“Lình xình” tại Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam: Cần làm rõ và xử lý dứt điểm

15/06/2012 06:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Không cấp bằng đúng hạn cho học sinh đã tốt nghiệp; không thực hiện đầy đủ chế độ quần áo luyện tập cho học sinh; giáo viên giỏi phải đi kéo, giữ dây; lắp camera khắp trường; thu chi tài chính nhập nhèm…

Đó là những chuyện đã và đang diễn ra tại Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam.

Những người thầy… kéo dây

Từ năm 2006 đến nay, ngày nào thầy giáo Nguyễn Minh Thông cũng đến trường làm việc rất sớm, từ 7 giờ sáng. Công việc trong ngày của thầy Thông không phải dạy chuyên môn - tiết mục nhào lộn hay làm công tác chủ nhiệm lớp như những năm trước. Thầy làm trợ giảng. Nói “trợ giảng” cho oai chứ còn thực tế công việc của thầy chỉ là… kéo, giữ dây! Nếu như những năm học trước, học sinh tập sai kỹ thuật hay tập không hăng say, thể nào thầy Thông cũng chỉ bảo cặn kẽ, truyền cảm hứng, tình yêu nghệ thuật cho các em. Nhưng giờ đây, thầy cứ lặng lẽ và im lặng với bao nỗi xót xa… Cũng vì trước khi nhận lớp, thầy Hiệu trưởng Hoàng Minh Khánh và cũng là người bên cạnh việc quản lý còn cùng một lúc phụ trách 8 tiết mục cho các khoá 27, 28, 30 luôn nhắc: “Trợ giảng không được nói trong buổi tập”.

“Lình xình” tại Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam: Cần làm rõ và xử lý dứt điểm

Cùng kíp “trợ giảng” với thầy Thông còn có thầy Hoàng Anh Tuấn và thầy Phạm Đức Hội. Trước năm 2006, thầy Thông, thầy Tuấn, thầy Hội luôn bận rộn với hai ca dạy trong ngày và đều là những giáo viên chủ nhiệm lớp và phụ trách tiết mục. Đặc biệt hơn khi những người thầy này đều là những giáo viên dạy giỏi, từng có huy chương tại liên hoan (LH) xiếc toàn quốc, quốc tế. Chẳng hạn như thầy Thông từng là giáo viên dạy giỏi cấp Bộ. Tại hai kỳ LH xiếc toàn quốc năm 2002, tiết mục “Đu quăng” do thầy Thông cùng thầy Vĩnh phụ trách cho nhóm học sinh K20 và năm 2006 tiết mục “Xe đạp tập thể” do thầy Thông cùng thầy Hội dàn dựng và phụ trách cho nhóm học sinh K23 đều giành HCV. Ngoài ra, tại LH xiếc quốc tế năm 2004, thầy Tuấn đã dàn dựng, phụ trách tiết mục “Những chàng lính biển” và học sinh giành giải thưởng tài năng trẻ.

“Chúng tôi thấy nản khi đến trường chỉ để giữ và kéo dây”, thầy Thông chia sẻ.

Ra trường 4 năm vẫn chưa nhận được bằng

Đã 4 năm ra trường nhưng học sinh Nguyễn Minh Thắng (K26) vẫn chưa nhận được bằng tốt nghiệp. Không vi phạm kỷ luật, hoàn thành tiết mục tốt nghiệp, sức học khá, Thắng không hiểu vì sao bằng tốt nghiệp của mình lại bị “treo” lâu thế. “Em hiện đang công tác tại Đoàn xiếc Tp. Hồ Chí Minh. Theo nguyên tắc, sau khi hết hợp đồng thử việc, chúng em phải hoàn thiện hồ sơ. Nhưng đến giờ, hồ sơ của em vẫn bỏ trống bằng tốt nghiệp. Không riêng em, hiện nay khoá 26 tốt nghiệp năm 2009 tại Trường Trung cấp Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam với 26 học sinh vẫn chưa được ông Hiệu trưởng Hoàng Minh Khánh cấp bằng tốt nghiệp. Đã nhiều lần đề nghị nhưng các em chỉ nhận được những im lặng từ phía Hiệu trưởng nhà trường”, Thắng chia sẻ.

Bên cạnh việc chưa được cấp bằng tốt nghiệp đúng thời hạn, em Nguyễn Thanh H., khoá 31 còn nói về việc nhà trường cấp thiếu chế độ quần áo luyện tập và những hoài nghi về chế độ tiền thù lao trong đợt biểu diễn phục vụ 1.000 năm Thăng Long: “Một năm học, chúng em được nhà trường cấp 1 bộ quần áo mùa hè, 1 đôi giầy và hai đôi tất. Số quần áo này không đủ để chúng em luyện tập hàng ngày nên ai cũng phải mua thêm. Ngoài ra, trong đợt biểu diễn phục vụ 1.000 năm Thăng Long, chế độ chúng em được nhận rất thấp, chỉ được 1,4 triệu trong khi các bạn ở Trường Sân khấu điện ảnh được nhận từ 3-4 triệu đồng”.

Thêm vào đó, đã nhiều tháng nay, không khí của Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam rất ngột ngạt. Ở khắp hành lang, phòng giáo viên, phòng học sinh là những chiếc camera chĩa xuống làm mọi hoạt động trở nên gò bó, ngượng ngập… Lớp học mỗi ngày thưa vắng. Đã 5 năm nay, chỉ tiêu tuyển của trường không đủ, thậm chí có khoá giờ chỉ còn lại 7 học sinh...

Tống Toàn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Lình xình” tại Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam: Cần làm rõ và xử lý dứt điểm