Những người “gánh” luật lên non

Thùy Dương| 12/09/2014 08:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tôi đã từng đi dọc dài biên giới, qua nhiều vùng đất cam khó bậc nhất Việt Nam, đã từng theo chân nhiều đoàn cán bộ Tòa án đi xét xử lưu động ở những xã, những bản làng mà chỉ cần gọi tên cũng đủ gợi xa xôi.

Ở những nơi tận cùng khốn khó, lam lũ, nhọc nhằn như thế, tôi đều thấy sáng lên cái “tình” của những người cán bộ Tòa án vùng cao.

Họ - người cán bộ Tòa án không chỉ làm những việc mà Đảng, Nhà nước và nhân dân phân công, giao phó, hơn thế nữa, họ đã lăn xả vì cộng đồng. Bên cạnh công tác xét xử, nhiều người còn vác ba lô lội rừng vào “ba cùng” với đồng bào nơi biên giới với mục đích duy nhất là để tuyên truyền, vận động nhằm xóa bỏ những tập tục, lề thói cổ hủ đã ăn sâu, bén rễ đồng bào dân tộc thiểu số từ đời này sang đời khác. Và, họ được mệnh danh là những người “đi thắp sáng vùng cao” hay những người “gánh” luật lên non.

“Ba cùng” với đồng bào nơi biên viễn

Tôi đã từng gặp những con người lăn lộn, tận tụy với vùng cao, thao thức với đồng bào một cách khó tin ấy. Đó là trường hợp Thẩm phán Pờ Go Loòng, Chánh án TAND huyện Mường Nhé - huyện ngã ba biên giới của tỉnh Điện Biên. Tính đến giờ, anh Loòng là Chánh án người Hà Nhì duy nhất trong hệ thống Tòa án Việt Nam. Cách đây khoảng hơn chục năm, khi huyện Mường Nhé mới được thành lập với 6 xã vừa được tách ra khỏi hai huyện Mường Tè và Mường Lay (cũ), anh Loòng là lớp cán bộ đầu tiên được điều động về đây công tác.

Lúc bấy giờ, khắp vùng biên viễn Mường Nhé còn khuất nẻo, hoang vu đến tột cùng. Nó hoang vu đến độ, thỉnh thoảng mỗi sớm mai thức dậy, anh Loòng vẫn còn thấy những dấu chân cọp in trên ruộng rau sau cái trụ sở dựng tạm bằng gianh tre, nứa lá. Đồng bào ở đây chủ yếu là người dân tộc Mông với truyền thống du canh du cư từ ngàn đời trước. Họ đốt rừng, phát rẫy làm nương, đến khi nào đất đai bạc màu, cây lúa không còn trổ bông trĩu hạt thì dắt díu, gánh gồng chuyển nhà đi nơi khác.

Thời điểm ấy, anh Loòng đã từng “cơm đùm cơm nắm” cùng nhiều đoàn cán bộ lội rừng, lội suối hàng tuần, hàng tháng trời vào “ba cùng” với đồng bào để vận động họ về dựng làng, lập bản. “Gọi” được đồng bào về rồi lại phải mất rất nhiều công sức thuyết phục họ không di cư tự do, không lang thang rừng núi nữa. Đồng bào bước ra từ rừng già sâu thẳm, từ cuộc sống “ăn hang ở lỗ”, mọi thói quen sống đến phong tục tập quán đều được lưu truyền từ nhiều đời trước. Họ bị bóng đen từ quá khứ ủ trong đói nghèo và mông muội. Muốn giúp họ trồng cây gì, nuôi con gì để thoát khỏi hủ tục và đói nghèo truyền kiếp, những người cán bộ như anh Loòng đều phải hướng dẫn tận tình, tỉ mỉ từng chút một. Đến khi đồng bào “no cái bụng” thì lúc bấy giờ, cán bộ mới nghĩ đến chuyện dạy cho họ cái chữ và sâu xa hơn nữa là những kiến thức sơ đẳng về pháp luật...

