Pháp đang thu hồi một số sản phẩm mỳ, phở và hủ tiếu ăn liền của Công ty Acecook Việt Nam xuất sang thị trường này.
Cơ quan chức năng Pháp vừa phát đi thông báo thu hồi sản phẩm mì tôm chua cay Hảo Hảo, hủ tiếu và phở ăn liền Ricey, mì Đệ Nhất và mì lẩu thái của Công ty Acecook Việt Nam xuất sang thị trường này.
Cụ thể, các lô hàng bị thu hồi tại Pháp lần này có hạn sử dụng tới tháng 3, tháng 5, tháng 8 và tháng 9/2022. Cơ quan chức năng Pháp yêu cầu thu hồi trước ngày 31/1/2022.
Nguyên nhân dẫn đến động thái trên tiếp tục liên quan đến sự hiện diện của chất Ethylene Oxide trong các sản phẩm của Acecook Việt Nam.
Sản phẩm mì Hảo Hảo đang được bán ở Việt Nam. Ảnh: V.H. |
Trước đó ngày 20/8, Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) ra thông báo thu hồi một số lô sản phẩm mì ăn liền có chứa chất Ethylene Oxide, trong đó có mì Hảo Hảo vị tôm chua cay (loại 77 g, lô hạn sử dụng đến 24/9/2022) và miến Good vị sườn heo (loại 56 g, lô hạn sử dụng đến 10/11/2022) do Acecook Việt Nam sản xuất.
Đến ngày 28/8, EU tiếp tục đưa cảnh báo sản phẩm mì khô vị bò gà có tên tiếng Anh “Dried noodles with chicken and beefspices” của Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Hương và thu hồi lại mặt hàng này ở thị trường Na Uy.
Đối với sự việc trên, Acecook đã đem sản phẩm đi kiểm nghiệm tại Trung tâm phân tích Eurofins. Kết quả thử nghiệm cho thấy mì Hảo Hảo tôm chua cay nội địa không có chất Ethylene Oxide và có sự hiện diện của một lượng rất nhỏ 2-chloroetanol (2- CE) với hàm lượng 1,17 ppm.
Lý do sản phẩm xuất khẩu của Acecook bị thu hồi tại EU, đại diện công ty cho biết do có sự hiện diện của chất 2-CE. "Do quy định có tính đặc thù riêng của Liên Minh Châu Âu (EU) về cách tính hàm lượng của EO là giá trị gộp của cả EO và 2-CE, nên sự có mặt của chất 2-CE được EU nhận định là không phù hợp với quy định của họ", đại diện Acecook lý giải.
Sau sự việc trên, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Y tế khẩn trương rà soát, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chỉ tiêu và mức giới hạn chất Ethylene Oxide bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm.
Thực tế, nhiều quốc gia cũng chưa có quy định về việc sử dụng Ethylene Oxide trong nông nghiệp, thực phẩm hay dư lượng của chất này trong thực phẩm.
Các tổ chức quốc tế về an toàn thực phẩm chưa ban hành quy định về giới hạn dư lượng Ethylene Oxide trong thực phẩm, trong khi một số ít quốc gia và khu vực đã đưa ra quy định nhưng với sự chênh lệch rất lớn.
Về chất Ethylene Oxide, tháng 12/2016, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế Mỹ (IARC) phân loại Ethylene Oxide là chất gây ung thư. Bằng chứng của Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ cho thấy phơi nhiễm Ethylene Oxide qua đường hô hấp có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh ung thư hệ tạo lympho như bạch cầu lymphocytic, u tủy và u lympho không Hodgkin. Ngoài ra, tiếp xúc Ethylene oxide cũng có thể liên quan ung thư gan, phổi, thận, dạ dày và ung thư vú.