Theo tuyên bố chung của Nga, Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Iran, một cơ chế tài chính mới sẽ được các quốc gia này áp dụng cho việc thanh toán với Iran, Middle East Eye ngày 25/9 đưa tin.
Theo tuyên bố chung của Nga, Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Iran, một cơ chế tài chính mới sẽ được các quốc gia này áp dụng cho việc thanh toán với Iran, Middle East Eye ngày 25/9 đưa tin.
EU và Iran nhất trí tạo ra một cơ chế đặc biệt nhằm tạo điều kiện thanh toán cho các giao dịch xuất nhập khẩu của Iran, trong đó có dầu mỏ.
Dẫn lời Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Moherini và Ngoại trưởng Iran Mohammad Zarif, Middle East Eye cho biết: các bên tham gia hoan nghênh đề nghị nêu trên nhằm duy trì các kênh thanh toán, đặc biệt là sáng kiến tạo ra một cơ chế đặc biệt nhằm tạo điều kiện thanh toán cho các giao dịch xuất nhập khẩu của Iran, trong đó có dầu mỏ.
Để thực hiện các giao dịch tài chính với Iran, các quốc gia thành viên EU sẽ tạo ra một thực thể pháp lý, cho phép các công ty châu Âu làm việc với Iran “theo luật pháp châu Âu”, bà Moherini giải thích.
Tuy nhiên, cơ chế này cũng sẽ được “mở” để các quốc gia khác có thể tham gia, người đứng đầu về chính sách an ninh và đối ngoại của EU nhấn mạnh.
Đặc biệt, các quốc gia này cũng ủng hộ việc tạo ra các phương pháp thanh toán an toàn và hợp pháp với Tehran, đồng thời đảm bảo duy trì xuất khẩu dầu, khí ngưng tụ và các sản phẩm dầu mỏ của Iran.
Bên cạnh đó, việc bảo vệ các công ty có giao dịch kinh doanh với Iran cũng được đánh giá là một việc vô cùng cấp thiết, khi mà Nhà trắng từng tuyên bố Mỹ có kế hoạch tái sử dụng biện pháp trừng phạt nhắm vào hoạt động xuất khẩu dầu của Iran từ tháng 11 năm nay. Các biện pháp trừng phạt là một phần trong chiến lược của Trump nhằm điều chỉnh các hành vi của Tehran trong khu vực.
Trước đó hồi đầu tháng 8/2018, theo nguồn tin từ giới chức Mỹ, trong giai đoạn đầu, Mỹ cho biết sẽ tái khởi động các lệnh trừng phạt lên Iran từ ngày 7/8. Các lệnh trừng phạt sẽ bao gồm ngăn chặn Tehran thu mua các ngoại tệ mạnh, cấm các hoạt động xuất nhập khẩu kim loại, than, các phần mềm liên quan tới công nghiệp và ngành sản xuất ôtô. Những biện pháp trừng phạt này theo đó sẽ gây sức ép tài chính lớn lên Iran.
Đồng thời, giới chức Mỹ thời điểm đó cũng cho biết chính quyền Tổng thống Trump cũng đang lên kế hoạch tái sử dụng biện pháp trừng phạt nhắm vào hoạt động xuất khẩu dầu của Iran từ tháng 11. Washington muốn càng nhiều quốc gia ngưng nhập khẩu dầu từ Iran càng tốt, với mục tiêu giảm doanh thu và các đồng tiền mạnh chảy vào Iran.