Những người “gánh” luật lên non

Thẩm phán Pờ Go Loòng, Chánh án TAND huyện Mường Nhé và tác giả (bên trái ảnh)

Cứ thế, công cuộc “gánh” chữ, “gánh” luật lên non của anh Loòng kéo dài ra mãi. Nhà xa, tít hút tận Mường Tè, mỗi lần muốn về thăm vợ con, anh phải cuốc bộ mất ba ngày đêm mới ra đến Chà Cang, rồi từ đó bắt ôtô đi tiếp, cả đi và về ít nhất cũng ngót nghét chục ngày. Xa xôi, cách trở như thế nên có những thời điểm gần hai năm trời, anh Loòng “không được ăn bữa cơm vợ nấu”, “không biết mấy đứa con của mình cao thấp ra sao, ốm đau sài đẹn thế nào?”. Thế mới thấy được cái tình, cái sự hy sinh thầm lặng của những người cán bộ Tòa án vùng cao như anh Loòng.

“Mình làm được cái gì cho họ, dù nhỏ bé hay lớn lao cho nơi này, mình đều thấy mãn nguyện. Đồng bào ở đây, từ đời cha, đời ông, rồi đến đời họ đều sống lang bạt trong những cánh rừng già, sống với con ma rừng, với bệnh tật và sự lạc hậu tột cùng. Nhìn những thiếu nữ mới 15, 16 tuổi đã con bồng con bế, đứa nào đứa nấy đều gầy gò, đen đúa, cóc cáy như nhau vì đói rạc đói rày; nhìn những thanh niên người Mông, người Thái mười tám, đôi mươi, vâm vam như đại bàng núi mà cứ đổ đời vào ma túy thì mình phải nghĩ ra cách gì đó để cứu họ, để “đánh thức” họ chứ? Chẳng lẽ để họ chìm lút trong u mê, lầm lạc mãi như thế hay sao?”, anh Loòng đã từng trải lòng với tôi như thế.

“Cõng” phiên tòa về bản

Và quả thật, cũng chính vì cái khát vọng muốn “đánh thức”, muốn xua đi những phong tục tập quán, những thói quen cổ hủ, lạc hậu, u tối, mê muội từ thưở hồng hoang của đồng bào mà đôi khi các cán bộ Tòa án phải “cõng” vành móng ngựa, loa đài, phông bạt đi hàng chục, thậm chí hàng trăm cây số đường rừng núi để tổ chức những phiên tòa lưu động. Bởi, những phiên tòa như thế sẽ góp phần rất lớn vào việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao ý thức, “xóa mù pháp luật” cho đồng bào. Đường rừng quá xa, nhiều đoạn đi cứ như khỉ trên vách núi, chỉ cần sơ sểnh một chút là có khi phải trả giá bằng mạng sống. Thế nhưng, năm này qua năm khác, những người cán bộ Tòa án vùng cao vẫn miệt mài đi mãi về những miền heo hút. 

Tháng 6/2014 vừa qua, tôi có dịp cùng đoàn cán bộ của TAND tỉnh Nghệ An đi xét xử lưu động tại một số xã vùng cao biên giới của huyện Quế Phong. Ở đó, bà con đa số là người dân tộc Thái, Mông đời đời kiếp kiếp sống giữa biển núi cao và mây mù đặc quánh. Có những xã vùng sâu, vùng xa như Cắm Muộn, Thông Thụ mà đồng bào ở đây nhiều người từ lúc sinh ra, lớn lên rồi chết đi vẫn chưa hề bước qua đỉnh núi trước nhà, chưa hề biết mặt chiếc tivi. Họ như chiếc lá mủn mục giữa rừng. Tuy chỉ cách thị trấn Kim Sơn náo nức ngoài kia có vài chục cây số, nhưng thế giới mà họ đang sống buồn tẻ và hoang biệt đến tội tình. Bên bờ con suối Sao Va, nhà sàn đìu hiu nép giữa hoang vu, giữa tiêu điều xóm núi.

Xa xôi, cách trở là thế, đến “đường nhựa còn không bò vào bản được”, vậy mà có những thời điểm, tính trong hai xã Thông Thụ và Cắm Muộn có đến cả trăm người bị “con ma túy, HIV “bò” vào đem đi mất”. Ở những nơi đó, từ xưa đến nay, ma túy vẫn là nỗi ám ảnh khôn cùng. Cách đây ít năm, trong một số bản làng tít hút nơi rừng thẳm, đồng bào người Mông, người Thái vẫn còn lén lút trồng cây thuốc phiện. Con nghiện là đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ, thậm chí có đứa trẻ vừa mới sinh ra đã làm quen với thuốc phiện khi phải bú dòng sữa của bà mẹ nghiện. Thuốc phiện, ma túy giống như cái vòng ma quái quấn bíu, tàn phá bản làng. Thế nên, việc đưa các vụ án ma túy về những nơi “thâm sơn cùng cốc” như thế để xét xử lưu động là vô cùng quan trọng. Bởi, những phiên tòa ấy sẽ góp phần làm thay đổi nhận thức của đồng bào.

