Cho đến khi đứng trước vành móng ngựa và có lẽ đến hết cuộc đời, lương tâm bà Lê Thị Hồng Lan sẽ mãi luôn dằn vặt vì cơn ghen mù quáng dẫn đến kết cục đau lòng: người chồng ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy” phải chết oan tức tưởi và những đứa con sống cảnh mồ côi cha. Bà Lan phải trả giá cho việc xem nhẹ tình nghĩa phu thê đã đành nhưng nhiều người thân cũng bị vạ lâ
Phút hối lỗi muộn màng
Hình ảnh khắc khổ, nước mắt lã chã tuôn rơi trên khuôn mặt của bà Lan trong phiên toà xét xử vụ án “Cố ý gây thương tích” gây hậu quả chết người khiến nhiều người láng giềng đi dự khán không khỏi khạc nhiên. Bởi lẽ thái độ ăn năn đó khác xa với hình ảnh thường ngày mà những người dân sống tại xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương vẫn chứng kiến.
Mặc dù đã ngoại ngũ tuần nhưng bà Lan tính tình vẫn nóng như lửa, hàng xóm nhiều phen phải bịt tai vì những lời chửi bới mắng nhiếc chua chát của Lan dành cho ông Phạm Đình Cường, sinh năm 1934, là chồng của bà Lan. Ngược thời gian hơn 10 năm trước, dù ở tuổi 40 nhưng người đàn bà từng một đời chồng, có bốn con này vẫn khiến ông Cường đắm say ngây ngất. Hai người chung sống với nhau như vợ chồng, tuy không đăng ký kết hôn nhưng kết quả cuộc tình là bà Lan đã sinh cho ông Cường một người con. Sự chênh lệch về tuổi tác kéo theo những bất đồng tâm lý khiến “mối tình” so le của họ chòng chành. Sau một thời gian chung sống, hai người tạm ly thân, ai về nhà nấy nhưng vẫn chạm mặt nhau hàng ngày vì có chung một mảnh vườn.
Trong thời gian sống ly thân, bà Lan nảy sinh nghi ngờ ông Cường lòng thòng với người khác. Càng nghĩ đến cảnh bị phụ tình bà Lan càng tức, bà kể lể rồi lôi kéo hai em ruột của mình Lê Hoàng Hải (sinh năm 1966), Lê Thị Ngọc Vân (sinh năm 1954) và em rể là Nguyễn Ngọc Liên (sinh năm 1949) về phía mình, họ cùng nhau lên án, khiêu khích ông Cường.
Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi chị Nguyễn Thị Mai, sinh năm 1952, ngụ ở xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng đi đến nhà ông Cường trả nợ. Bà Lan nhìn thấy và nghi ngờ ông Cường “ăn nem” nên giận dữ chửi bới ầm ĩ, cố la lối ì xèo cho hàng xóm biết chuyện. Thấy chị gái bức xúc, cô em Ngọc Liên kích động: “Trời ơi già còn mất nết. Chị em mình cùng sang đánh chết đôi mèo mả gà đồng!” Bốn chị em gồm bà Lan, Vân, Liên, Hải kéo sang đánh chị Mai, chị này sợ quá liền chạy vào nhà ông Cường, đóng cửa lại cố thủ. Thấy chị em vợ làm dữ, ông Cường hắng giọng: “Mấy người định làm loạn à, coi tôi không ra gì.
Hôm nay tôi không nhịn nổi nữa rồi”. Nói xong ông Cường cầm một khúc cây gỗ chạy đến can ngăn và xô bà Lan té ngã. Thấy chị gái bị ngã, chị em bà Lan liền xông đến dùng gậy đánh tới tấp vào tay, đầu, lưng ông Cường. Bà Lan lúc này cũng cả giận mất khôn, hùng hổ chồm dậy và dùng tay đấm vào người và cằm ông Cường. Nghe ồn ào, bà con lối xóm chạy đến can ngăn được thì ông Cường đã rũ xuống như tàu lá, mọi người liền đưa đi cấp cứu nhưng do tuổi cao, bị chấn thương quá nặng nên ông Cường đã trút hơi thở cuối cùng. Cơ quan điều tra vào cuộc và khởi tố vụ án, khởi tố bốn chị em bà Lan về hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến chết người.
Ban đầu, bà Lan vẫn cho rằng có đánh ông Cường nhưng chưa nghiêm trọng đến mức gây tử vong cho nạn nhân. Các em của bà Lan cũng khai lý do ông Cường chết là do già yếu, mắc bệnh lao phổi, xơ gan, viêm màng tim (?)... Tuy nhiên, biên bản giám định tử thi cho thấy ông Cường tử vong vì đa chấn thương, tụ máu bán cầu đại não, cuống tiểu não xuất huyết… Kết quả đó tố cáo toàn bộ hành vi ghen tuông, đánh đập tàn nhẫn của chị em bà Lan.
Trước vành móng ngựa, bà Lan nức nở thú nhận hành vi phạm tội: “Tôi đã phạm phải lỗi lầm trong đời. Có những lỗi lầm có thể sửa được, có cái chỉ sửa được một phần, riêng tội lỗi của tôi không bao giờ khắc phục được. Cách chuộc lỗi tốt nhất của tôi là xin khai báo thành khẩn, nhẹ lòng mình mà cũng giúp Toà án không phải mất nhiều thời gian”.
Vị Thẩm phán chủ toạ đánh giá đây là một vụ án lạ vì các hung thủ gây án là bốn chị em, tất cả đều đã lớn tuổi, thậm chí bà Lan đã có cháu. Vậy nhưng bà không làm gương cho con cháu về lối sống lành mạnh, tôn trọng pháp luật. Nguyên nhân vụ án trên suy cho cùng đều do các bị cáo sống thiếu tình nghĩa; thiếu trân trọng, giữ gìn đạo vợ chồng; coi thường hôn nhân...
Chính cách suy nghĩ nông cạn đó khiến các bị cáo ứng xử ích kỷ lạnh lùng, không suy nghĩ cặn kẽ, không biết kiềm chế bản năng dẫn tới phạm tội với hành vi thật nhẫn tâm, độc ác. Dẫu các bị cáo có ăn năn hối hận và được thứ tha, tội lỗi ấy vẫn sẽ là nỗi ám ảnh, day dứt đeo bám suốt đời và ảnh hưởng đến cả con cái của bị cáo. Vụ án cũng là bài học đắt giá không của riêng ai.
(Tên thật nhân vật đã được thay đổi)