Phó Tổng GĐ Công ty Nhật Cường nói gì về nguồn hàng đã được ông chủ móc nối?

Mạnh Hùng| 05/05/2021 18:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau khi khép lại phần công bố cáo trạng vụ án “Buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Nhật Cường) của đại diện VKS, chiều 5/5, HĐXX TAND TP Hà Nội đã tiến hành xét hỏi các bị cáo.

Nguồn hàng của Nhật Cường được nhập về từ đâu?

Theo đó, trả lời các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Trần Ngọc Ánh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường cho biết, khi vào làm việc ở Nhật Cường, bị cáo phụ trách CNTT (phần cứng điện thoại); đến năm 2011-2012, công ty bắt đầu mở rộng mảng bán lẻ, bị cáo phụ trách mảng kinh doanh, đi mở rộng hệ thống cửa hàng, thuê địa điểm kinh doanh, thuê nhân viên phát triển hệ thống bản lẻ… Dù làm việc cho Nhật Cường từ những ngày đầu nhưng bị cáo Ánh lại “không để ý đến các ngành nghề kinh doanh của công ty mà chỉ biết là có kinh doanh điện thoại”.

0308b693-cdb0-45fb-b88e-48f1cfd588ff.jpeg
Bị cáo Trần Ngọc Ánh - Phó TGĐ Công ty Nhật Cường

Công ty kinh doanh chủ yếu phụ kiện điện thoại, từ năm 2013 bắt đầu có thêm mảng bán lẻ điện thoại di động; nguồn hàng của công ty phần lớn được mua từ các nhà cung cấp chính hãng trong nước; ngoài ra có các mặt hàng nhập từ nước ngoài về.

Theo lời khai của Phó tổng giám đốc Trần Ngọc Ánh, nguồn hàng nước ngoài trước tháng 7/2015 trở về trước đều do Bùi Quang Huy (Tổng giám đốc) phụ trách, các bị cáo không tham gia.

Sau này, Bùi Quang Huy muốn mở rộng các mảng kinh doanh khác nên giao cho các nhân viên dưới quyền mua hàng nước ngoài, có hợp đồng, hóa đơn, mua trực tiếp hoặc thuê vận chuyển về Việt Nam. Bị cáo Ánh khai: “Từ tháng 7/2015 trở về sau, có 12/16 nhà cung cấp mà bị cáo cùng tham gia thương thảo với họ. Việc móc nối, tìm kiếm nhà cung cấp đều do Bùi Quang Huy làm từ trước, bị cáo chỉ tiếp tục thực hiện. Dưới bị cáo còn có một số nhân viên kinh doanh khác, tham gia tư vấn các mặt hàng cần mua”.

Cũng theo lời khai của bị cáo Ánh, Bùi Quang Huy lập sẵn “nhóm chat” với các nhà cung cấp; mỗi nhà cung cấp là một nhóm chat, trong đó có có Bùi Quang Huy, bị cáo Ánh và đại diện nhà cung cấp. Cách thức liên lạc chủ yếu qua mạng xã hội như ứng dụng Wechat, WhatsApp. Cũng có đơn vị bán hàng thông qua hợp đồng, qua email để gửi hợp đồng.

b2101b57-6bb0-4b79-9303-53d44fd65b34(1).jpeg
Các bị cáo tại phiên toà xét xử

Từ năm 2014 - ngày 9/5/2019 (thời điểm thực hiện khám xét khẩn cấp), Công ty Nhật Cường mua 2.502 đơn hàng với 16 nhà cung cấp nước ngoài; mua 255.311 chiếc điện thoại di động iPhone các loại, máy tính, máy tính bảng, máy nghe nhạc, Apple TV, đồng hồ và một số điện thoại nhãn hiệu khác, với tổng trị giá 2.927 tỉ đồng...

Sau khi mua hàng, Bùi Quang Huy và đồng phạm không ký hợp đồng với các nhà cung cấp để nhập khẩu chính ngạch, mà chi 72 tỉ đồng thuê các đối tượng vận chuyển, tiếp nhận hàng của nhà cung cấp và tổ chức vận chuyển trái phép từ nước ngoài về Việt Nam. Bùi Quang Huy trực tiếp chỉ đạo Trần Ngọc Ánh giao dịch, trao đổi với những người vận chuyển để thỏa thuận, thống nhất về giá và phương thức thanh toán cước phí vận chuyển...

Sau đó, nhóm phụ trách vận chuyển thông qua nhóm chat WhatsApp vận chuyển để cung cấp thông tin cho đối tượng vận chuyển…

Tiền vào ra của Nhật Cường

Về việc thanh toán tiền mua hàng lậu, sau khi giao dịch đặt mua hàng, Bùi Quang Huy đã thông báo cho Nguyễn Bảo Ngọc - Giám đốc tài chính Công ty Nhật Cường về các thông tin liên quan đến việc chuyển tiền cho nhà cung cấp để Ngọc cân đối nguồn tiền và giao cho nhân viên chi tiền dưới nhiều hình thức.

9e2084b1-25c8-410f-b4e3-cd85c7d63937(1).jpeg
Bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc, Giám đốc tài chính Công ty Nhật Cường

Theo lời khai của nữ Giám đốc tài chính Nguyễn Bảo Ngọc, toàn bộ đầu ra, trả tiền hàng đều thông qua bị cáo, chỉ đạo thủ quỹ thanh toán, thông tin lấy từ Bùi Quang Huy và bộ phận kinh doanh. Đặc biệt, có việc chuyển tiền (tiền mặt hoặc chuyển khoản) cho các cá nhân là người của các trung gian thanh toán, mà cụ thể ở đây là các tiệm vàng ở phố Hà Trung và Hàng Dầu để các trung gian thanh toán quy đổi ngoại tệ và chuyển vào tài khoản nước ngoài do các nhà cung cấp yêu cầu.

