Xét xử phúc thẩm “đại án” Huỳnh Thị Huyền Như: Chưa mở tài khoản tiết kiệm đã ký lệnh chi chuyển tiền

Văn Vũ| 18/12/2014 21:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Các nhân viên Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (gọi tắt ACB) chưa mở tài khoản tiết kiệm tại VietinBank nhưng lại ký lệnh chi để chuyển tiền từ tài khoản thanh toán sang tài khoản tiết kiệm…

Chiều nay 18/12, phiên tòa xét xử phúc thẩm “đại án” Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm tiếp tục thẩm vấn về hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 718 tỷ đồng của ACB.

HĐXX, đại diện VKS, các luật sư tập trung thẩm vấn đại diện Ngân hàng ACB, đại diện 19 nhân viên ACB, bị cáo Huyền Như và đại diện Ngân hàng VietinBank về lãi suất vượt trần; về hợp đồng ủy thác của ACB cho các nhân viên; việc ACB ủy thác cho nhân viên đem tiền gửi cho VietinBank vượt quá lãi suất trần theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; về nghĩa vụ của nhân viên khi thực hiện hợp đồng ủy thác; về quy trình cụ thể khi mở tài khoản tại VietinBank; có hay không việc nhân viên ACB mở tài khoản tiết kiệm tại VietinBank; về tính pháp lý của các lệnh chi chuyển tiền từ tải khoản thanh toán sang tài khoản tiết kiệm; về hành vi làm giả hồ sơ và dùng thẻ tiết kiệm, tài khoản tiết kiệm tiền gửi các nhân viên ACB làm tài sản đảm bảo cho các hợp đồng vay tiền; về việc tất toán thẻ tiết kiệm…

Kết thúc thẩm vấn về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của ACB, HĐXX chuyển sang thẩm vấn về hành vi giúp sức của bị cáo Võ Anh Tuấn.

Xét xử phúc thẩm “đại án” Huỳnh Thị Huyền Như: Chưa mở tài khoản tiết kiệm đã ký lệnh chi chuyển tiền

Bị cáo Võ Anh Tuấn tại phiên tòa

Tại phiên tòa, bị cáo Võ Anh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Chi nhánh VietinBank Nhà Bè, xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Tuấn nại rằng, bản án sơ thẩm tuyên bị cáo giúp sức cho bị cáo Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 4 công ty là có phần không đúng.

Bị cáo Tuấn khai không tham gia cùng bị cáo Như thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt của Công ty Phúc Vinh, Công ty Thịnh Phát và Công ty Hưng Yên. Huyền Như rủ bị cáo đến gặp cán bộ Công ty Phúc Vinh tại Hà Nội để huy động vốn. Tuy nhiên, khi đến thì lại gặp chị Nga, nhân viên của một ngân hàng thương mại cổ phần. Bị cáo nghi ngờ công ty này là sân sau của ngân hàng nên chỉ trao đổi qua loa rồi về chứ không bàn bạc chuyện huy động vốn. Sau đó, sự việc diễn ra như thế nào bị cáo không biết.

HĐXX hỏi bị cáo Tuấn khi gặp chị Nga, bị cáo khai mình giữ chức vụ gì không? Bị cáo Tuấn trả lời: Phó Giám đốc Chi nhánh VietinBank Nhà Bè. HĐXX giải thích rằng, chỉ cần bị cáo xuất hiện và xưng danh cũng đủ tạo niềm tin cho khách hàng. Đây là lý do mà sau đó bị cáo Như giả danh nhân viên Chi nhánh VietinBank Nhà Bè để huy động vốn của 3 công ty này. 

Theo bản án sơ thẩm, Huyền Như đề nghị Võ Anh Tuấn đến gặp Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Thái Bình Dương để huy động tiền gửi vào Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè. Sau khi gặp, thấy Phạm Anh Tuấn đưa ra mức phí cao không thể huy động nhưng bị cáo Tuấn không từ chối ngay mà nói với Phạm Anh Tuấn trao đổi lại với Như.

Sau đó, Phạm Anh Tuấn trao đổi với Như. Như lấy danh nghĩa huy động tiền cho Chi nhánh VietinBank Nhà Bè để huy động tiền của Công ty Thái Bình Dương. Như đã làm giả 15 Hợp đồng ủy thác đầu tư vốn giữa Chi nhánh VietinBank Nhà Bè với Công ty Thái Bình Dương, trong đó có 01 hợp đồng bị cáo Tuấn ký thật nhưng chưa được sử dụng đưa cho Như để Như ghép vào hợp đồng ủy thác đầu tư vốn do Như làm giả với Công ty Thái Bình Dương. Trong số tiền huy động được, Như đã chiếm đoạt 80 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, theo đề nghị của Như, bị cáo Tuấn có ký và đóng dấu thật của Chi nhánh VietinBank Nhà Bè trên 10 Giấy xác nhận với nội dung xác nhận đã nhận được số tiền của Công ty Thái Bình Dương.

Ngoài ra, bị cáo Tuấn cùng Như gặp gỡ đại diện các Công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát và Hưng Yên để huy động tiền về cho Chi nhánh Vietinbank Nhà Bè. Khi Như cho xem mẫu hợp đồng tiền gửi giữa Chi nhánh VietinBank Nhà Bè với Công ty Phúc Vinh, bị cáo Tuấn biết Như lấy danh nghĩa Chi nhánh huy động tiền của 3 công ty nhưng không ngăn cản. Cho nên Như làm giả các hợp đồng tiền gửi giữa Chi nhánh VietinBank Nhà Bè với 3 công ty trên, làm cho các công ty này lầm tưởng Chi nhánh VietinBank Nhà Bè nhận tiền gửi của họ nên đã chuyển tiền theo yêu cầu của Như. Qua đó, Như đã chiếm đoạt của 3 công ty 1.598 tỷ đồng. HĐXX cho rằng hành vi này của bị cáo Tuấn đã giúp sức cho Như chiếm đoạt số tiền này.

Sáng mai 19/12, HĐXX tiếp tục làm việc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử phúc thẩm “đại án” Huỳnh Thị Huyền Như: Chưa mở tài khoản tiết kiệm đã ký lệnh chi chuyển tiền