Bi hài chuyện đổi “quốc tịch” cho… hoa quả

Nguyễn Việt Hưng| 27/03/2015 06:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mới 3 giờ sáng mà dòng người và xe đổ về chợ Long Biên ngày một đông. Phần lớn mặt hàng ở đây là các loại rau, củ, quả, trong đó đa số có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc.

Thế nhưng, chỉ bằng vài chiêu "phù phép", những quả lê, táo, nho này đều được đổi "quốc tịch" thành Mỹ, Úc, Nhật, Hàn… trước khi đến tay người tiêu dùng với giá cắt cổ.

Dán tem Mỹ cho hàng Trung Quốc

Lâu nay, Long Biên nổi tiếng là chợ đầu mối về hoa quả. Theo một số tiểu thương ở đây cho biết, có tới gần 80 - 90% hoa quả nhập về chợ có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Một trong những nguyên nhân chính khiến lượng hoa quả từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam áp đảo các thị trường khác là do giá cả mềm, sức mua lớn. Khắp khu chợ mênh mông này, nhẩm đếm cũng chỉ gần 10 sạp bán táo Mỹ, New Zealand... còn lại hầu hết đều bán hàng Trung Quốc. Ngay cả những chủ sạp này cũng chỉ nhập một lượng rất nhỏ lượng hoa quả chất lượng cao, còn đâu họ dành vốn nhập hàng Trung Quốc.

Thông thường, mỗi xe container chứa khoảng 3.500-4.000 thùng trái cây loại 14kg, tương đương con số gần 40 tấn hàng/xe. Đó là chưa tính tới lượng hàng hóa được chuyên chở bằng các chủng loại xe tải nhỏ hơn. Nếu mỗi chủ quầy lớn tiêu thụ 2-3 xe container, sơ sơ tại khu vực chợ này có khoảng chục quầy như thế, thì lượng hàng trái cây Trung Quốc trung chuyển qua đây lên tới hàng trăm tấn mỗi đêm. Vậy một số lượng lớn hoa quả khủng như vậy sẽ ra thị trường bằng những con đường nào? Và hoa quả ở một số cửa hàng gắn mắc là hàng nhập “xịn” liệu có đúng với tên vẫn thường gọi của chúng hay không?

“Do đây là chợ đầu mối nên tập trung dân buôn hoa quả không chỉ đến từ Hà Nội mà phần đông là từ các tỉnh lân cận, như Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An... Nếu ai không đặt hàng trước, không có mối quen thì sẽ phải mua lại của các chủ sạp ở đây, với giá cao hơn nhiều so với giá mua của thương lái vừa chuyển hàng về Trung Quốc. Nguồn hàng bán ở các chợ nhỏ trong thành phố chỉ chiếm một phần nhỏ thôi, còn chủ yếu là đi ngoại tỉnh...", một chủ quầy tên Bình vừa nói vừa chỉ tay về phía vài chục chiếc xe tải cỡ nhỏ đang đua nhau chất hàng.

Bi hài chuyện đổi “quốc tịch” cho… hoa quả

Hoa quả Trung Quốc tràn lan trên thị trường

Phần lớn số hàng này đều được chứa trong các hộp các tông có chữ Trung Quốc, bịt kín mít. Theo tiết lộ của chị Bình thì tuy là hàng có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng các chủ cửa hàng hoa quả thường "lập lờ đánh lận con đen", biến chúng thành hàng Mỹ, New Zealand để bán với giá cao hơn bằng cách mua thêm tem để dán lên loại hoa quả cần bán. Tất cả những tem này đều có tên loại hoa quả, nơi xuất xứ, tuy nhiên nơi sản xuất và thời hạn sử dụng thì không hề có.

Khó bề kiểm soát

Qua tìm hiểu, hoa quả Trung Quốc vào Việt Nam theo hai hình thức, nhập khẩu chính ngạch qua đường cửa khẩu, hoặc được cư dân biên giới vận chuyển theo chính sách biên mậu, sau đó thu gom và đưa về xuôi. Trên thực tế, lượng trái cây nhập chính ngạch lớn hơn rất nhiều đường tiểu ngạch. Và số hoa quả này đã được kiểm tra về dịch hại và an toàn thực phẩm (ATTP).

Sau khi đã có “Giấy chứng nhận kiểm dịch và ATTP hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu” thì các lô hàng này được các tiểu thương đưa đi tiêu thụ khắp nơi, thậm chí là được "ngồi" trong siêu thị với "quốc tịch" khác như Mỹ, Úc, Canada... Theo bà Đào Thị Hương, một người bán hoa quả tại đây thì các loại hoa quả ở chợ từ nhiều nguồn đổ về. Chúng lại được phân thành nhiều loại khác nhau. Thường thì người bán sẽ chia thành loại đẹp và loại xấu. Loại đẹp thì giá đắt, các chủ cửa hàng lớn lấy về bán trong các cửa hàng hoa quả sạch, siêu thị với giá không hề rẻ, thường là gấp 5 - 7 lần giá trị thực, hàng kém hơn thì bán cho các cửa hàng nhỏ lẻ, hàng rong, các quán cà phê…

