Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh nội dung trên tại Lễ ra quân Năm an toàn giao thông 2021, diễn ra sáng ngày 5/1.
Buổi lễ do Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia và UBND Thành phố Hà Nội tổ chức.
Phát biểu tại Lễ ra quân, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia nêu rõ: Năm ATGT 2021, Ủy ban ATGT Quốc gia chọn chủ đề “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật bảo đảm trật tự ATGT ” nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông vận tải và hoạt động thực thi pháp luật về trật tự ATGT.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu Uỷ ban ATGT Quốc gia, các Bộ, ngành, đoàn thể và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Kế hoạch Năm An toàn giao thông 2021 với chủ đề “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật trong bảo đảm trật tự ATGT” từ cấp Trung ương đến tận cấp cơ sở ngay từ những ngày đầu tiên của năm 2021; thực hiện tốt 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm đã nêu trong Kế hoạch; phấn đấu kéo giảm từ 5-10% số vụ TNGT, số người chết, bị thương do TNGT so với năm 2020; khắc phục ùn tắc giao thông tại Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các đô thị lớn.
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đưa ra một số nhiệm vụ lớn đề nghị các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị-xã hội và đặc biệt là lực lượng thực thi pháp luật từ trung ương đến địa phương thực hiện
Một là, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, xây dựng văn hoá giao thông với trọng tâm là hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn, cảnh báo nguy cơ tai nạn giao thông; lên án các hành vi “phi văn hoá” khi tham gia giao thông; vận động nhân dân ủng hộ, hợp tác với lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; thông tin về chế tài nghiêm khắc của pháp luật, như quy định tại Nghị định 100 của Chính phủ, đối với những hành vi vi phạm; tuyên truyền về tính khách quan, chính xác của việc xử phạt “nguội” qua hệ thống camera, cân xe tự động… Giúp người dân nhận thức đúng, thay đổi hành vi, từ đó tham gia giao thông một cách có văn hoá và an toàn hơn. Đồng thời, hướng dẫn người dân thực hiện tốt phòng, chống dịch COVID-19 khi tham gia giao thông.
Hai là, tập trung xây dựng hình ảnh cán bộ thực thi pháp luật “Liêm chính, nhân văn, tận tâm, vì dân phục vụ”. Ngành Giao thông vận tải, ngành Công an và các ngành liên quan cần tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết trung ương 4 khoá XI, XII về chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ của trong toàn lực lượng làm công tác bảo đảm trật tự ATGT; tăng cường thanh tra, kiểm tra, đấu tranh phòng chống các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quy hoạch, quản lý đô thị; xây dựng, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; đăng ký, đăng kiểm phương tiện; đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cũng như trong thanh tra, tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về trật tự ATGT. Mỗi cán bộ, công chức trong lực lượng thực thi pháp luật nhất định phải là một tấm gương về chấp hành tốt pháp luật nói chung và pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT nói riêng.
Ba là, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đặc biệt là công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, tổ chức giao thông, coi đây là chìa khoá để thực hiện thành công năm ATGT 2021 với chủ đề “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật trong bảo đảm trật tự ATGT”.
Chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và đón Tết Nguyên đán Tân Sửu, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các Bộ, ngành liên quan và các địa phương triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại Công điện 1711 ngày 07/12/2020, vừa bảo đảm trật tự, ATGT, vừa gắn với phòng, chống COVID-19 trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và Lễ hội Xuân 2021. Trong đó, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, ATGT, không vì Tết mà "nể nang, xuê xoa". Các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền để toàn xã hội thấy việc dừng xe, kiểm tra, xử phạt để ngăn không cho tai nạn xảy ra, không để thương vong xảy ra, đó chính là món quà Tết có ý nghĩa nhất đối với mọi người dân.
Không để phương tiện vận tải, người điều khiển, nhân viên phục vụ và hành khách không tuân thủ quy định phòng dịch COVID-19 khi tham gia giao thông; có phương án ứng phó hiệu quả khi phát sinh tình huống có người nhiễm COVID-19 tại các đầu mối giao thông và trên phương tiện công cộng; gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị nếu để xảy ra tình trạng lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 trên các phương tiện giao thông hoặc địa bàn thuộc phạm vi quản lý.
Tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn hiệu quả tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm về mua bán, vận chuyển chất nổ, chất cháy, các loại pháo; không để xảy ra tình trạng đốt pháo nổ trong dịp Lễ, Tết Nguyên đán.
Trong giai đoạn 2016-2020 số vụ TNGT giảm 42,71%, số người chết giảm 19,01% và số người bị thương giảm 53,91% so với giai đoạn 2011-2015. Đặc biệt năm 2020, TNGT đã giảm sâu nhất trong vòng 10 năm qua: Số vụ giảm gần 18%, số người bị thương giảm gần 20%, số người chết giảm trên 12% và lần đầu tiên số người chết do TNGT giảm xuống dưới 7.000 người/1 năm.
Đáng chú ý là 03 ngày đầu năm 2021 tình hình TNGT đã giảm 09 vụ, giảm 16 người chết, giảm 06 người bị thương so với năm 2020.