Hội nghị Trung ương 8, khóa 12 vừa ban hành Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển.
Theo Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, thành tựu rõ nhất về phát triển kinh tế biển của nước ta trong những năm qua đó là quy mô kinh tế biển và vùng ven biển tăng lên rõ rệt. Cơ cấu ngành, nghề thay đổi cùng với sự xuất hiện các ngành kinh tế - dịch vụ mới như khai thác dầu khí, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.
Kinh tế biển có đóng góp lớn vào xuất khẩu, thu được nguồn ngoại tệ quan trọng, chủ yếu là dầu khí và thuỷ sản. Các ngành vận tải biển, đóng và sửa chữa tàu biển, xuất khẩu thuyền viên bước đầu cũng đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển chung của đất nước.
Nước ta đã hình thành 15 khu kinh tế ven biển là các trung tâm phát triển kinh tế hướng biển. Đây là những khu vực phát triển tổng hợp các ngành, nghề biển như hậu cần nghề cá, công nghiệp gắn với cảng biển và vận tải biển, du lịch biển, đô thị hóa và nghiên cứu khoa học về biển...
Hiện trong 12 huyện đảo thì 66 đảo có dân sinh sống với tổng số trên 155 nghìn người, mật độ dân số trung bình trên các đảo là 95 người/ km2.
Đặc biệt, một số đảo đang phát triển thành những trung tâm kinh tế hướng biển như Vân Đồn, Cát Hải, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc... Hệ thống thể chế quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo từ Trung ương xuống địa phương bước đầu đã được thiết lập. Hệ thống chính sách, pháp luật, các quy phạm về công tác điều tra tài nguyên, quản lý môi trường biển đã được xây dựng để phục vụ quản lý ngành.
Theo Tổng cục Biển và Hải đảo, tình hình khai thác, sử dụng biển và hải đảo chưa hiệu quả, thiếu bền vững do khai thác tự phát, không tuân thủ quy hoạch biển, đảo, làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn lợi ích trong sử dụng đa ngành ở vùng ven biển, biển và hải đảo. Phương thức khai thác biển chủ yếu vẫn dưới hình thức sản xuất và đầu tư nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu. Công nghiệp đóng tàu và vận tải biển bị buông lỏng dẫn đến các vụ án tham nhũng lớn gây thất thoát hàng chục ngàn tỷ đồng ở Vinashin, Vinalines…
Nhìn tổng thể, kinh tế biển vẫn nghiêng về khai thác tài nguyên biển ở dạng thô, không tái tạo, các chuỗi giá trị chức năng, phi vật chất và có khả năng tái tạo của các hệ thống tài nguyên biển còn ít được chú trọng. Ngày càng nhiều chất thải không qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven biển đổ ra biển, một số khu biển ven bờ bị ô nhiễm, hiện tượng thuỷ triều đỏ xuất hiện ngày càng nhiều với quy mô rộng.
Nước ta có vùng đặc quyền kinh tế lớn hơn ba lần phần đất liền, nhiều tiềm năng phát triển nên việc Trung ương ban hành nghị quyết định hướng chiến lược phát triển kinh tế biển là rất cần thiết và hoàn toàn chính xác.
Để hoàn thành mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững, trong đó, kinh tế biển xanh đóng vai trò chủ đạo, cần xây dựng văn hóa sinh thái biển, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng trên nền tảng khoa học - công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng 4.0.
Hơn bao giờ hết cần có sự thống nhất tư tưởng, nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Phát triển bền vững biển Việt Nam phải được coi là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và mỗi người dân.