“Làm gì có táo Mỹ, táo New Zealand hay xoài Thái Lan mà lắm thế? Không cứ gì trong siêu thị, mà ngõ phố, quầy bán hoa quả nào cũng cứ giới thiệu thế cho sang chứ toàn là đồ Tàu được hô biến cả. Cửa hàng tôi thì bán loại bình thường, giá cả bình dân, chứ những chủ hàng hoa quả lớn thì đều có mối riêng. Họ thường chọn mua những loại hàng có mẫu mã đẹp, sáng màu nên người mua nhìn giống "hàng hiệu". Thực chất, số hoa quả đó đã được qua xử lý, có khi để hàng tháng trời không hỏng”, bà Hương, một chủ hàng lớn ở chợ Long Biên chia sẻ.

Bi hài chuyện đổi “quốc tịch” cho… hoa quả

Chị Thu Hoài: "Tốt nhất nên mua hoa quả Việt Nam..."

Ngoài chuyện lợi nhuận, một nguyên nhân nữa khiến các chủ cửa hàng hoa quả "tẩy" xuất xứ của hàng hóa là do mấy năm gần đây, người dân thường có tâm lý e sợ đối với hàng đến từ thị trường Trung Quốc, nhất là kể từ sau vụ nho Trung Quốc giả nho Mỹ bị phát hiện vào cuối năm 2014. “Hiện nay, nhiều cửa hàng hoa quả đang bán đồ Tàu nhưng vẫn hô là hàng Mỹ, Chile, Thái Lan, Nhật. Sở dĩ như vậy vì họ sợ tâm lý tẩy chay hàng Trung Quốc nên đã tìm cách “lách” bằng cách dán tem, nhãn của châu Âu, Mỹ, Chile… nhằm tạo sự an tâm cho người tiêu dùng”, bà Lan, một chủ cửa hàng hoa quả lớn ở chợ Xanh cho biết.

Mẹo để không mua phải "hàng Tàu, giá Mỹ"

Để không mua phải "hàng Tàu, giá Mỹ", bà Lan chia sẻ: “Khi mua hàng, với táo Mỹ thì màu hơi sẫm, đen, quả tròn trông rất đều nhau, ăn rất giòn, vị rất ngọt. Táo Tàu thì không được như thế, qua tẩm ủ, chúng không còn nhiều độ giòn nữa, vị cũng nhạt hơn. Với lê thì lê Australia thường có màu đỏ vàng, trái dài, lê Hàn Quốc quả tròn, vỏ màu vàng nhạt, thịt trắng, giòn, ngọt và nhiều nước, còn lê Trung Quốc thường có hình dạng tròn và màu trắng vàng nhạt, quả không đều. Riêng nho thì Trung Quốc chỉ có nho đỏ là hay bị gắn tem Mỹ, còn nho đen thì Trung Quốc không trồng được”.

Có một thực tế đang diễn ra là hiện nay, bên cạnh những cửa hàng to, đẹp đề biển bán hàng sạch, hàng ngoại nhập thì một số hàng hoa quả vỉa hè, xe bán rong cũng có hàng ngoại nhập “xịn” dán tem. Thắc mắc về việc này, bà Lan tiết lộ thêm: Hoa quả trong cửa hàng to hay bán rong thường cũng chỉ nhập một nơi là các chợ đầu mối. Chỉ có điều, người nào may thì chọn được thùng đẹp, quan trọng là có cửa hàng to thì bán giá cao cắt cổ. Người nào vốn ít, không có cửa hàng mà bày bán ở vỉa hè, bán rong... thì giá thấp hơn. “Trong cửa hàng, họ cứ gọi là táo Mỹ, táo Úc hay New Zealand… chứ thật ra, mấy loại này đều nhập từ chợ Long Biên cả”, bà Lan khẳng định.

Theo bà Lan, sở dĩ quả đẹp, ngon, sáng mịn và chín vàng vì được sử dụng hoá chất để bảo quản. Loại hoá chất này được gọi là 2,4D, được dùng để làm cho một số loại hoa quả như cam, lê, táo... trơn bóng, giữ được lâu đến 3 - 4 tháng. Còn chuối, đu đủ từ xanh chỉ cần ủ qua đất đèn một đêm là chín vàng, láng bóng và đều màu.

Chị Thu Hoài, một người bán hoa quả ở đầu phố Nguyễn Quý Đức (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm: “Hoa quả loại to, bóng, mịn màng... thì đều có hóa chất. Chị bán thì bán thế nhưng chị không dại ăn nhiều, phát bệnh đấy. Nếu để ăn thì nhà chị thường chọn những loại quả loại chín không đều, quả vừa, nhiều khi chọn quả càng xù xì, mã ngoài càng xấu thì càng an toàn. Để tránh mua phải hoa quả ngâm hoá chất hay sử dụng chất bảo quản thì tốt nhất là không bao giờ mua hoa quả trái vụ. Cứ mùa nào thức nấy cho lành, lại rẻ…".

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bi hài chuyện đổi “quốc tịch” cho… hoa quả