Những người “gánh” luật lên non

Công tác chuẩn bị cho một phiên tòa lưu động

Trước hôm xét xử, tôi cùng với anh em trong đoàn công tác đã phải mang toàn bộ những trang thiết bị như vành móng ngựa, loa đài, biển bảng vượt gần hai mươi cây số đường rừng để vào UBND xã Thông Thụ. Đường bò ngoằn ngoèo bên sườn núi, thăm thẳm một bên là vực, bên kia là dốc đá dựng trời. Vào đến nơi, chuẩn bị xong Hội trường xét xử, ai nấy đều chân tay rã rời.

Anh Nguyễn Công Phong, Phó Chánh án TAND huyện Quế Phong, Nghệ An, người đi cùng chúng tôi hôm ấy, bảo: “Đây là còn mượn được Hội trường của UBND xã, chứ nhiều khi vì nhiệm vụ, anh em phải “mang cả phiên tòa vào bản”. Băng rôn, phông bạt, khẩu hiệu cuộn lại, vài anh cán bộ trẻ “cõng” qua rừng qua núi rồi kiếm một bãi đất trống, sau đó mới đào hố, chôn cột dựng lên thành “Hội trường xét xử”. Hôm nào trời quang mây tạnh còn đỡ, chứ nếu lỡ giông gió bất kỳ thì sự khó khăn, vất vả chả văn bút nào tả xiết”.

Hôm diễn ra phiên tòa, ngay từ sáng sớm đã có hàng trăm người dân kéo đến sân Ủy ban để chờ xem “pháp luật trừng trị đứa buôn ma túy thế nào”. Ngồi chủ tọa phiên tòa hôm ấy là Thẩm phán Vi Văn Chắt, Chánh tòa Tòa Hình sự TAND tỉnh Nghệ An. Trong suốt quá trình xét xử, anh Chắt liên tục phải giảng giải, phổ biến cho bị cáo và đồng bào những kiến thức về pháp luật như: Buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy thì vi phạm pháp luật ra sao, sẽ bị trừng phạt như thế nào? Đến ngay cả cái chuyện động viên, khuyên nhủ đồng bào từ bỏ tập tục trồng cây thuốc phiện, anh Chắt cũng phải khéo léo lồng ghép vào quá trình xét xử để cho mọi người dễ nghe, dễ hiểu.

Cũng trong đận ấy, có những phiên tòa xét xử tội phạm về ma túy được anh Chắt cùng đồng nghiệp cho tổ chức ngay tại trung tâm cai nghiện. Khắp hội trường xét xử, rặt một màu áo xanh của học viên. Những “khán giả bất đắc dĩ” đó, 100% là con nghiện. Người ít thì vài năm, người nhiều có thâm niên đến cả chục năm đánh bạn với “ả phù dung”. Thậm chí, trong số họ còn có người đã từng “nhét” hết cả nhà cửa, ruộng vườn, đất đai hương hỏa của cha ông để lại vào trong nõ điếu, bàn đèn.

Quá khứ của học viên lầm lạc là thế, giờ muốn thức tỉnh, muốn giác ngộ họ thì liệu có biện pháp nào tốt hơn việc cho họ ngồi nghe HĐXX luận tội những kẻ từng một thời là “bạn nghiện” của mình? Chả thế, ngay sau khi nghe chủ tọa phiên tòa tuyên án, không chỉ bị cáo mà ngay cả những học viên ngồi xem phía dưới cũng “toát mồ hôi hột”, dù quạt trần rú rít trên đầu. Có lẽ, đối với những thành phần ấy, chẳng có cách giáo dục ý thức pháp luật nào tốt hơn những phiên tòa như vậy. Bản án càng nghiêm khắc bao nhiêu thì tính răn đe, giáo dục càng cao...

Cứ thế, mỗi năm có đến hàng ngàn, hàng vạn vụ án được Tòa án các cấp đưa ra xét xử lưu động trên toàn quốc. Thật khó để đong đếm hết được những khó khăn, vất vả, nhọc nhằn mà những người cán bộ Tòa án đã phải vượt qua. Và, càng không thể đong đếm được đã có bao nhiêu mồ hôi, công sức của những con người như thế đổ xuống để hướng đến một xã hội văn minh, bình đẳng và thượng tôn pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những người “gánh” luật lên non