Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du tham dự Diễn đàn quốc tế về hợp tác tư pháp

Mai Đỉnh - Mạnh Hùng| 28/10/2021 07:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong khuôn khổ diễn đàn quốc tế “Con đường tơ lụa trên biển về hợp tác tư pháp” bằng hình thức trực tuyến do TANDTC Trung Quốc chủ trì, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du đã có bài phát biểu chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam.

Diễn đàn quốc tế “Con đường tơ lụa trên biển về hợp tác tư pháp” với điểm cầu trung tâm tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.

Sự kiện diễn ra trong 2 ngày 26, 27/10/2021, cùng sự tham gia hơn 30 Thẩm phán đến từ 30 quốc  gia trên thế giới; đại diện cơ qua hàng hải quốc tế và đại diện pháp lý của UNCITRAL..

Tại Diễn đàn, đại diện Tòa án các nước và các tổ chức quốc tế đã cùng nhau trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về những nội dung: Hợp tác tư pháp trong việc công nhận và thi hành các bản án dân sự và thương mại của nước ngoài và việc xác định luật ngoài lãnh thổ; các vấn đề pháp lý về bảo vệ nguồn tài nguyên và sinh thái biển, môi trường; công nhận quốc tế về việc bán đấu giá tàu biển; bảo vệ quyền và lợi ích của thuyền viên do COVID-19; đổi mới và hoàn thiện cơ chế giải quyết đa dạng các tranh chấp thương mại quốc tế.

dien-dan-quoc-te1.jpg
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du tham dự Diễn đàn quốc tế về hợp tác tư pháp

Thay mặt lãnh đạo TANDTC Việt Nam tham dự Diễn đàn, Phó Chánh án Nguyễn Văn Du đã có bài tham luận chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam về nội dung “Đổi mới và hoàn thiện cơ chế giải quyết đa dạng các tranh chấp thương mại quốc tế”.

Theo đó, nhận định xu hướng chung của thế giới về các cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, Phó Chánh án Nguyễn Văn Du cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hoá, các hoạt động hợp tác thương mại, đầu tư giữa các quốc gia ngày càng phát triển. Bên cạnh những tác động tích cực thì các tranh chấp thương mại quốc tế cũng ngày càng tăng đòi hỏi các nước phải tăng cường hợp tác, đổi mới, hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực này.

Nhìn chung, xu thế chung của thế giới là đa dạng hóa các cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, phổ biến là thương lượng, hòa giải, trọng tài và giải quyết bằng con đường Tòa án. Các nước nỗ lực tìm kiếm sự đồng thuận và hài hòa hóa các cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế. Một loạt công ước liên quan đến giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế được nhiều nước ký kết và gia nhập như Công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài, Công ước La Hay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại, Công ước Liên hợp quốc về thỏa thuận quốc tế giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải (Công ước Singapore năm 2019), Công ước Công ước La Hay về công nhận và cho thi hành phán quyết nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước La Hay 2019)...

dien-dan-quoc-te.jpg
Điễn đàn bằng trực tuyến do TANDTC Trung Quốc chủ trì

Chia sẻ về các cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế của Việt Nam, Phó Chánh án Nguyễn Văn Du cho biết, Việt Nam hiện có các cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế đa dạng, bao gồm: thương lượng, hòa giải, trọng tài và Tòa án. Trong đó, Việt Nam khuyến khích các bên tranh chấp lựa chọn cơ chế thương lượng, hòa giải, trọng tài trước khi đưa vụ án ra Tòa án để giải quyết.

Cụ thể, về thương lượng, hòa giải, pháp luật Việt Nam quy định thương lượng là một phương thức giải quyết tranh chấp thương mại. Theo đó, các bên tự lựa chọn các giải pháp và trình tự, thủ tục để giải quyết tranh chấp phát sinh giữa các bên mà không có sự tham gia hay can thiệp của bất kỳ cơ quan, tổ chức nào.

Hiện có hai loại hình hòa giải thương mại chính tại Việt Nam là hòa giải tại Trung tâm hòa giải thương mại độc lập và hòa giải tại Tòa án. Các Trung tâm hòa giải thương mại được thành lập theo Luật Thương mại. Kết quả hòa giải thành được Tòa án xem xét công nhận theo thủ tục quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự Việt Nam

Đối với hòa giải do Tòa án tổ chức, bên cạnh cơ chế hòa giải trong tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự thì Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 đã tạo cơ chế pháp lý mới để các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp, khiếu kiện tại Tòa án trước khi Tòa án thụ lý vụ án.

Đối với phương thức trọng tài thương mại. Các trung tâm trọng tài được thành lập và hoạt động theo Luật Trọng tài thương mại Việt Nam. Tòa án hỗ trợ trọng tài trong thu thập chứng cứ, đăng ký phán quyết trọng tài, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Việt Nam đã gia nhập Công ước New York 1958 về công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài từ năm 1995 và ghi nhận thủ tục này tại Bộ luật Tố tụng dân sự Việt Nam.

Về tố tụng Tòa án. Tòa án đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, là cơ quan tài phán cuối cùng khi các bên thương lượng, hòa giải không thành hoặc không lựa chọn phương thức hòa giải, trọng tài.

Việt Nam đã gia nhập các Công ước liên quan đến giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế như Công ước Viên 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế, Công ước La Hay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại từ năm 2020 và một số hiệp định tương trợ tư pháp về thương mại. Bộ luật Tố tụng dân sự Việt Nam có quy định về giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài, công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài.

Nhấn mạnh về định hướng nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế của Tòa án Việt Nam, Phó Chánh án Nguyễn Văn Du khẳng định, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, Tòa án Việt Nam đã và đang không ngừng nâng cao chất lượng giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế theo phương châm đảm bảo sự công bằng, chính xác, nhanh chóng và ngày càng nhận được sự tin tưởng cao của các bên tranh chấp, công chúng, các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Bên cạnh việc nâng cao năng lực cho Thẩm phán thì Tòa án Việt Nam cũng đang tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Tòa án điện tử, tiến tới việc xét xử bằng hình thức trực tuyến nhằm nâng cao hiệu quả xét xử và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những người sử dụng dịch vụ của Tòa án.

Kết thúc bài phát biểu, Phó Chánh án Nguyễn Văn Du cho rằng trong tiến trình hội nhập quốc tế hiện nay, Tòa án Việt Nam luôn đánh giá cao việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Vì vậy, những thông tin, kinh nghiệm mà các Thẩm phán và tổ chức quốc tế chia sẻ tại Diễn đàn này là nguồn tài liệu quý đề Tòa án Việt Nam tham khảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du tham dự Diễn đàn quốc tế về hợp tác tư pháp