Tài liệu trích xuất từ hệ thống phần mềm ERP của Công ty Nhật Cường thể hiện Bùi Quang Huy và đồng phạm đã thông qua tiệm vàng Lộc Phát (phố Hà Trung) và tiệm vàng Thuận Phát (phố Hàng Dầu) ở Hà Nội để chuyển tiền hàng, tiền cước vận chuyển vào tài khoản tại nước ngoài của các chủ hàng, đường dây vận chuyển. Cụ thể, tiệm vàng Lộc Phát chuyển hơn 1.700 tỉ đồng, tiệm vàng Thuận Phát chuyển hơn 795 tỉ đồng.

Là người làm việc từ Nhật Cường từ những ngày đầu, bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc cho biết, công ty có 2 phần mềm sổ sách kế toán để ghi chép số liệu hoạt động kinh doanh của công ty.

Tuy nhiên, theo bị cáo Ngọc, bản thân bị cáo chỉ làm việc trên phần mềm quản lý doanh nghiệp ERP (tất cả các nhân viên đều được cấp quyền truy cập để phục vụ cho công việc của bộ phần mình); phần mềm MISA thì bị cáo không được cấp quyền, không có quyền truy cập.

6ab8a7ff-a9db-4750-b0de-76fe7b685e37(1).jpeg
Bị cáo Nguyễn Thị Bích Hằng, Kế toán trưởng Công ty Nhật Cường

Cũng trong phần xét hỏi chiều nay, bị cáo Nguyễn Thị Bích Hằng - Kế toán trưởng Công ty Nhật Cường cho biết, Bùi Quang Huy chỉ đạo sử dụng 2 phần mềm ERP và MISA để ghi chép số liệu hoạt động kinh doanh. Bị cáo Hằng được Bùi Quang Huy giao phụ trách công tác kế toán của công ty, sử dụng phần mềm MISA để kê khai thuế, lập sổ sách kế toán, báo cáo tài chính, báo cáo thuế.

Quá trình kê khai thuế, lập sổ sách kế toán, Hằng chỉ ghi chép số liệu liên quan đến việc mua vào bán ra hàng hóa có hóa đơn, chứng từ, có nộp thuế vào sổ sách kế toán trên phần mềm MISA.

Bị cáo Hằng cũng khai bản thân không ghi chép số liệu trên ERP nhưng được cấp quyền truy cập phần mềm này để xem, trích xuất các số liệu về hoạt động kinh doanh của công ty. Như vậy, do là hàng nhập lậu, khi mua không có hóa đơn nên Phòng Kế toán không thể hạch toán được vào sổ sách, vì vậy số liệu thể hiện trên phần mềm ERP lớn hơn số liệu trên phần mềm MISA.

Theo cơ quan công tố, hành vi lập 2 hệ thống sổ sách kế toán của Công ty Nhật Cường còn nhằm mục đích che giấu hoạt động kinh doanh bất hợp pháp (buôn lậu, rửa tiền…), tránh sự kiểm tra, phát hiện của các cơ quan chức năng.

Anh trai ông chủ Nhật Cường làm trông xe

Khai trước HĐXX, bị cáo Bùi Quốc Việt (anh trai ruột bị can Bùi Quang Huy) cho biết, bị cáo từng đi xuất khẩu lao động từ năm 1989 đến năm 2004 mới về nước. Sau đó, do thất nghiệp nên gia đình “động viên” vào làm tại Công ty Nhật Cường của em trai.

Bị cáo Việt khẳng định, chỉ biết em trai có đóng bảo hiểm xã hội cho mình, không biết có ký hợp đồng lao động hay không. Bị cáo Việt nói: “Bị cáo đi trông xe ngoài vỉa hè, làm được lương hơn 1 triệu và đến năm 2019 là 6 triệu đồng. Bị cáo cứ ai giao việc thì làm, nhân viên nhờ bị cáo sẽ đi, bận việc riêng thì thôi”.

Trước câu trả lời trên, chủ tọa Trần Nam Hà tiếp tục hỏi thêm về công việc khác, bị cáo Việt nói: “Từ năm 2012, sau khi bị cáo lấy vợ, bị cáo đi thu tiền từ các cửa hàng bán lẻ, ngày nào cũng đi. Cứ 8h30 bị cáo đến, đi hơn 10 cửa hàng thu tiền rồi ra ngân hàng nộp, đến 12 hết trách nhiệm về”.

Bị cáo Việt cũng thừa nhận có một số lần đi nhận hàng lậu cho Nhật Cường, trong đó, có 3 lần nhận hàng từ một người tên Lợi đi xe bồn chở xăng đến Hà Nội. Tuy nhiên, về trị giá số hàng này hơn 7 tỷ đồng, Bùi Quốc Việt khai không biết vì bản thân “chỉ biết nhận”.

Bùi Quốc Việt cho biết thêm bị bắt vào ngày 10/7/2020 tại trụ sở C03 Bộ Công an và trước đó không liên lạc với em trai Bùi Quang Huy; bị cáo không biết Huy đã, đang đi đâu, làm gì.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Tổng GĐ Công ty Nhật Cường nói gì về nguồn hàng đã được ông chủ móc nối?