; hoặc có vấn đề tuy không còn mới nhưng nhạn thức và thực hiện chưa thật hiệu quả như bảo đảm Toà án độc lập chưa được nhận thức thống nhất; đang gặp phải những rào cản khách quan cũng như chủ quan trong quán triệt thực hiện.

Trong nhiệm kỳ Đại hội khoá XIII, BCHTW sẽ có Nghị quyết về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó có nội dung rất quan trọng là xây dựng và hoàn thiện nền tư pháp quốc gia. Tôi hy vọng các quan điểm Cải cách tư pháp của Nghị quyết 49, của Hiến pháp 2013 sẽ tiếp tục được khẳng định, đảm bảo có nhận thức đổi mới, đúng đắn và tổ chức thực hiện kiên quyết, hiệu quả. Tôi tin rằng, mục tiêu xây dựng một nền Tư pháp trong sạch, hiệu quả, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc sẽ sớm đạt được. Toà án không chỉ làm tốt nhiệm vụ bảo vệ công lý; mà cao hơn là cần làm cho Nhân dân tin rằng công lý đã được thực thi trong hoạt động của Toà án.

qh-15.jpg
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV- cần mạnh dạn đổi mới, cải cách tư pháp để Tòa án thực sự là trung tâm của hệ thống tư pháp.

PV: Theo ông nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, ngành Tòa án nói riêng và các các cơ quan tố tụng nói chung cần triển khai những gì?

PGS.TS Trần Văn Độ: Tôi cho rằng, thời gian tới cần đóng góp nguồn lực và trí tuệ, góp phần xây dựng, hoàn thiện Nghị quyết về Nhà nước pháp quyền Việt Nam mà Hội nghị Trung ương khóa XIII đang xây dựng; mạnh dạn đổi mới, cải cách tư pháp. Sau khi có Nghị quyết cần tổ chức triển khai tích cực, hiệu quả để TAND thực sự là trung tâm hệ thống tư pháp; xét xử để thực hiện quyền tư pháp là trọng tâm; bảo vệ công lý, quyền con người, lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
PSG.TS Trần Văn Độ: Cải cách tư pháp mạnh mẽ bắt đầu tư ngành Tòa án